10:02, 07/02/2014

Đọc sách - nét đẹp của lính đảo

Đến với Trường Sa, chúng tôi không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của mảnh đất Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió, mà còn chứng kiến một nét đẹp về văn hóa đọc của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo. Ở đây, sách, báo luôn được mọi người xem như là người bạn thân thiết…

Đến với Trường Sa, chúng tôi không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của mảnh đất Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió, mà còn chứng kiến một nét đẹp về văn hóa đọc của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo. Ở đây, sách, báo luôn được mọi người xem như là người bạn thân thiết…


Văn hóa đọc trên đảo


Trong hành trình đến với Trường Sa, chúng tôi thật may mắn khi được lên thăm cả đảo chìm lẫn đảo nổi. Ở mỗi điểm đảo, mọi người có dịp tham quan, trò chuyện cùng với cán bộ, chiến sĩ, người dân đang sinh sống và làm nhiệm vụ. Và cái nhìn tổng quan về Trường Sa của chúng tôi là: Trường Sa thật đẹp! Nét đẹp ấy không chỉ toát ra từ cảnh vật thiên nhiên mà còn ở tính cách người lính. Trong đó, để lại dấu ấn đối với chúng tôi khi đến Trường Sa là văn hóa đọc của cán bộ, chiến sĩ và người dân. Dạo bước trên con đường bê tông rợp bóng cây xanh ở đảo Sơn Ca, chúng tôi thấy, bên những chiếc ghế đá, các chiến sĩ chăm chú đọc sách. Binh nhất Phạm Văn Huy (20 tuổi, quê Hải Dương) chia sẻ: “Vào những giờ nghỉ, ngày nghỉ, ngoài việc chăm sóc cây cối, rau xanh, vật nuôi, chúng tôi thường lên thư viện của đảo mượn sách về đọc. Sách ở đây rất phong phú nên tha hồ lựa chọn theo sở thích. Tôi thường đọc những truyện ngắn của các cây bút trẻ, vì họ có nhiều khám phá mới, cách nhìn mới về cuộc sống. Ngoài ra, tôi còn đọc những cuốn sách về văn hóa, phong tục, tập quán, danh lam, thắng cảnh của nước ta. Ví dụ như, cuốn “Non nước Việt Nam” mà tôi đang đọc có rất nhiều thông tin bổ ích về những địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam”.


Đến các đảo chìm: Đá Nam, Đá Thị, Len Đao, Đá Lớn..., vào thăm những căn phòng nhỏ của các chiến sĩ, chúng tôi đều thấy có những cuốn sách đặt trên kệ. Ở đảo Đá Nam, ngồi bên cửa sổ, Trung sĩ Nguyễn Ánh Dương (22 tuổi, quê Thanh Hóa) chú tâm đọc cuốn “Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam”. “Tôi rất thích đọc sách liên quan đến văn hóa, lịch sử Việt Nam. Những cuốn sách ấy cho tôi thấy được công cuộc đấu tranh gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của Đảng, Bác Hồ, quân đội và nhân dân ta” - anh nói.


Được sự quan tâm của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, hàng năm, các đảo, điểm đảo được bổ sung hàng trăm cuốn sách các loại. Bên cạnh đó, những đoàn ra thăm Trường Sa cũng tặng sách, báo cho bộ đội. Chính vì thế, sách, báo ở đây không ngừng được bổ sung phong phú. Thấy được vai trò, ý nghĩa của sách đối với cuộc sống, những năm gần đây, các đơn vị trên quần đảo Trường Sa có nhiều sáng kiến thiết thực để “hâm nóng” văn hóa đọc của bộ đội bằng cách định hướng cho anh em tìm đọc những cuốn sách hay, bổ ích, phù hợp với nhận thức, sở thích của mỗi người. Đảo Sinh Tồn Đông có phần thưởng là một cuốn sổ tay đẹp dành cho những chiến sĩ đọc số lượng sách nhiều nhất trong một quý. Ở đảo Song Tử Tây, hàng tháng có một buổi tối sinh hoạt văn hóa dành riêng cho việc bình luận những cuốn sách có giá trị tốt về tư tưởng, nội dung và nghệ thuật. Trong mỗi buổi sinh hoạt, các chiến sĩ trình bày cảm tưởng, suy nghĩ về những cái hay, cái đẹp của cuốn sách mà mình tâm đắc nhất. Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây chia sẻ: “Thông qua việc làm này, đơn vị muốn tạo ra một hình thức sinh hoạt văn hóa lành mạnh giúp bộ đội biết tiếp cận, thưởng thức những giá trị đích thực từ các cuốn sách”.

 

Các chiến sĩ Trường Sa ngồi bên kè biển đọc sách, báo.
Các chiến sĩ Trường Sa ngồi bên kè biển đọc sách, báo.


 

Sách - người thầy, người bạn thân thiết


Đọc sách không chỉ nâng cao trình độ, làm giàu tâm hồn cho mỗi cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, mà còn trực tiếp giúp họ hiểu thêm về huyện đảo thân yêu. Thiếu úy Lê Thành Chinh (quê Thái Bình, công tác ở đảo Len Đao) tâm sự: “Ra đây công tác, hàng ngày, tôi đều dành khoảng 2 - 3 giờ để đọc sách. Qua đó, tôi đã tích lũy nhiều kinh nghiệm, mở mang kiến thức trong mọi lĩnh vực, tăng cường khả năng tư duy. Đọc sách còn cho tôi biết thêm về tình hình trong và ngoài nước, giúp tìm ra giá trị bản thân và chắp cánh cho những ước mơ, sáng tạo...”.


Ở Trường Sa, các chiến sĩ đều đặt mục tiêu đọc từ 50 đến 100 cuốn sách trong năm công tác. Có cán bộ, sau nhiều năm gắn bó với Trường Sa đã đọc cả nghìn cuốn sách. Đại úy Lê Ngọc Phương (quê TP. Nha Trang, hiện là Đảo trưởng đảo Đá Lớn A) - người đã có nhiều “tăng” công tác trên các đảo nổi, đảo chìm thuộc Trường Sa cho biết: “Từ nhỏ, tôi đã say mê đọc sách. Vì thế, khi được ra Trường Sa công tác, tôi càng có thêm điều kiện tiếp cận nguồn thông tin, tư liệu phong phú từ tủ sách của đơn vị. Đến đảo nào tôi cũng đặt mục tiêu đọc hết 40% số sách trong tủ sách của đơn vị”.


Đại tá Nguyễn Văn Thắng - Chính ủy Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân thổ lộ: “Nhiệm vụ của người lính đảo là góp phần canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, các chiến sĩ trên đảo Trường Sa không “khô cằn” như nhiều người vẫn nghĩ. Bộ đội Trường Sa không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn luôn tìm cách làm phong phú đời sống tinh thần. Vì thế, tủ sách ở mỗi đơn vị chiến đấu đã trở thành trung tâm kiến thức của lính đảo”. Bộ đội Trường Sa luôn xem sách là người thầy tài hoa, người bạn thân thiết, nguồn tư liệu quý giá giúp họ tích lũy kiến thức để làm phong phú thêm tri thức.


Nâng cao kiến thức để bảo vệ chủ quyền


Vào những ngày nghỉ, phòng đọc sách, báo ở các đảo, điểm đảo khá nhộn nhịp. Chứng kiến những buổi sinh hoạt như thế mới thấy hết được tinh thần ham học hỏi của chiến sĩ Trường Sa. Trung sĩ Nguyễn Ánh Dương chia sẻ: “Việc đọc sách, báo không chỉ giúp tôi tạo được thói quen tốt mà còn nâng cao kiến thức. Từ đó, tôi hiểu rõ hơn về nhiệm vụ của mình đang làm”. Cũng chính từ thói quen đọc sách, báo mà nhiều chiến sĩ ở Trường Sa đã hiểu rõ hơn về công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ mảnh đất Trường Sa, Hoàng Sa của cha ông ta, để từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm trong nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó. Trung tá Nguyễn Viết Xuân (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm) công tác tại đảo Sơn Ca cho biết: “Ra đây, tôi mới có điều kiện tiếp cận những tài liệu đồ sộ, phong phú về Trường Sa. Tôi đặc biệt ấn tượng về cuốn “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Cuốn sách đã làm cho tôi hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống chiến đấu bảo vệ chủ quyền cũng như quá trình xây dựng lâu dài của ông cha ta đối với từng hòn đảo thuộc hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Với những công lao to lớn đó của lớp người đi trước, chúng tôi nguyện đem hết sức mình để tiếp tục xây dựng và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước Việt Nam”.


Hình ảnh bên ghế đá, dưới tán bàng vuông rợp bóng mát, những chiến sĩ chăm chú đọc sách tạo nên khung cảnh thanh bình ở vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Ở đây, văn hóa đọc đã góp phần quan trọng trong công tác chính trị tư tưởng, giúp cán bộ, quân dân Trường Sa chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.


HƯƠNG GIANG