11:12, 06/12/2013

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Nam: Những bước đi lặng thầm

Cầm máy đã lâu, tay nghề vững vàng, nhưng nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Nam lại ít được công chúng biết đến. Hỏi chuyện, anh chỉ cười: "Mỗi người có một số phận".

Cầm máy đã lâu, tay nghề vững vàng, nhưng nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Huỳnh Nam lại ít được công chúng biết đến. Hỏi chuyện, anh chỉ cười: “Mỗi người có một số phận”.


Gọi điện cho NSNA Huỳnh Nam (tên thật là Huỳnh Văn Nam, sinh năm 1959) xin cái hẹn, anh không ngại ngần nói thẳng: “Để viết báo thì em chọn nhầm người rồi, anh không có nhiều giải thưởng”... Tôi vội “đính chính”: Giải thưởng quan trọng nhưng không phải là thước đo duy nhất để đánh giá năng lực của một người chụp ảnh, giá trị của một người nghệ sĩ còn nhiều hơn thế. Và rồi, anh đã mở lòng về cái nghiệp cầm máy ảnh đeo đẳng bấy lâu.


Một thời đen trắng


“Cho đến bây giờ,  tôi cầm máy đã hơn 30 năm...”, anh bắt đầu dòng hồi ức về nghề như thế. Là con trai của một thợ ảnh gốc xứ Quảng, từ nhỏ Huỳnh Nam đã theo cha tập tành chụp ảnh. Năm 1979, thi trượt đại học, anh chọn nghề ảnh làm kế sinh nhai. Thuở mới vào nghề, anh chỉ chụp hình cho khách du lịch, thấy cái gì hay hay thì chụp chơi chứ chưa có khái niệm gì về ảnh nghệ thuật, cũng không nghĩ đến chuyện tham gia triển lãm. Một lần, anh chụp cảnh đánh cá trên biển Nha Trang, đến khi có cuộc thi ảnh ở TP. Hồ Chí Minh, bạn bè động viên gửi triển lãm. Bức ảnh sinh động diễn tả nét đẹp trong lao động của người dân miền biển ấy đã đem lại cho anh giải thưởng nho nhỏ. Từ đó, Huỳnh Nam thực sự đặt chân vào con đường nhiếp ảnh nghệ thuật.

 

1
NSNA Huỳnh Nam

 

Khởi nghiệp trong những ngày còn khốn khó, anh đã cố gắng chắt chiu, dành dụm từng cuộn phim cho những chuyến đi sáng tác. Tay nghề vững vàng, chẳng mấy chốc, anh khẳng định được khả năng của mình. Ảnh của anh rất có chiều sâu, mà nói như dân chơi ảnh là một tay máy có “nghề”, nhất là ảnh đen trắng. Những bức ảnh về đồng muối Ninh Diêm, chợ cá Nha Trang được anh chụp từ năm 1986 đến nay nhìn vẫn rất có hồn, vẫn có những nét riêng. Anh cùng với NSNA Long Thành, Đỗ Diên Khánh tạo nên bộ ba danh tiếng cho ảnh đen trắng của Nha Trang.


Cứ tưởng, Huỳnh Nam sẽ đi mãi trên con đường ấy thì đến đầu những năm 2000, anh gần như biến mất khỏi làng ảnh, gần như ngừng sáng tác. Gợi lại chuyện này, anh bày tỏ: “Đó là giai đoạn tôi bị một cú sốc về nghề nghiệp... Những va đập của nghề nghiệp đã làm tôi nhận ra những bức ảnh mà mình chụp trước đó thật sáo mòn, tư duy đã quá cũ. Nhiếp ảnh phải là hiện thực của đời sống, phải đọng lại trong lòng người xem chút gì đó chứ không phải là những bức ảnh đẹp một cách tròn trịa mà trôi tuột qua trí nhớ”. Giai đoạn anh ngừng sáng tác đó chính là giai đoạn anh gột rửa những thói quen, tư duy ảnh kiểu cũ để tìm cho mình một góc nhìn mới...


Nhịp đời qua ống kính


Với Huỳnh Nam, nhiếp ảnh chính là thứ nghệ thuật của “khoảnh khắc”, vẻ đẹp của ảnh phải được dựng xây từ sự chân thực của cuộc sống nên anh chối từ việc sáng tác theo kiểu dàn dựng. Đó là hình ảnh một người đàn ông đạp xe đạp đi nhặt ve chai nhưng vẫn địu con sau lưng, một phụ nữ quang gánh tảo tần trên phố, một bà già bán ve chai ngồi đọc cuốn sách vừa nhặt được bên vỉa hè..., hay đơn giản hơn chỉ là một bức tường rêu phong, loang lổ màu thời gian. Nhìn những bức ảnh của anh, người xem không thể không xao động, giật mình thảng thốt nhận ra thời gian trôi quá nhanh, sự thương cảm cho những thân phận nghèo khó, những nghịch lý của cuộc sống... Khác với nhiều đồng nghiệp, NSNA Huỳnh Nam không đặt tên tác phẩm mà chỉ đánh số cùng thông tin đi kèm (tên nhân vật (nếu có), thời gian và địa điểm chụp, nội dung phản ảnh). Anh lý giải: “Tự thân bức ảnh đã nói lên tất cả. Tôi không muốn đặt những cái tên để rồi bó buộc người xem trong đó, mà muốn mỗi người tự có cách nhìn nhận của riêng mình”.

 

1
Bức ảnh chụp những người phụ nữ gánh muối ở Ninh Diêm năm 1986 của Huỳnh Nam.

 

Thời gian gần đây, ngoài ảnh đơn, anh bắt đầu đi theo xu hướng ảnh bộ, phóng sự ảnh như: bộ ảnh về làng biển Bá Hà (Ninh Thủy), lễ tảo mộ của người Chăm Bà Ni ở Ninh Thuận (giải ba cuộc thi ảnh Di sản văn hóa Việt Nam năm 2012, được chọn đi triển lãm ở Nhật Bản). Anh chia sẻ: Có những chủ đề, những tấm ảnh đơn không thể diễn tả hết được mà cần phải có ảnh bộ mới có thể diễn tả đầy đủ góc cạnh của câu chuyện muốn nói. Với những đề tài lớn như bảo vệ môi trường hoặc bảo tồn di sản văn hóa... thì nên dùng ảnh bộ”.


Huỳnh Nam làm nhiều ảnh bìa cho các Tạp chí The Guide (tạp chí của Thời báo Kinh tế Việt Nam), Vietnam Heritage... Nhiều bạn bè nhận xét, từ ngày cộng tác cho các tạp chí này, ảnh của anh càng thiên về báo chí. Anh không tranh cãi, bởi anh không thích phân chia ảnh báo chí với ảnh nghệ thuật, với anh chỉ có ảnh đẹp và xấu. Một bức ảnh chỉ thực sự có giá trị khi hàm chứa trong đó một câu chuyện, phải tạo được sự rung động trong tâm hồn người xem!


Trò chuyện rồi xem ảnh của NSNA Huỳnh Nam, điều tôi cảm nhận được ở anh đó là một sự chân thực đến thô ráp trong lời nói, trong cách chụp ảnh. Huỳnh Nam nói rằng “mỗi người có một con đường đi, một số phận riêng”, và anh chấp nhận sự lặng thầm của mình.


THÀNH NGUYỄN