Cha con họa sĩ Lê Vũ - Lê Bảo là những nghệ sĩ tài tử theo đúng nghĩa của từ này. Không trường lớp chính quy, họ đến với nghệ thuật bằng đam mê, phiêu du qua nhiều địa hạt nghệ thuật để thỏa mãn sở thích chính mình.
Cha con họa sĩ Lê Vũ - Lê Bảo là những nghệ sĩ tài tử theo đúng nghĩa của từ này. Không trường lớp chính quy, họ đến với nghệ thuật bằng đam mê, phiêu du qua nhiều địa hạt nghệ thuật để thỏa mãn sở thích chính mình.
Nhắc đến Lê Vũ, nhiều người nhớ đến người nghệ sĩ tài hoa, đặc biệt thành công với nghệ thuật thư pháp - thư họa. Thế nhưng, Lê Vũ không chỉ có thư pháp - thư họa, ông còn có nhiều cuộc chơi nghệ thuật khác.
Là cháu nội của Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Nho Túy, con trai của Nghệ sĩ Ưu tú Quang Hảo, nghệ sĩ Lê Vũ không đi theo nghiệp hát tuồng của gia đình. Từ thuở thiếu niên, Lê Vũ đã theo học vẽ truyền thần với một trong những thợ vẽ giỏi nhất ở Hội An hồi đó. Khi nghề vẽ đã vững vàng, Lê Vũ rời Hội An rong ruổi theo gánh hát của gia đình để vẽ áp phích, cảnh trí các vở tuồng. Đến khoảng năm 1965, Lê Vũ về định cư ở Nha Trang, lập nghiệp bằng nghề vẽ áp phích quảng cáo phim cho rạp Nha Trang Cine. Những tưởng ông sẽ gắn bó với nghề vẽ đến suốt đời, nhưng bỗng nhiên ông lại làm diễn viên cho Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng. Không có lợi thế về ngoại hình, Lê Vũ đã chinh phục khán giả bằng biệt tài tấu trống và diễn kịch câm. Với những ngón nghề này, ông đã theo Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng lưu diễn ở nhiều tỉnh, thành trong nước; được nhận huy chương ở hội diễn toàn quốc, đi lưu diễn ở nước ngoài...
Lê Bảo đệm đàn cho ca sĩ Kim Khánh. |
Đầu những năm 90 ông lại từ giã nghề diễn viên để làm một nghệ sĩ tự do. Cơ duyên đưa đẩy, ông nhận lời ráp nối xương cá voi cho Viện Hải dương học mà như ông nói là một sự thử thách với bản thân. Rồi phục dựng tiếp nhiều bộ xương cá voi cho một đình làng ở Phan Thiết (Bình Thuận), Hải Phòng, Quảng Ngãi... nên mọi người vẫn gọi đùa ông là “kẻ thừa tự ông Nam Hải” - tên một tiểu thuyết của nhà văn Cung Giũ Nguyên. Hỏi chuyện phục dựng xương cá voi ông nói, ông làm nghề này vì muốn chứng tỏ mình, cũng tự mày mò chứ không ai dạy cả. Một ngày ngẫu hứng, Lê Vũ làm tượng bác sĩ A. Yersin tặng cho trường học. Bạn bè thấy ông làm được tượng lại nhờ làm mẫu tượng Phan Bội Châu để tặng Trường THPT Phan Bội Châu (Cam Ranh).
Đầu những năm 2000, họa sĩ Lê Vũ bất ngờ tung ra những bức thư họa danh nhân với những nét chữ gọi khuôn mặt người. Khởi đầu là những bức đơn giản với triết lý của nhà Phật như Giác ngộ, Từ bi, ông dần tìm ra đường đi của riêng mình và đã thành công với hàng trăm bức thư họa danh nhân. Không ít người đã ngỡ ngàng, thán phục với hình ảnh thi tiên Lý Bạch với bầu rượu túi thơ trông rất thoát tục, một Che Guevara với ánh mắt rực cháy ngọn lửa cách mạng, một Văn Cao lãng mạn trầm tư... trong thư họa của Lê Vũ. Có thể tìm thấy ở gia tài thư họa của Lê Vũ chân dung Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn...
Cứ ngỡ cuộc dạo chơi của Lê Vũ đến đây là hết, nhưng ông lại làm nhiều người bất ngờ khi cho đăng thơ, truyện ngắn. Hỏi chuyện văn thơ, ông bảo chỉ viết chơi như bao nhiêu cuộc chơi khác. Ừ thì đúng là “chơi”, nhưng chơi kiểu tài hoa như họa sĩ Lê Vũ thì ít người theo được.
Thư họa về ngựa của họa sĩ Lê Vũ. |
Cái máu nghệ sĩ tài tử đã được họa sĩ Lê Vũ truyền lại cho những người con của mình, trong đó Lê Bảo là người được thừa hưởng nhiều nhất, gần giống với ông hơn cả. Nối gót người cha, Lê Bảo cũng vẽ tranh sơn dầu, chơi thư pháp khá có nghề. Người viết bài biết đến Lê Bảo hơn 10 năm trước, khi xem những bức thư pháp anh viết về mẹ ở gallery Bút Hoa (đường Nguyễn Thiện Thuật - TP. Nha Trang). Tuy chưa đạt đến tầm của họa sĩ Lê Vũ, nhưng thư pháp của Lê Bảo cũng có nét riêng. Bẵng một thời gian, lại thấy Lê Bảo mở phòng trà ca nhạc. Cứ tưởng anh chỉ mở phòng trà để kinh doanh, ai dè anh còn trực tiếp biểu diễn trên sân khấu. Hàng đêm, anh vừa đệm đàn cho ca sĩ Kim Khánh, Thái Hòa, Thế Quang, khi lại ôm đàn guitar cất tiếng hát Anh còn nợ em, Con thuyền không bến, Tình cầm, Hạnh phúc lang thang... Khách đến với phòng trà ban đầu hơi ngạc nhiên bởi người ôm đàn guitar có phong thái rất nghệ sĩ trên sân khấu lại là ông chủ. Lâu dần nhiều người “nghiện” nghe Lê Bảo hát. Ở anh không quá cầu kỳ về kỹ thuật, mà để giọng hát phiêu theo cảm xúc, bởi vậy lại dễ đi vào lòng người. Hỏi chuyện hát hò, Lê Bảo cho biết, vốn liếng âm nhạc của anh là vài năm học đàn guitar, tham gia ca đoàn của nhà thờ Vĩnh Phước... Anh hát hò kiểu tài tử như vậy từ lâu lắm rồi, nhưng chỉ những người thân quen mới biết. Ngay chuyện mở phòng trà cũng là một kiểu chơi tài tử của anh. Ai cũng biết phòng trà ca nhạc ở Nha Trang rất khó có đất sống, nhiều điểm chỉ dám biểu diễn cuối tuần, vậy mà Lê Bảo lại mở suốt tuần. Đó là một sự chịu chơi rất nghệ sĩ!
Mỗi vùng đất luôn có những người nghệ sĩ của mình. Sẽ là khập khiễng khi so sánh người làm văn nghệ ở địa phương với những nghệ sĩ ngôi sao, mà cần phải thấy chính họ đã góp thêm những nét sinh động cho đời sống văn hóa ở Nha Trang.
XUÂN THÀNH