Năm 2013, lần lượt Oscar, Liên hoan phim Berlin, Vancouver, Toronto, Dubai, châu Á Thái Bình Dương trôi qua và điện ảnh Việt chỉ biết ngồi ngắm vọng. Không có bất kỳ một bộ phim nào xuất ngoại trong năm nay.
Năm 2013, lần lượt Oscar, Liên hoan phim (LHP) Berlin, Vancouver, Toronto, Dubai, châu Á Thái Bình Dương trôi qua và điện ảnh Việt chỉ biết ngồi ngắm vọng. Không có bất kỳ một bộ phim nào xuất ngoại trong năm nay.
Những năm trước đây, đều đều mỗi năm điện ảnh Việt vẫn có ít nhất một bộ phim gửi đi dự các giải thưởng quốc tế, hoặc được mời dự các LHP quốc tế. Nhưng năm 2013, lần lượt các giải thưởng chốt ngày nhận phim, các LHP khu vực diễn ra mà không thấy bóng dáng phim Việt.
Muốn đi, không có phim để gửi
Trung tuần tháng 8 năm nay, Cục Điện ảnh gửi công văn tới các hãng phim mời gửi phim tham dự giải Oscar lần thứ 86 hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” và chỉ nhận được duy nhất hồ sơ của bộ phim Thiên mệnh anh hùng. Tuy nhiên, sau khi đối chiếu với quy định của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ, phim này không đáp ứng được tiêu chuẩn về thời gian phát hành, nên năm 2013 Việt Nam không có phim nào tham dự giải điện ảnh lớn nhất hành tinh này.
Cuối năm nay, khi những LHP quen thuộc với Việt Nam như Dubai, châu Á - Thái Bình Dương khởi động, không thấy phim Việt nào đánh tiếng tham dự. Liên lạc với đạo diễn Nhuệ Giang, người từng có phim Tâm hồn mẹ đoạt giải tại LHP Dubai năm 2011, chị cho biết: “Lạc lối cũng được mời tham dự LHP Dubai năm nay, nhưng sau đó họ báo LHP có điều chỉnh về hạng mục phim châu Á nên thôi”.
“Thiên mệnh anh hùng”, phim Việt duy nhất đăng ký dự Oscar lần thứ 86 nhưng không đủ điều kiện. |
Vào tháng 9, nhà sản xuất phim Lửa Phật thông báo gửi phim này dự LHP East Winds của Anh. Nhưng đây chỉ là LHP do 1 nhà phân phối phim kết hợp với một trường đại học ở Anh tổ chức nhằm giới thiệu cho sinh viên và cộng đồng địa phương.
Những năm trước, nếu một phim nào đó của Việt Nam đi dự LHP nước ngoài, nhất là dự Oscar thì truyền thông lại rôm rả. Một nhà phê bình phim (xin phép không nêu tên) chia sẻ rất thẳng thắn: “Việc đem phim đi dự các LHP quốc tế là một hoạt động cực kỳ cần thiết và quan trọng với các nền điện ảnh, tuy nhiên tôi cảm thấy công việc này ở Việt Nam nhiều khi nặng về bệnh thành tích. Phim của chúng ta tầm chưa tới, có những năm không có phim đáp ứng đủ tiêu chuẩn quốc tế nhưng vẫn cố tìm ra một phim để gửi đi Oscar. Mới chỉ đăng ký dự thi đã giới thiệu rùm beng. Nếu không đủ tiêu chuẩn thì rút, không nên làm cho có, làm như vậy là thiếu tự trọng”.
Còn ai muốn làm phim nghệ thuật?
Kết quả của năm 2013 đã phản ánh trung thực năng lực của nền điện ảnh nội địa. Cho đến thời điểm này đã có 17 bộ phim nội địa ra rạp, nhưng phần lớn chất lượng thấp, đến cuối năm xuất hiện nhiều phim chất lượng khả quan hơn, nhưng vẫn chỉ là những bộ phim để phục vụ thị trường nội địa. Còn để mang ra nước ngoài thì không đủ tiêu chuẩn.
Nguyên một năm 2013, cả một nền điện ảnh không sản xuất được một bộ phim nghệ thuật nào đáng nói, đây không chỉ là nỗi buồn mà còn là điều quá... bất thường.
Năm 2013 là năm cả nền điện ảnh bận rộn “kiếm miếng ăn”. Khủng hoảng kinh tế khiến các nhà sản xuất có chút đam mê đầu tư cho phim nghệ thuật giờ cũng đã chùn tay. Những đạo diễn có thiên hướng làm phim nghệ thuật cũng phải tìm cách để tồn tại và buộc phải thỏa hiệp (một phần) với thị trường. Gần đây, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ rằng, anh đang thực hiện 1 dự án phim, nhưng “không phải phim nghệ thuật hoàn toàn”.
Đạo diễn Nhuệ Giang, người kiên trì đi theo con đường làm phim nghệ thuật thì chật vật không thể tìm cửa ra rạp cho bộ phim mới nhất Lạc lối. Trong thời gian tìm nguồn tiền làm phim, chị tranh thủ làm đạo diễn phim truyền hình. Vị đạo diễn này chia sẻ: “Hiện nay chúng ta có nhiều phim có nghề được làm với nhiều tâm huyết, nhưng khi ra nước ngoài vẫn chỉ là những phim công thức không có gì mới mẻ với họ. Cái mà thế giới cần không phải là những bộ phim nhà lầu xe hơi, trai thanh gái lịch mà phải là một phim cho thấy đất nước, con người, chiều sâu tâm hồn thực sự của Việt Nam. Người ta cần những phim có nghề, có thẩm mỹ điện ảnh tinh tế, đem đến suy ngẫm cho người xem. Nhưng mấy năm nay trong nước có phim nghệ thuật đâu?”.
Ngọc Diệp
(Thể thao & Văn hóa)