"Một mình lang thang trên đất này, một mình qua sông qua núi đồi…", lời hát của nhạc sĩ Yphôn Ksor trong ca khúc "Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời" đã nói lên phần nào tính cách ưa rong ruổi của người Tây Nguyên. Đã vậy, người cao nguyên sẵn có máu âm nhạc nên rất hợp để làm nghệ sĩ hát rong…
“Một mình lang thang trên đất này, một mình qua sông qua núi đồi…”, lời hát của nhạc sĩ Yphôn Ksor trong ca khúc “Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời” đã nói lên phần nào tính cách ưa rong ruổi của người Tây Nguyên. Đã vậy, người cao nguyên sẵn có máu âm nhạc nên rất hợp để làm nghệ sĩ hát rong…
Cách đây mấy năm, khi đọc bút ký Người hát rong giữa rừng của nhà văn Nguyên Ngọc (Bằng đôi chân trần) tôi đã mê nhân vật Y Yơn đến lạ. Theo Nguyên Ngọc, đó là một người Tây Nguyên nhất trong những con người sinh ra ở đại ngàn, “Tây Nguyên tận đáy tâm hồn”. Y Yơn đàn hay, hát giỏi, bao năm cứ lang bạt kỳ hồ không màng danh lợi, nên đến cuối đời vẫn vui sống ở trong căn nhà nghèo túng ở buôn Sam, xã Ea H’leo của huyện Ea H’leo, Đắk Lắk.
Những năm kháng chiến, người nghệ sĩ của đại ngàn ấy tham gia đội văn nghệ kháng chiến đi qua các buôn làng, hát gọi đồng bào về với cách mạng. Những bài hát về tình yêu trai gái, yêu rừng, yêu con suối đầu làng, yêu trái núi muôn đời cô quạnh, yêu con nai tơ ra ăn chồi tranh buổi sớm mờ sương... đã làm mê say biết bao người. Những bài dân ca mộc mạc tưởng như vô thưởng vô phạt ấy đã nung nấu thêm tình yêu quê hương, thúc dục người nghe đứng dậy vì tự do của núi rừng và buôn làng; nhiều người lính ngụy nghe tiếng hát của ông đã bỏ súng quay về với cách mạng... Ấy là chuyện nhà văn kể. Có thể nhiều người cho rằng, nhà văn nói quá lên. Riêng tôi, vẫn luôn tin Tây Nguyên huyền thoại có những người như thế! Tôi may mắn được gặp những nghệ sĩ Tây Nguyên nổi tiếng như: Y Moan, Y Jack Arul, Yphôn Ksor... Điều để lại ấn tượng nhiều nhất đối với tôi không chỉ là giọng hát khỏe khoắn của các nghệ sĩ mà chính là tình yêu âm nhạc, cái tinh thần cống hiến theo kiểu nghệ nhân hát rong.
Nhạc sĩ Yphôn Ksor trong lần biểu diễn tại Nha Trang cuối năm 2013. |
Cuối năm 2013, chỉ với một cây ghi-ta, Y Jack Arul và nhạc sĩ Yphôn Ksor đã làm một lèo 10 đêm diễn tại các quán cà phê Mê Trang ở phố biển. Họ hát mê say dù khán giả nhiều hay ít, bởi họ hát trước hết là cho mình. Điều đó chẳng có gì là lạ, bởi Y Jack Arul, Yphôn Ksor đều lớn lên trong những cái nôi âm nhạc. Theo lời Yphôn Ksor, mẹ anh là nghệ nhân thổi đing put, còn bố anh là tay chiêng cừ khôi, có tiếng ở huyện Ea H’leo. Lên 7 tuổi, Yphôn Ksor đã chơi đàn goong thuần thục. 11 tuổi bắt đầu theo cha biểu diễn cùng dàn cồng chiêng của buôn, đi khắp trong vùng. Lớn lên, anh theo học trung cấp thanh nhạc, nhưng khi vừa tốt nghiệp thì phải về quê làm rẫy để phụ em gái (bị chồng bỏ) nuôi đàn cháu nheo nhóc. Những khi rảnh rỗi, anh lại ôm đàn hát, tập tành sáng tác, mà khán giả chính là những người trong buôn. Năm 1992, tham dự trại sáng tác âm nhạc khu vực Tây Nguyên, Yphôn Ksor sáng tác ca khúc Chim phí bay về cội nguồn. “Chim phí bay ngang qua, ngang qua bầu trời/Chim jông bay về cội nguồn/Bay từ vầng trăng soi/Vẫn bay về cội nguồn…”, những ca từ mộc mạc, vừa phóng khoáng đậm chất núi rừng vừa thiết tha ân tình đó đã gây sự chú ý của giới chuyên môn. Năm 1993, anh chuyển về Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk vừa tham gia biểu diễn vừa sáng tác, chính thức bước vào nghiệp ca hát. Đứng trên sân khấu chuyên nghiệp đã hơn 20 năm, Yphôn Ksor bảo rằng, với người nghệ sĩ thì hát đâu cũng là hát, nhưng anh vẫn thấy hạnh phúc nhất khi hát cho đồng bào mình nghe. Người nhạc sĩ của buôn làng kể rằng, những ca khúc nổi tiếng của anh như: Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời, Đôi chân trần, Hoang sơ kể khan, Cô gái trở về một mình… đều được anh viết ra trong thời kỳ khó khăn nhất - những ngày tháng ôm đàn lang thang khắp buôn làng, ăn nằm cùng khe suối, núi rừng Ea H’leo, Ayunpa, Chư Pưh... Bởi vậy, anh phải hát để trả nghĩa cho đồng bào.
Cũng vì mê ca hát, đầu thập niên 90, Y Jack Arul đang độ tuổi ăn học đã theo nhạc sĩ Trần Tiến, ca sĩ Y Moan đi “hát rong” theo dặm dài đất nước. “Ngày đó, tôi còn rất trẻ, nghe đàn anh Y Moan rủ đi hát là theo liền. Ở dưới sân khấu, con gái trêu ghẹo còn bẽn lẽn, nhưng tiếng nhạc nổi lên, cầm micro, tôi chẳng còn biết sợ là gì”, Y Jack Arul kể. Những Giấc mơ Chapi, Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời, Đôi chân trần, Ơi M’Drak, Ly cà phê Ban Mê… qua tiếng hát của Y Moan và Y Jack Arul đã làm say lòng bao người, đã giúp người nghe thêm yêu đất cao nguyên đầy nắng gió. Cho đến giờ, Y Jack Arul vẫn chưa quên những kỷ niệm cùng nghệ sĩ Y Moan khi hát cho đồng bào nghe. “Hồi trước, đời sống còn khổ, đoàn vẫn phải đi lưu diễn như hát rong. Cát sê có khi chỉ là vài gùi bắp, nhưng chỉ cần nghe đồng bào nói “Moan hát nữa đi” là anh “cháy” hết mình, hát đến đứt dây đàn, có lần hát đến trào cả máu...”, Y Jack Arul nhớ lại.
Trong những nghệ sĩ Tây Nguyên, Y Moan là một giọng hát huyền thoại, được nhiều người xem như là nghệ nhân hát rong cuối cùng. Tôi may mắn gặp ông ở Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009. Lần ấy, ấy, ông không hát mà chỉ đi theo cổ vũ cho lứa nghệ sĩ đàn em. Hỏi chuyện, Y Moan vui vẻ kể con đường âm nhạc của mình, về những chuyến hát rong cùng nhóm “Du ca đồng nội” của nhạc sĩ Trần Tiến, về những chuyến lưu diễn ở nước ngoài... Ngày ấy, nghệ sĩ Y Moan có nói rằng, ông thèm được hát suốt đời cho bà con mình, hát để cả thế giới biết đến Tây Nguyên - nơi có những những thảo nguyên bao la, có những rừng cà phê bạt ngàn nắng gió, có hoa pơ lang nở trắng... Bây giờ, người nghệ sĩ được ví như người hát rong cuối cùng của đất Tây Nguyên ấy đã ra đi, nhưng những giọng hát nối tiếp của cao nguyên vẫn đang nỗ lực đi tiếp con đường còn dang dở. Và tôi tin, chất hát rong của nghệ sĩ Tây Nguyên sẽ còn mãi như hương cà phê của xứ sở này!
THÀNH NGUYỄN