09:02, 21/02/2014

Tình yêu nước Việt trong thơ Lưu Quang Vũ

Cảm hứng lớn nhất trong thơ Lưu Quang Vũ chính là tình yêu Tổ quốc. Ông yêu đất nước này, dân tộc này đến vô cùng như có lần đã viết: "Tôi làm sao sống được nếu xa Người". 26 năm đã qua kể từ ngày Lưu Quang Vũ ra đi, những tác phẩm của ông vẫn được người đọc yêu mến. Càng đọc, ta càng yêu thêm người nghệ sĩ tài hoa này.

Cảm hứng lớn nhất trong thơ Lưu Quang Vũ chính là tình yêu Tổ quốc. Ông yêu đất nước này, dân tộc này đến vô cùng như có lần đã viết: “Tôi làm sao sống được nếu xa Người”. 26 năm đã qua kể từ ngày Lưu Quang Vũ ra đi, những tác phẩm của ông vẫn được người đọc yêu mến. Càng đọc, ta càng yêu thêm người nghệ sĩ tài hoa này.


Nói đến Lưu Quang Vũ, nhiều người nhớ đến tác giả của những kịch bản sân khấu dữ dội nhất Việt Nam thập niên 80 thế kỷ XX. Thế nhưng, ít người biết trước khi là một kịch tác gia nổi tiếng, Lưu Quang Vũ là nhà thơ, và thơ mới chính là con người thật của ông như có lần ông tự nhận: Trên ngày tháng trên cả niềm cay đắng/Thơ tôi là mây trắng của đời tôi. Trước đây, người viết cũng chỉ biết Lưu Quang Vũ như một gương mặt thơ trẻ thời chống Mỹ (từng in chung với nhà thơ Bằng Việt tập Hương cây - Bếp lửa), mãi đến gần đây khi đọc tập thơ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi mới thấy hết con đường thơ của người nghệ sĩ tài hoa này. Đặc biệt, dù có những sắc thái khác nhau, xuyên suốt thơ của ông là một tình yêu nước đến vô cùng, một tình yêu chân thực đến đớn đau.


Từ những cảm hứng tự hào....

 

Thuở mới bén duyên cùng thơ, tình yêu nước trong thơ Lưu Quang Vũ rất trong trẻo, có chút gì đó khá giản đơn, kiểu như: Ta đi giữ nước yêu thương lắm/ Mỗi xóm thôn qua mỗi nghĩa tình (bài Gửi tới các anh). Nhưng rồi những va đập trong cuộc sống, sự trải nghiệm của đời lính... đã giúp thơ của ông già dặn hơn. Và chính ở đấy, hình ảnh đất nước Việt hiện lên một cách rõ ràng, chân thực nhất. Trong cảm hứng tự hào về đất nước, nhà thơ đã viết bài thơ Đất nước đàn bầu khái quát lại diện mạo của cả dân tộc theo chiều dài lịch sử với một quá khứ đau thương mất mát nhưng cũng rất đỗi tự hào: Dân tộc tôi bốn nghìn năm áo rách/Những người chết đặc trong đất/Những mặt vàng sốt rét/Những bộ xương đói khát vật vờ đi/Vó ngựa lao dồn dập/Giặc phương Bắc kéo về/Bao đền đài bị đốt thành than/Bao cuốn sách bị quăng vào lửa/Bao đầu người bêu trên cọc gỗ/Con trai chinh chiến liên miên/Con gái mong chồng hóa đá. Suốt chiều dài lịch sử, dân tộc ta đã làm nên biết bao chiến công hiển hách giữ vững nền độc lập tự chủ: Vọng quanh thành tiếng trống thúc xa xôi Muôn cờ xí trập trùng đuốc lửa/Những đề đốc, những tướng quân áo đỏ/Những Đông Bộ Đầu, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan/Thanh gươm cũ với câu thơ giữ nước/Ngựa đá bao phen phải lấm bùn.

 

Lưu Quang Vũ lúc còn trẻ và tập thơ “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi “ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam ấn hành.
Lưu Quang Vũ lúc còn trẻ

 


Từ trong cuộc trường chinh vệ quốc, bằng sức sống bất diệt, người Việt đã sáng tạo nên một nền văn hóa truyền thống đầy bản sắc. Trong cảm hứng tự hào, nhà thơ đã vẽ nên bức tranh văn hóa đầy sắc màu: Nón quai thao, áo màu bay rực rỡ/Những lò rèn phập phù bễ lửa/Phường chạm bạc, phường đúc đồng/Phố Hàng Hài thêu những chiếc hài cong/Những cô gái dệt the và phất quạt/Những Hàng Điếu Hàng Buồm Hàng Bát/Rùa trao gươm, chim lạ đến Tây Hồ/Lụa làng Trúc, rượu Kẻ Mơ Phố Tràng Thi ngựa hí/Phố Tràng Thi những thầy khóa trẻ/Giấy hồng điều phấp phới bút hoa.

 

1
.... và tập thơ “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi “ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam ấn hành.


Yêu mến, tự hào về nước Việt, về tiếng Việt, Lưu Quang Vũ đã dành luôn một thi phẩm Tiếng Việt để nói về tiếng nói của dân tộc. Với nhà thơ, tiếng Việt không phải là cái gì quá đỗi trừu tượng mà là tất cả những gì gần gũi, thân thương nhất của mỗi con người, đó là tiếng mẹ gọi, tiếng cha dặn, tiếng gọi đò... Tiếng Việt mộc mạc, khỏe khoắn nhưng cũng mềm mại, tinh tế, bay bổng đến diệu kỳ mà như nhà thơ đã viết Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa/Óng tre ngà và mềm mại như tơ. Với ông, tiếng Việt không chỉ là một ngôn ngữ để giao tiếp mà chính là sợi dây để nối kết dân tộc, một nhân tố tạo nên sự bền vững muôn đời của đất nước Việt Nam: Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển/Có gọi thầm tiếng Việt đêm khuya/Ai ở phía bên kia cầm súng khác/Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.


Yêu đến tận cùng nước non này


Yêu nước đến mê đắm, nhưng Lưu Quang Vũ không chỉ ngợi ca, ông còn nói lên những mất mát, khổ đau, những buồn tủi của đất nước. Ông nghe trong tiếng đàn bầu nức nở: Cái nỗi buồn dân tộc/Cái nỗi buồn bị đày đọa lăng nhục; càng thấy thương hơn những thiệt thòi, tan nát mà dân tộc Việt phải gánh trên vai, phải luôn đánh vật với tai ương nước mắt, phải chịu tả tơi trong định mệnh đói nghèo. Thế nhưng dù đau khổ, đói nghèo đến đâu ông cũng yêu nước đến vô cùng. Trong bài thơ Người cùng tôi, sau khi nói đến những “khuyết tật” của người Việt, nhà thơ vẫn Ước chi được trở thành ngọn gió/Để được ôm trọn vẹn nước non này.


Giữa lúc cả nước đang trong âm hưởng ngợi ca “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, Lưu Quang Vũ lại viết những vần thơ mang tính nghịch âm nói lên những gian khó của Hà Nội, của đất nước trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ: Nơi tôi vào đời cùng cuộc chiến tranh/Những năm khó khăn/Hè phố đầy hầm, tường đầy khẩu hiệu/Quần áo mà mặt người màu cỏ héo/Thiếu ăn thiếu mặc thiếu nhà/Người đợi tàu ngủ chật sân ga/Trẻ em thiếu nơi học hành dạy dỗ... Và nhà thơ đã dũng cảm kêu gọi Người ta không thể sống bằng niềm tin đẹp/Bằng áp phích trên tường, bằng những lời đanh thép/Phải mang cho mọi người áo mặc cơm ăn/Phải có nhà trường cửa sổ trời xanh/Những bàn tay dám làm, những tấm lòng dám thật (Viết lại một bài thơ Hà Nội). Chính vì yêu nước, chứng kiến chiến tranh đã hủy hoại nhiều giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc nên nhà thơ đã lên tiếng như ông đã từng kêu gọi: Dân tộc trải xót xa nhiều nỗi khổ/Phải thương nhau mới sống được trên đời khi kết lại bài thơ Đất nước đàn bầu. Trách nhiệm của một người nghệ sĩ, ý thức công dân quyết liệt đã làm bật lên tiếng lòng của Lưu Quang Vũ. Đọc những vần thơ đầy tính phản tỉnh này mới hiểu vì sao ông dám viết những kịch bản sân khấu đầy chất đấu tranh đến vậy. Với ông, dù đất nước có đau thương hơn nữa, nghèo đói hơn nữa, đầy khiếm khuyết hơn nữa ông vẫn yêu đến tận cùng. Bởi như có lần nhà thơ đã tự bạch  trong Người cùng tôi: Tôi làm sao sống được nếu xa Người/Như giọt nước bậu vào ngọn cỏ/Như châu chấu ôm ghì bông lúa/Người đẩy tôi ra tôi lại bám lấy Người/... Xin Người đừng nhìn tôi như kẻ lạ/Xin Người đừng ghẻ lạnh Việt Nam ơi/Người có triệu chúng tôi, tôi chỉ có một Người.  


Đọc Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, có cảm giác Lưu Quang Vũ đã gửi tất cả những gì sâu kín nhất vào thơ, ông làm thơ trước hết là để cho mình, viết ra những ẩn ức của mình... Chính vì vậy, thơ ông đã đứng lại được với thời gian. Và hơn hết, người ta nhận ra trong thơ ông một tình yêu đất nước vô bờ bến.


XUÂN THÀNH