09:12, 11/12/2013

Cuộc chơi sắc màu của tuổi thơ

Với 135 tác phẩm, triển lãm Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Khánh Hòa năm 2013 đã làm nên một thế giới sắc màu tuổi thơ. Những nét vẽ hồn nhiên, tạo hình ngộ nghĩnh, màu sắc tươi tắn… của các em đã để lại nhiều ấn tượng với người xem.

Với 135 tác phẩm, triển lãm Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Khánh Hòa năm 2013 đã làm nên một thế giới sắc màu tuổi thơ. Những nét vẽ hồn nhiên, tạo hình ngộ nghĩnh, màu sắc tươi tắn… của các em đã để lại nhiều ấn tượng với người xem.


Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa tổ chức tổng kết và triển lãm Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi 2013. Năm nay, giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi của tỉnh đã có sự phát triển vượt bậc về quy mô, thu hút 334 đơn vị tham gia với 44.181 tác phẩm dự thi (tăng 23% so với năm 2012). Ban tổ chức đã trao giải cho 225 tác phẩm và chọn 135 tác phẩm có chất lượng cao để triển lãm tại Nhà Thiếu nhi tỉnh (62 Thái Nguyên, Nha Trang). Qua triển lãm có thể thấy, hầu hết tranh của các em tập trung vào các đề tài: phong cảnh, Bác Hồ với thiếu nhi, sinh hoạt đời thường, thế giới động vật... Trong đó, nhiều em đã biết lồng ghép vào trong tranh tình cảm với các chú bộ đội ở Trường Sa, những thông điệp về bảo vệ môi trường, an toàn giao thông. Tiêu biểu là tác phẩm: Mẹ con nhà mèo chơi trong vườn (Cao Minh Ánh), Bé đi khám bệnh (Phạm Gia Lượng), Bé tập nhảy dù (Kiều Như Ngọc) ở lứa tuổi mẫu giáo; Dọn vệ sinh trên biển (Chu Bùi Khánh Lan), Vui chơi (Lê Đức Anh) ở bậc tiểu học; Dòng sông (Lê Thị Huyền Thư), Tiễn đưa chú bộ đội ra đảo (Phạm Phúc Thiện) ở bậc THCS... Họa sĩ Lê Văn Duy - thành viên Ban giám khảo Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Khánh Hòa 2013, cho biết: “Các tác phẩm được triển lãm có chất lượng khá đồng đều, cho thấy khả năng cảm thụ thẩm mỹ và tạo hình trong tranh của các em rất tốt”.

 

Với 135 tác phẩm, triển lãm Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Khánh Hòa năm 2013 đã làm nên một thế giới sắc màu tuổi thơ. Những nét vẽ hồn nhiên, tạo hình ngộ nghĩnh, màu sắc tươi tắn… của các em đã để lại nhiều ấn tượng với người xem.
Tác phẩm “Dòng sông” của Lê Thị Huyền Thư - Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Cam Ranh.


Với sự phong phú về đề tài, chất liệu (bột màu, acrylic, màu sáp...), triển lãm Mỹ thuật thiếu nhi Khánh Hòa 2013 giống như một vườn hoa đầy sắc màu, đem lại nhiều cảm xúc cho người xem. Nếu như tranh của lứa tuổi mẫu giáo có tạo hình ngộ nghĩnh, hồn nhiên thì tranh của lứa tuổi tiểu học gây ấn tượng bởi cảm xúc trong sáng, màu sắc tươi tắn, bố cục hợp lý. Chính vì vậy, tranh không chỉ hấp dẫn các em thiếu nhi mà còn hấp dẫn cả với người lớn. Đến xem triển lãm, họa sĩ Trần Hà tỏ ra rất thích thú với các bức tranh của các em lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học: “Tôi thấy trong tranh của các em những đường nét hồn nhiên, cảm xúc rất thật. Xem tranh có thể thấy cả một thế giới tâm hồn trẻ thơ ở trong đó”.


Giải thưởng Mỹ thuật Thiếu nhi Khánh Hòa được tổ chức hàng năm đã thể hiện rõ sự quan tâm của tỉnh trong việc giáo dục thẩm mỹ đối với lứa tuổi thiếu nhi. Cuộc thi đã tạo nên một sân chơi bổ ích cho các em yêu thích mỹ thuật trong toàn tỉnh, thông qua đó góp phần nâng cao tư duy thẩm mỹ cho các em. Việc số lượng đơn vị, số lượng tranh liên tục tăng cao trong những năm vừa qua đã cho thấy sức hút của cuộc thi. Những tác phẩm được chọn triển lãm cũng phần nào chứng tỏ được chất lượng tranh của Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Khánh Hòa...


Bên cạnh những kết quả đạt được, giải thưởng lần này vẫn còn một số điều cần lưu tâm. Đó là tình trạng người lớn can thiệp vào tranh của thiếu nhi vẫn còn khá phổ biến; nhiều tranh vẽ còn mang tính chất cổ động, tuyên truyền; một số em chịu ảnh hưởng bởi lối vẽ truyện tranh. Ngay tại triển lãm, tuy đã tuyển chọn khá khắt khe nhưng nếu người xem tinh ý vẫn nhận ra những dấu vết sắp đặt của người lớn ở một số bức tranh. Đề cập đến vấn đề này, họa sĩ Lê Văn Duy bày tỏ: “Thầy cô giáo chỉ nên giữ vai trò động viên, khơi nguồn cảm xúc, sáng tạo cho các em, không vì phong trào và thành tích mà tác động, can thiệp quá sâu vào sự sáng tạo, biểu hiện ngôn ngữ tạo hình của các em. Hãy để các em nói lên tiếng nói trong sáng và hồn nhiên của trẻ thơ, điều này giúp các em phát triển tư duy thẩm mỹ và hình thành nhân cách một cách trọn vẹn”.


NHẬT LỆ