Tôi không nghĩ lần đầu tiên gặp Hữu Thỉnh - tác giả bài "Thơ viết ở biển" lại ở đất Triệu Voi. Đó là buổi tối cuối xuân, nhưng thời tiết ở Lào rất khô và nóng. Cây muồng vàng nở hoa long lanh khắp nẻo đường như lồng đèn chuẩn bị đón tết Bunpimay "té nước"
Tôi không nghĩ lần đầu tiên gặp Hữu Thỉnh - tác giả bài “Thơ viết ở biển” lại ở đất Triệu Voi. Đó là buổi tối cuối xuân, nhưng thời tiết ở Lào rất khô và nóng. Cây muồng vàng nở hoa long lanh khắp nẻo đường như lồng đèn chuẩn bị đón tết Bunpimay “té nước”. Đây là đêm giao lưu của Việt kiều với các nhà văn Việt Nam sang do nhà thơ Hữu Thỉnh dẫn đầu tại Đại sứ quán ở Thủ đô Viêng Chăn. Lý do thật đơn giản, vị đại sứ Việt Nam chính là nhà thơ Tạ Minh Châu, nhà biên dịch nổi tiếng ngôn ngữ Ba Lan…
Và đúng như dòng thơ dâng trào, nhà thơ Hữu Thỉnh bước vào với nụ cười rạng rỡ, đầy hào sảng, làm cho các thành viên khác cũng vui theo như: Nhà văn Hà Đình Cẩn, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà văn Kiều Vượng… Đêm đó chính là đêm của Hữu Thỉnh thơ. Và tôi thực sự ấn tượng về ông.
Sau buổi giao lưu, tôi gặp lại nhà thơ và được ngay câu quen thuộc tới nổi tiếng của Hữu Thỉnh dành cho mọi người khi ông gặp: “ A…. (tên người đối diện ) đấy à !” cùng nụ cười thoải mái của ông, mà nếu người nào gặp lần đầu tiên sẽ rất cảm kích vì nghĩ hình như Hữu Thỉnh đã dành trọn vẹn tình cảm, sự trân trọng cho mình! Đó là nét riêng mà chỉ Hữu Thỉnh mới có. Ông không như một số nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, kiệm lời, kiệm cả lời khen cho bạn bè. Dân văn nghệ thường quý nhất, sướng nhất là lời khen của đồng nghiệp, mà được Hữu Thỉnh khen thì đúng là sướng “âm ỉ” cả tháng chưa nguôi.
Phút giây thăng hoa đọc thơ của Hữu Thỉnh |
Ở cuộc giao lưu, ban đầu tôi cũng nghi ngờ những lời “có cánh” của Hữu Thỉnh dành cho bộ tiểu thuyết của Hà Đình Cẩn với Kiều Vượng viết về cuộc chiến Cánh đồng chum ở nước bạn Lào năm xưa, bởi quyển nào quyển đó dày cộp nhưng chẳng hiểu có đọc hay qua một kênh tham khảo nào đó mà Hữu Thỉnh nói vang vang về nội dung quyển đó làm cho hai người bạn đi kèm sướng tê người gật gù. Còn dành cho thi sĩ xinh đẹp một thời Hồng Ngát thì tôi thấy chị cười, mắt long lanh như đang là diễn viên hát chèo năm xưa (nhà thơ Hồng Ngát là biên kịch phim, vốn xuất thân là diễn viên chèo nổi tiếng). Có một đặc điểm mà Hữu Thỉnh được mọi người cảm mến, đó là khi nghe bạn bè hay cả những khán giả nghiệp dư lên phát biểu, đọc thơ, ông đều chăm chú lắng nghe, đôi mắt, khóe miệng cười vui nhưng rất trân trọng làm cho ta hiểu rằng chính Hữu Thỉnh đang cảm nhận tất cả điều diễn giả đang thể hiện. Cho nên, dù là nhân vật nổi tiếng có sức hút mãnh liệt nhưng ông không lấn át hay khác biệt với mọi người, tất cả chan hòa với nhau trong dòng sông nghệ thuật.
Thơ viết ở biển
|
Như vậy có thể lý giải vì sao giữa thời của văn chương rất đa chiều, nhiều cá tính của hàng nghìn nhà văn, nhà thơ mà ở 3 đại hội Hội Nhà văn dù có phức tạp tới mấy, nhiều chuyện đến mấy thì kết quả cuối cùng nhà thơ Hữu Thỉnh vẫn là người dành được tín nhiệm cao nhất để làm Chủ tịch Hội! Chưa hết, ông cũng là Tổng Biên tập báo Văn Nghệ có thâm niên dài nhất, hơn 15 năm, tiếp nối từ chiếc ghế của nhà văn Nguyên Ngọc cho tới nhà văn Nguyễn Trí Huân. Có bạn văn của tôi ở báo Văn Nghệ cho biết, không hiểu sao Hữu Thỉnh có sức làm việc phi thường, trong phòng của ông bản thảo chồng chất như một cái kho! Suốt cả ngày đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội với đủ thứ họp hành, hội thảo và cả “điếu đóm”, tối sẩm ông lại chạy về ngôi nhà ở phố Trần Quốc Toản nhỏ xíu (trụ sở báo Văn Nghệ) để đọc, duyệt bài mà bản thảo toàn là truyện ngắn rất dài! Từ khi báo Văn Nghệ do ông làm chủ thì tương đối êm đềm, ấy thế ông vẫn mang vạ “vừa đá bóng vừa thổi còi” vì kiêm hai chức! Nhưng khác với mọi người, Hữu Thỉnh chỉ cười, nếu đối mặt với ông thì chắc chắn người nói xóc sẽ bị hạ gục theo đúng cổ nhân nói “tâm phục khẩu phục!”. Vì như Hữu Thỉnh nói, làm báo Văn khổ hơn đi cày ruộng giữa mùa hanh khô, đất cứng ngắt!
Một nhà văn nổi tiếng Hà Nội nói: “Tớ chẳng ngượng để nói, trong nhà tớ treo ảnh Hữu Thỉnh để chơi đó!”. Tôi có nghe tài thu phục nhân tâm của Hữu Thỉnh thuộc hạng bậc thầy, bất cứ nhà văn nào tạ thế mà Hội Nhà văn đảm trách viết điếu văn phải là Hữu Thỉnh và chính ông đọc thì chuẩn. Vốn dạt dào thơ ca nên bài điếu văn làm cho mọi người đều rung cảm. Hữu Thỉnh nói: “Với tớ rơm rạ, bờ đất còn làm thơ được thì với con người sao không chân thành yêu thương?”. Có thêm một giai thoại này, sau đại hội mới đây nhất, khi thắp hương trước bàn thờ Tổ quốc, anh em đứng quanh nghe được lời thì thầm của ông Chủ tịch thấy hoảng hồn vì… theo đó nhờ có nhà thơ… T này đảm nhiệm chức A… như là trời cho báu vật khóa này! Tất nhiên, hư thực chẳng rõ nhưng chắc chắn phải có tấm lòng rất thật chứ trong nghề mà giả thì… ai phục!
Tôi rất bất ngờ khi Hữu Thỉnh diễn thuyết cũng như tâm sự về tác phẩm của mình lại rất hài hước, dí dỏm như thế. Như bài thơ nổi tiếng “Thơ viết ở biển” thật lãng mạn và da diết, được nhạc sĩ Phú Quang phổ thành bài hát “Biển nỗi nhớ và em”. Bài thơ được sáng tác vào lúc nhà thơ phơi tôm… bên bờ vịnh Hạ Long. Theo nhà thơ kể, đó là những năm cuối chiến tranh chống Mỹ, khi đó viên sĩ quan lái xe tăng Hữu Thỉnh (cũng là tác giả bài thơ Năm anh em trên một chiếc xe tăng) được đi họp ở biển Hòn Gai, Quảng Ninh. Thương vợ con miền trung du hiếm tôm, cá biển nên Hữu Thỉnh mua cân tôm he ngon, đem phơi khô để sau kết thúc cuộc họp sẽ đem về làm quà. Khổ nỗi, khi phơi ít tôm đó thì ở đâu nào mèo, gà, chim hải âu bâu tới tính chén. Nhà thơ tái mặt đành ngồi gần đó canh mẹt tôm của mình. Điều đặc biệt là, ngồi canh tôm quá buồn giữa biển trời dào dạt sóng nước, ông nổi hứng lên những câu thơ đầu tiên:
“Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn”
Đúng là lúc đó biển Hạ Long rất hiu quạnh không một cánh buồm, khi đó không có thuyền máy chỉ có thuyền cánh dơi nâu. Rồi cứ thế, nhìn thấy dãy núi đá xa trong chiều, nhà thơ thốt lên:
“Gió không phải là roi mà đá núi phải mòn”
Cho đến khi cân tôm khô rốp thì nhà thơ cũng xong bài thơ mà đã trở thành bất hủ sau này!
Hữu Thỉnh có một tâm hồn rất thoáng đạt. Vốn là người con miền trung du nhưng viết về biển, Hữu Thỉnh có thể sánh với Xuân Diệu, Xuân Quỳnh. Ông có trường ca về biển rất nổi tiếng “Đường tới thành phố”, đặc biệt là “Trường ca Biển” .
Vừa rồi, ông là lớp nhà văn thời chống Mỹ được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý về văn học nghệ thuật, và ông là vị “tướng quân” đầy uy tín của đội quân văn nghệ nước nhà khi đảm nhiệm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam kiêm chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ở tuổi 70.
Lê Đức Dương