10:12, 27/12/2013

Ca sĩ Y Jack Arul: Chàng cao bồi của làng nhạc

Trong các giọng ca vàng của Tây Nguyên, Y Jack Arul chỉ xếp sau 2 tên tuổi Y Moan và Siu Black. Nói đến anh, người ta nhớ hình ảnh một chàng ca sĩ có dáng dấp cao bồi, với lối hát hoang dại nhưng vẫn giàu chất tự sự...

Trong các giọng ca vàng của Tây Nguyên, Y Jack Arul chỉ xếp sau 2 tên tuổi Y Moan và Siu Black. Nói đến anh, người ta nhớ hình ảnh một chàng ca sĩ có dáng dấp cao bồi, với lối hát hoang dại nhưng vẫn giàu chất tự sự...


Hương rừng về phố biển


Tối 25-12, vừa đến quán cà phê Mê Trang (44 Trần Phú, Nha Trang), tôi đã nghe thấy tiếng ai hát Chiếc vòng cầu hôn của nhạc sĩ Trần Tiến. Giọng hát nghe quen quen, đầy chất hoang dại... Đến gần sân khấu mới nhìn thấy đó là Y Jack Arul - chàng ca sĩ của núi rừng Tây Nguyên.


Tôi biết Y Jack từ năm 1997 khi anh dự thi Liên hoan Tiếng hát Truyền hình toàn quốc lần thứ nhất. Ở cuộc thi năm ấy, chàng ca sĩ đến từ cao nguyên đã gây ấn tượng mạnh với nhiều người bởi giọng hát đầy chất lửa, đam mê, nhất là khi anh hát Đi tìm lời ru mặt trời (Y Phon Ksor). Những năm sau đó, tôi vẫn luôn dõi theo các tin tức về Y Jack, thi thoảng lại thấy anh trên ti vi với những video clip các ca khúc Chuyện tình thảo nguyên, Đôi chân trần...  

 

 Y Jack Arul hát tại cà phê Mê Trang.
Y Jack Arul hát tại cà phê Mê Trang.


Giờ thì Y Jack đang ở trước mặt tôi, ôm đàn guitar cất giọng hát hoang dại: “Một mình lang thang trên đất này. Một mình qua sông qua núi đồi...”.  Y Jack mặc chiếc quần jeans bạc màu, mũ rộng vành, tóc buộc đuôi ngựa như cao bồi miền viễn Tây nước Mỹ. Có cảm tưởng như không phải anh Y Jack đang trên sân khấu mà là ngồi ngất ngưởng trên bành voi băng qua thảo nguyên M’Đrắk quê anh. Hết bài này đến bài khác, mỗi khi cất lời, dường như anh quên hết không gian xung quanh để chìm đắm trong âm nhạc. Vẫn là những ca khúc quen thuộc như Đi tìm lời ru mặt trời, Giấc mơ chapi, Về đi em… nhưng cách hát của Y Jack nghe “đời” hơn so với thời anh mới nổi. Dường như những thăng trầm trong cuộc sống đã giúp giọng hát của Y Jack thêm chiều sâu, nhất là ở những ca khúc đầy chất tự sự. “Ai mà ác thế, làm những con voi Tây Nguyên, không đuôi, không đuôi. Ai mà ác thế, làm những cánh rừng Tây Nguyên, không cây không cây. Còn đâu, đàn chim trắng, trắng cả giấc mơ già làng. Còn đâu, bầy thú hoang, ám ảnh giấc mơ già làng…”, Y Jack thủ thỉ cất lời ca khúc Voi không đuôi của Lê Minh Sơn mà như cứa vào lòng người nghe, day dứt mãi không thôi.


Ngay tại đêm nhạc, một người bạn hỏi tôi về sự so sánh giữa 2 giọng hát Y Moan và Y Jack? Một câu hỏi khó bởi Y Moan là một ngọn núi sừng sững khó có người thứ 2, chất giọng giữa 2 người lại khác nhau. Nhưng nếu phải nhận xét, có thể nói Y Moan là tiếng hát của đại ngàn rền vang như thần núi, còn Y Jack lại là tiếng hát của thảo nguyên mênh mông, của những câu chuyện thế sự đời thường. Nghe Y Jack hát cũng đầy sức cuốn hút vậy.


“Hát giữa mọi người không ngại ngần”


Gặp lại Y Jack vào sáng hôm sau, hỏi chuyện về thân thế, tôi ngỡ ngàng khi biết anh là con trai của Ama H’rin, già làng huyền thoại đã vượt thảo nguyên M’Đrắk đi tìm miền đất hứa, xây dựng nên buôn A’ko Hdông - một buôn làng kiểu mẫu của người Ê Đê ở Buôn Ma Thuột. Cách đây mấy năm, khi đọc tập bút ký Bằng đôi chân trần của nhà văn Nguyên Ngọc, tôi đã rất thích thú với nhân vật Ama H’rin, và thầm mong một ngày nào đó lên Đắk Lắk sẽ tìm đến buôn A’ko Hdông để gặp ông. Ước nguyện ấy không thể thành hiện thực khi già làng huyền thoại đã ra đi vào cuối năm 2012, không ngờ nay lại được trò chuyện với con trai của ông - Y Jack!


Đồng bào Tây Nguyên hình như ai cũng có sẵn máu nghệ sĩ, với Y Jack, cái chất nghệ sĩ ấy còn đậm đặc hơn khi anh lớn lên cùng những đêm kể khan, những hội chiêng trong ngôi nhà dài. Có khiếu văn nghệ, học xong phổ thông, Y Jack theo nghệ sĩ Y Moan đi hát khắp các buôn làng. Năm 1994, anh gia nhập Đoàn Ca múa nhạc Đắk Lắk, trở thành một trong những giọng hát trụ cột của đoàn dù chưa hề qua trường lớp thanh nhạc. Hai năm sau, anh được gửi đi học ở Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh (hệ trung cấp thanh nhạc). Đang đi học, bỗng nhiên bị cắt lương, Y Jack phải đầu quân cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP. Hồ Chí Minh để kiếm sống. “Tôi vừa học vừa đi hát để nuôi mình, nuôi thêm vài đứa em kết nghĩa”, anh kể. Năm 1997, khi Liên hoan Tiếng hát Truyền hình toàn quốc được tổ chức, Y Jack khăn gói đi thi. Sau khi đoạt giải nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên, anh đã đến với vòng thi toàn quốc và giành giải ba. Từ đó, khán giả cả nước biết đến Y Jack như một giọng ca mới của Tây Nguyên. Năm 1998, Y Jack được chọn đi thi Liên hoan Giọng hát vàng Hà Nội - ASEAN và đã giành giải vàng.


Nhiều người nói Y Jack như một người kế nghiệp của Y Moan. Thế nhưng, vài năm sau đó, anh gần như biến mất khỏi làng nhạc. Hỏi chuyện, anh nói thời gian sống ở TP. Hồ Chí Minh, thấy nạn hát nhép tràn lan, các ngôi sao ca nhạc thị trường... đã làm anh chán nản. Năm 2004, Y Jack về lại Buôn Ma Thuột với ý định bỏ luôn nghề ca hát để kinh doanh. Và anh đi kinh doanh thật, nhưng vẫn không bỏ được nghiệp ca hát, thi thoảng anh lại lên sân khấu biểu diễn khi có lời mời mà chuyến đi diễn ở Nha Trang lần này là một ví dụ. Y Jack nói anh không bao giờ hát vì tiền, mà anh hát trước hết là cho chính mình, cho niềm đam mê của mình. Anh đã từng từ chối lời mời của những sân khấu lớn nhưng vẫn vui vẻ “hát giữa mọi người không ngại ngần” ngay ở quán cóc vỉa hè khi gặp gỡ bạn bè. Với Đoàn Ca múa nhạc Đắk Lắk, tuy không ăn lương nhưng mỗi khi đoàn cần anh vẫn hát, đoàn đi diễn nhân dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Festival Huế 2012... anh bỏ tiền túi mua vé máy bay đi diễn không tính toán thiệt hơn.


Cuộc đời Y Jack giống như một chàng cao bồi, lang bạt bao năm đến 40 tuổi mới lập gia đình. Với nghệ thuật, anh xem như cuộc chơi. 20 năm theo nghề hát, Y Jack vẫn chưa có một album riêng của mình. Hỏi chuyện, anh nói nhạc sĩ Trần Tiến, Lê Minh Sơn cũng gợi ý anh nên làm album riêng nhưng chưa làm được, thời gian tới sẽ làm. Nghe vậy, biết vậy, nhưng với tính cách nghệ sĩ ấy chắc cũng còn phải đợi lâu.


XUÂN THÀNH