09:12, 05/12/2013

Văn chương mạng: Qua rồi thời ảo tưởng

Chỉ trong vòng 5 năm (2008 - 2013), văn chương mạng ở Việt Nam như trải qua trọn vẹn một "kiếp người", từ chập chững phát triển, sơ khai thành hình đến mạnh mẽ bùng phát và cuối cùng là lặng lẽ lụi tàn. Thế nhưng, đến nay, văn chương mạng ở Việt Nam đang chậm rãi quay trở lại đúng với bản chất thật của mình, không còn những ảo tưởng của thời ban đầu.

Chỉ trong vòng 5 năm (2008 - 2013), văn chương mạng ở Việt Nam như trải qua trọn vẹn một “kiếp người”, từ chập chững phát triển, sơ khai thành hình đến mạnh mẽ bùng phát và cuối cùng là lặng lẽ lụi tàn. Thế nhưng, đến nay, văn chương mạng ở Việt Nam đang chậm rãi quay trở lại đúng với bản chất thật của mình, không còn những ảo tưởng của thời ban đầu.


Một thời vàng son


Vào thời kỳ đầu, văn chương mạng ở Việt Nam còn là một khái niệm rất khó phân định. Có người theo hướng mở rộng còn xem đó là một dạng văn chương có trên mạng, bất chấp có rất nhiều tác phẩm chỉ là bản số hóa của tác phẩm đã xuất bản sách giấy. Có người lại theo hướng cực đoan khi coi văn chương mạng chỉ có thể là văn chương được viết trên mạng, phát triển, phát hành qua mạng chứ không được in ra giấy. Đặc thù của kiểu sáng tác này là tác phẩm có thể thay đổi ngay trong khi đang viết. Ví dụ, nhân vật đã chết nhưng do bạn đọc phản ứng quá, tác giả có thể viết sửa lại thành… sống!


Người viết văn chương mạng ở Việt Nam có thể chia làm 2 dạng. Một là, người mới hoàn toàn, thay vì phải vất vả sáng tác xong đi tìm người in, xuất bản thì nay với mạng internet, họ có thể nhanh chóng đưa tác phẩm đến với bạn đọc. Những cái tên tác giả mới toanh xuất hiện từ đây như: Keng, Hà Kin, Trần Thu Trang, Phan An… Một dạng tác giả khác là các cây bút đã có tác phẩm từ trước, nay sử dụng mạng để chuyển tải các sáng tác mới của họ như: Vương Trí Nhàn, Lý Lan, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Quang Lập… Và trong số này, thành công nhất có thể kể đến là Trang Hạ. Từ một tác giả tuy từng đoạt giải văn chương nhưng hầu như chẳng mấy ai nhớ đến chị thì với việc dịch và giới thiệu trên mạng một tác phẩm văn chương mạng của Trung Quốc, Trang Hạ đã trở thành một người nổi tiếng.

 

Sách điện tử, môi trường hấp dẫn để văn chương mạng phát triển.
Sách điện tử, môi trường hấp dẫn để văn chương mạng phát triển.


Văn chương mạng ở Việt Nam từng có lúc cực thịnh, khi đó nhiều người coi đây là tương lai của văn chương Việt. Tác giả mới xem đây là cơ hội để thành danh, còn tác giả cũ vội vã lao vào bởi sợ mình bị lạc hậu với thời đại. Có lúc, danh xưng “nhà văn mạng”, “nhà văn blogger” trở nên rất có giá đến mức có nhà văn đã thành danh trên văn đàn khi ra cuốn sách giấy mới cũng ghi cẩn thận “nhà văn mạng” trên trang bìa.


Trở về giá trị thật


Có một điểm chung mà tất cả các nhà phê bình đều công nhận là một tác phẩm, bất kể có tung hô, tán dương đến đâu thì điều giúp nó lưu lại trong lòng bạn đọc vẫn là giá trị thật sự của tác phẩm.


Văn chương mạng ở Việt Nam dù có lúc ở đỉnh cao của danh tiếng cũng không thể che lấp một thực tế: Không có mấy tác phẩm có giá trị thật sự. Bất kể những lời quảng cáo có cánh, những chiêu trò kỳ quái như sách nửa Việt nửa Tây (nhân vật suy nghĩ bằng tiếng Việt và nói chuyện giao tiếp với nhân vật khác bằng tiếng Anh) thì vẫn không có tác phẩm nào đọng lại trong lòng bạn đọc. Chưa kể chính hào quang lộng lẫy đó đã gây phản tác dụng, nhiều người muốn nổi tiếng đã sao chép, chạy theo người đi trước khiến xuất hiện tràn lan các tác phẩm kém chất lượng.


Trước thực trạng này, dĩ nhiên là bạn đọc quay lưng, nên tác phẩm viết ra ngoài vài người quen vào tung hô, còn lại chẳng ai để ý. Tác phẩm ngày càng trở nên mờ nhạt, tên tuổi tác giả cũng dần mất đi. Bên cạnh đó, nếu lúc huy hoàng các đơn vị làm sách sẵn lòng trả nhuận bút cao cho các tác phẩm mạng thì nay muốn in sách, tác giả phải tự bỏ tiền túi. Cái danh xưng “nhà văn mạng” ngày càng trở nên mất giá.


Dự bị của sách giấy


Tiểu thuyết Xóm miếu nổi của tác giả Hà Hùng do Nhà xuất bản (NXB) Trẻ xuất bản được đánh giá là một tác phẩm hay, thông qua chuyện tình lãng mạn của nhân vật chính. Tác phẩm đã thể hiện những giằng xé về việc ăn, ở, học, làm, từ đó phản ánh cuộc sống xã hội, con người ở TP. Hồ Chí Minh vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX. Tác phẩm được đánh giá có lối viết tự nhiên, tuy đôi chỗ chất văn còn có vẻ tự nhiên chủ nghĩa nhưng về tổng thể tác phẩm này mang đậm tính thơ. Và đây là tác phẩm đầu tiên được NXB Trẻ xuất bản từ một tác phẩm văn chương sáng tác trên mạng. Gần đây nhất, bạn đọc đón nhận tuyển tập Có một phố vừa đi qua phố của tác giả Đinh Vũ Hoàng Nguyên do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn liên kết xuất bản. Đây cũng là một tác phẩm văn chương mạng, tác giả vốn là một blogger có tiếng và tác phẩm thực tế là tuyển tập đủ loại sáng tác trên mạng của anh như thơ, tạp văn, truyện ngắn, ghi chép…


Hiện nay, văn chương mạng đang trở lại nhưng không còn sự hồ hởi như ngày trước mà rụt rè và chậm rãi hơn. Văn chương mạng bây giờ không còn mới viết tác phẩm đã ảo tưởng coi đó là thành công, mà chỉ xem mạng như là một dạng tự giới thiệu, tự quảng bá với hy vọng sẽ lọt vào “mắt xanh” của một đơn vị làm sách nào đó.


Hiện nay, NXB Trẻ luôn theo dõi mảng văn chương mạng và xem đây như là một kênh quan trọng để tìm nguồn bản thảo cho các tác phẩm (như Xóm miếu nổi chính là trường hợp đầu tiên). Hiện nay, việc xuất bản vẫn chủ yếu tập trung vào in sách giấy. Thời gian tới, việc NXB Trẻ xuất bản sách điện tử (không phải số hóa các bản sách giấy) sẽ có nhiều cơ hội hơn để đưa các tác phẩm văn chương mạng đến với bạn đọc.


TƯỜNG VY (SGGP)