Bị mất bàn tay phải trong chiến tranh, nhưng bằng nghị lực và tình yêu bất tận với những câu vọng cổ, người "nghệ sĩ một tay" đã làm mê đắm biết bao người từng viếng thăm và có dịp được thưởng thức tiếng đàn của ông. Người nghệ sĩ đặc biệt đó là ông Ngô Văn Sáu (sinh năm 1952), hiện cư trú tại tổ dân phố Tháp Bà, TP. Nha Trang.
Bị mất bàn tay phải trong chiến tranh, nhưng bằng nghị lực và tình yêu bất tận với những câu vọng cổ, người “nghệ sĩ một tay” đã làm mê đắm biết bao người từng viếng thăm và có dịp được thưởng thức tiếng đàn của ông. Người nghệ sĩ đặc biệt đó là ông Ngô Văn Sáu (sinh năm 1952), hiện cư trú tại tổ dân phố Tháp Bà, TP. Nha Trang.
Tiếng vọng cổ bên tháp Ponagar
Ngôi nhà nhỏ của ông Sáu nằm nép mình bên tháp cổ Ponagar, 40 năm qua vẫn đều đặn vọng ra những tiếng đờn vọng cổ. Âm thanh rất đỗi quen thuộc này đã từng làm lay động biết bao thế hệ người dân nơi đây. Điều đặc biệt, ông ấy khiến những ai từng gặp đều ngỡ ngàng, bởi những tiếng đàn tha thiết, mê hoặc lòng người ấy lại được dệt nên từ một ngón tay. Với ông, để có được thành quả ấy là chuỗi ngày luyện rèn với nghị lực phi thường, vượt lên nỗi đau để được sống trọn với đam mê.
Sinh ra và lớn lên tại Nha Trang trong một gia đình suốt đời bám biển để mưu sinh, từ nhỏ, những đợt sóng gợn lăn tăn, lúc ào ạt dâng lên xô xuống của vùng biển đã thổi sự hồn hậu, lãng mạn vào tâm hồn ông. Để rồi, từ một cậu bé chỉ biết hát nghêu ngao trên biển mỗi chiều, ông đã trở thành người nghệ sĩ thực thụ. Bằng tình yêu đắm say với vọng cổ, ông sớm xa gia đình, lặn lội theo các đoàn đờn ca tài tử rong ruổi khắp chốn hát phường, hát hội. Quãng thời gian dài, được sống với nhiều anh chị trong nghề, ông miệt mài tập tành bên cây ghi-ta phím lõm cùng bộ gõ Song la. Ngón nghề trở nên thuần thục sau 4 năm khổ luyện, 20 tuổi, ông đã trở thành người cầm nhịp trong những lần hòa tấu.
|
Nghệ nhân Ngô Văn Sáu đang chơi bản “Dạ cổ hoài lang”. |
Rồi như nhiều thanh niên cùng thế hệ, ông cũng khoác áo lính lên đườ ng nhập ngũ. Ngày ông giải ngũ trở về cũng là ngày gia đình chứng kiến vết thương với bàn tay phải không còn lành lặn. Muốn được chơi đàn, trải lòng mình vào những câu ca cổ là thách thức lớn của ông sau nhiều đêm trăn trở, bởi giữ được cây đàn chắc trong tay còn không vững, hy vọng gì đến chuyện gẩy đúng phím chơi đàn, chưa kể phải tỉa từng giây với độ chính xác tuyệt đối để câu hát nhịp với âm điệu. Gian nan là thế, nhưng với tình yêu bất tận với vọng cổ, từ chiếc tay giả, ông đã cải biến, gắn một miếng nhựa vào phần đầu, biến nó trở thành dụng cụ để gảy đàn. Nếu chỉ nghe tiếng đàn của ông, không ai nghĩ những khúc nhạc đó được dạo lên từ một người đã mất đi bàn tay phải. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế cực kỳ khó khăn, vì bàn tay giả không có cơ, khớp, phải điều chỉnh cả cánh tay mỗi khi vào nhịp đàn. Nhưng ông đã vượt qua tất cả, ôm lấy cây đàn, vịn vào lời ca để khỏa lấp nỗi buồn thân phận. Tiếng đàn của ông cứ vang xa đến với đông đảo mọi người.
Tiếng đàn bắc nhịp phu thê
Vọng cổ đối với ông là tình yêu mãnh liệt khiến người nghệ sĩ buộc đời mình vào đó. Thế nhưng, người đàn ông với dáng người nhỏ thó, mái tóc điểm sương bao năm qua ngoài việc dạy dỗ những lứa học trò, còn vật lộn với cuộc sống mưu sinh. “Nghiệp đàn ca vọng cổ khó có được cuộc sống sang giàu, chỉ con người có tâm mới có thể đeo đuổi đến cùng với nó”, ông chia sẻ. Cũng vì vậy, không biết bao người chỉ vì gánh nặng “cơm áo gạo tiền” mà bỏ dở, tìm con đường khác mưu sinh. Nhưng ông vẫn không từ bỏ tình yêu ấy. Từ trước tới nay, ông chỉ sống đơn giản bằng nghề dạy đờn ca tài tử. Không đủ tiền để có một căn phòng khang trang, lớp học được bố trí ngay căn phòng khách nhỏ hẹp với bộ bàn ghế đơn sơ dùng tiếp khách. Vậy mà suốt 40 năm qua, ít ai ngờ rằng, bao thế hệ học trò đã thành tài rồi đi theo nghiệp của người thầy từ chính nơi đây. Với mong muốn truyền lại cái hồn của cổ nhạc dân tộc cho con cháu sau này để gìn giữ và trân trọng, ông cũng đã xây dựng “giáo án” và bố trí thời gian cho khóa học rất quy củ. Người học trong 3 tháng có thể đờn vững vàng cho người khác hát, thông thạo 6 câu đờn và 6 câu kép cũng như “tam nam, lục bắc, thất bài, tứ quán” và nhịp điệu khác có phần biến tấu của đờn ca tài tử.
Dạy đàn chừng ấy thời gian, nhưng đối với học trò nghèo khó, giàu nhiệt huyết đam mê, ông chưa bao giờ lấy tiền công, dù cuộc sống gia đình vẫn còn khó khăn. Người đến học với ông Sáu thuộc đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp trong xã hội. Người đi trước truyền tai người đi sau, rồi các thế hệ học trò cứ thế tìm đến ông. Theo lời ông, trong các học trò mình chỉ dạy, không nhiều người theo nghề. Số học trò còn theo nghề thì vẫn thường gặp gỡ, trao đổi, động viên nhau trong cuộc sống với mong ước nuôi dưỡng những câu vọng cổ như là một trong những phách hồn dân tộc.
Ông kể, vì mặc cảm thân phận mà ông xây dựng gia đình khá muộn khi đã luống tuổi. Điều đặc biệt, chính vọng cổ đã trở thành “ông tơ, bà nguyệt” se duyên, giúp ông lấy được người vợ hiền. Có lẽ từ những câu vọng cổ lúc lên bổng, xuống trầm, du dương ấy khiến một người con gái đang tuổi xuân sắc, xinh đẹp, lành lặn đem lòng yêu thương và nguyện suốt đời gắn bó với ông bằng tất cả lòng ngưỡng mộ tài năng và nghị lực, để rồi hạnh phúc đầm ấm đã đến với ông. Hiện nay, 3 trong 6 người con đã và đang nuôi dưỡng đam mê và quyết tâm nối nghiệp đờn ca. Với ông, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời mình, bởi tiếng vọng cổ sẽ vẫn còn tiếp tục được vang lên, ngân xa bên ngôi tháp cổ Ponagar...
Ngô Thế Lâm