10:02, 11/02/2014

Người đam mê những cây đèn cổ

Công tác trong ngành Y, nhưng bác sĩ Trần Văn Huy - Trưởng khoa Tim mạch - Lão học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa lại rất say mê với thú chơi cổ vật, nhất là đèn cổ. Sau nhiều năm sưu tập, hiện nay ông đã có trong tay khoảng 200 cây đèn dầu các loại.

Công tác trong ngành Y, nhưng bác sĩ Trần Văn Huy - Trưởng khoa Tim mạch - Lão học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa lại rất say mê với thú chơi cổ vật, nhất là đèn cổ. Sau nhiều năm sưu tập, hiện nay ông đã có trong tay khoảng 200 cây đèn dầu các loại.


Trong buổi triển lãm ra mắt Câu lạc bộ Cổ vật Nha Trang tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa vào cuối năm 2013, nhiều người đã chú ý đến bộ sưu tập đèn cổ của bác sĩ Trần Văn Huy. Họ thích thú khi được nhìn ngắm những cây đèn hình tượng thần vệ nữ bằng đồng, đèn hình hải đăng, các đèn thủy tinh nhiều màu sắc với các kiểu dáng rất đẹp mắt...

 

Khách du lịch xem bộ sưu tập đèn của bác sĩ Trần Văn Huy tại triển lãm ở Bảo tàng Khánh Hòa.
Khách du lịch xem bộ sưu tập đèn của bác sĩ Trần Văn Huy tại triển lãm ở Bảo tàng Khánh Hòa.


Sau triển lãm, tôi đã tìm đến nhà của bác sĩ Huy ở đường 23-10, TP. Nha Trang để được nhìn tận mắt bộ sưu tập đèn của ông. Trong nhà ông, đèn bày la liệt, từ những chiếc đèn đơn giản để sinh hoạt hàng ngày như đèn hột vịt đến những chiếc đèn cầu kỳ dùng để trang trí nội thất. Đèn được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như gốm sứ, thủy tinh, sắt, đồng, nhôm... với niên đại từ vài chục đến vài trăm năm tuổi. “Tôi lớn lên ở làng quê ngoại thành Huế, từ nhỏ đã gắn bó với ngọn đèn dầu. Vì thế, bây giờ cuộc sống có đầy đủ đến đâu tôi vẫn quý chiếc đèn dầu. Mỗi khi nhìn thấy hình ảnh ngọn đèn dầu, tôi lại nhớ một thời tuổi thơ gian khó”, ông nói về cái duyên nợ của mình về đèn như thế.


Theo bác sĩ Huy, đèn dầu không chỉ phục vụ đời sống mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống, thể hiện trình độ kỹ thuật chế tác qua các thời kỳ. Chính vì vậy, từ lâu trên thế giới đã có nhiều người sưu tập đèn cổ, tuy nhiên ở Việt Nam, người chơi đèn cổ chưa nhiều. Thích đèn dầu từ lâu, nhưng phải cách đây khoảng 20 năm, khi thấy gia đình nhà vợ có sẵn mấy cây đèn cũ khá đẹp, ông mới chú ý đến việc sưu tập đèn. Sau gần 20 năm sưu tập, đến nay ông đã có khoảng 200 cây đèn cổ các loại. Trong đó, chiếc đèn cổ nhất làm bằng đất nung có niên đại từ trước công nguyên, ngoài ra còn nhiều cây đèn có niên đại hàng trăm năm tuổi. Ngoài các loại đèn của Việt Nam (đèn gốm sứ Bát Tràng, đèn gốm Lái Thiêu, đèn Chămpa cổ), bác sĩ Huy còn sưu tập nhiều loại đèn của Pháp, Anh, Trung Quốc... Hiện tại, ông vẫn cố gắng bổ sung để làm dày thêm bộ sưu tập đèn của mình. Mỗi lần đi công tác, ông vẫn chú ý để mua thêm những cây đèn phù hợp. Ngoài ra, ông còn giữ mối liên hệ những người mua bán ve chai, đồng nát để kiếm thêm những cây đèn cũ. Cũng nhờ mối liên hệ này, ông từng mua được chiếc đèn sứ của Pháp rất đẹp.

 

Một phần bộ sưu tập đèn của bác sĩ Trần Văn Huy.
Một phần bộ sưu tập đèn của bác sĩ Trần Văn Huy.


Trong câu chuyện về đèn cổ, bác sĩ Huy nhiều lần nhắc đến linh mục Nguyễn Hữu Triết ở Cần Thơ (người sở hữu bộ sưu tập đèn cổ lớn nhất Việt Nam với khoảng 1.000 cây đèn) với lòng ngưỡng mộ, kính phục. Là người đi sau, tự nhận hiểu biết về đèn chưa nhiều nên bác sĩ Huy dành thời gian để tìm hiểu về niên đại, xuất xứ của các loại đèn mà ông đang lưu giữ. “Bây giờ, tuy rất đam mê nhưng tôi vẫn bị hạn chế về thời gian. Khi về hưu, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho thú vui của mình”, ông cho biết.
Trước khi chia tay, bác sĩ Huy bảo rằng, bây giờ cuộc sống hiện đại, có mấy nơi trên đất nước này còn đèn dầu nữa, vì thế cần phải lưu giữ những chiếc đèn dầu.“Thế hệ trẻ sinh ra ngày nay vừa mở mắt ra đã nhìn thấy bóng đèn điện, có những em bé không biết đến cây đèn dầu, đồng nghĩa với việc không cảm nhận được cuộc sống của con người một thời đã qua... Tôi lưu giữ để cho con cháu về sau có thể  nhìn thấy quá khứ của chính tổ tiên mình”, ông nói.


XUÂN THÀNH