Không chỉ là một người hoạt động cách mạng, bác sĩ Kiều Xuân Cư còn có nhiều duyên nợ với báo chí. Ông là một trong những người tham gia phát hành báo Thắng - tiền thân của báo Khánh Hòa ngày nay. Báo Khánh Hòa trân trọng giới thiệu một bài viết của ông kể về quá trình hoạt động này.
Không chỉ là một người hoạt động cách mạng, bác sĩ Kiều Xuân Cư còn có nhiều duyên nợ với báo chí. Ông là một trong những người tham gia phát hành báo Thắng - tiền thân của báo Khánh Hòa ngày nay. Báo Khánh Hòa trân trọng giới thiệu một bài viết của ông kể về quá trình hoạt động này.
Đó là hai tờ báo Thắng và Trait d’Union (Tờ báo tiếng Pháp có nghĩa là Gạch Nối) do Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến tỉnh Khánh Hòa xuất bản trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Tôi không phải là người được trực tiếp tham gia làm hai tờ báo này, nhưng có may mắn là được gián tiếp đóng góp một phần nhỏ, đặc biệt là phát hành báo và thu thập những thông tin phản hồi cho cơ quan lãnh đạo tỉnh ở chiến khu. Thời gian ấy, tôi được tổ chức phân công ở lại hoạt động nội thành, sống hợp pháp cùng gia đình mở nhà sách Thanh Thanh ở Nha Trang. Đây là nơi liên lạc của tình báo Cách mạng miền Nam.
Một ngày đầu xuân năm 1947, chị Mai Thị A, người liên lạc mang đến cho tôi mấy đòn bánh tét. Bên trong lớp lá là mấy cuộn báo được bó chặt. Đó là tờ báo Thắng số 1 vừa được in ở chiến khu gửi về. Không thể nói hết niềm vui mừng và xúc động của tôi khi cầm trên tay tờ báo còn thơm mùi mực in. Tờ báo in li tô trên 4 trang khổ giấy manh. Chữ Thắng - tên của báo - được viết lớn theo lối chữ gô-tích khá đẹp. Cái tên Thắng thật ngắn gọn, đanh thép, gây xúc động lòng người, đặc biệt ở thời gian ấy tưởng như âm vang tiếng thét “Đánh” từ Hội nghị Diên Hồng xưa còn vọng lại. Chỉ có 4 trang nhưng nội dung tờ báo khá phong phú và sắc sảo. Có Lời ra mắt của báo, có bài xã luận của Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh, mục chuyện thế sự, tin kháng chiến trên các chiến trường... Đặc biệt có bài thơ chúc Tết Đinh Hợi của Bác Hồ gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước, được trình bày trang trọng ở trang nhất.
Tôi gặp anh Chí Thành và thầy trợ Hoàng Ngọc Quyết để bàn kế hoạch gửi báo đến những đối tượng chọn lọc nhất theo đường dây nội bộ. Số còn lại, để đảm bảo an toàn cho người nhận, chúng tôi gửi theo đường bưu điện. Đó là những đối tượng trí thức, các viên chức giữ những trọng trách trong chính quyền Pháp và ngụy quyền. Báo Thắng phát hành được một thời gian, chúng tôi nhận được một tờ báo nữa bằng tiếng Pháp, tờ Trait d’Union (Gạch Nối). Tờ báo này dành riêng cho đối tượng là các quan chức, binh lính Pháp trong đội quân xâm lược. Báo có nhiều bài viết đập lại những luận điệu tuyên truyền lừa bịp của địch, nói lên cuộc chiến đấu chính nghĩa giành độc lập, tự do của chúng ta, kêu gọi binh lính Pháp phản chiến, không có lý do gì chống lại một dân tộc đấu tranh giành độc lập, tự do, không có lý do gì phải chết thay cho bọn thực dân xâm lược trong cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở Việt Nam. Tôi còn nhớ bài “Pour qui mourir” (Chết vì ai) nội dung rất sâu sắc, phân tích có lý, có tình, vạch rõ âm mưu xâm lược của thực dân Pháp.
Như vậy là cùng lúc chúng tôi phát hành 2 tờ báo của mình xuất bản ở chiến khu ngay trong lòng địch. Tuy nguy hiểm nhưng thật phấn khởi, chỉ sau khi phát hành, mấy số đầu tiên đã có tiếng vang rất lớn không chỉ trong nhân dân mà còn trong giới trí thức, viên chức trong bộ máy cai trị và binh lính địch... Hai tờ báo này chỉ tồn tại được mấy năm trong thời gian kháng chiến chống Pháp, nhưng dư âm của nó còn mãi trong lịch sử báo chí Khánh Hòa và cả nước.
KIỀU XUÂN CƯ