11:11, 07/11/2013

Gian nan hành trình tìm lễ phục Nhà nước

Sau 2 tháng kể từ ngày phát động cuộc thi thiết kế mẫu lễ phục Nhà nước, mới đây, Hội đồng nghệ thuật của cuộc thi đã họp để chọn ra các mẫu thiết kế xuất sắc nhất vòng sơ khảo. Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi khi tất cả các mẫu thiết kế chưa đáp ứng được những tiêu chí đưa ra.

Sau 2 tháng kể từ ngày phát động cuộc thi thiết kế mẫu lễ phục Nhà nước, mới đây, Hội đồng nghệ thuật của cuộc thi đã họp để chọn ra các mẫu thiết kế xuất sắc nhất vòng sơ khảo. Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi khi tất cả các mẫu thiết kế chưa đáp ứng được những tiêu chí đưa ra.


Cuộc thi thiết kế mẫu lễ phục Nhà nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động từ ngày 1-8-2013 với mong muốn tìm ra bộ lễ phục Nhà nước để sử dụng trong các hoạt động quốc gia và quốc tế. Nhu cầu có lễ phục là một nhu cầu thiết thực xuất phát từ mong muốn thực tế, đó là khẳng định bản sắc trong bối cảnh mở rộng hội nhập thế giới.


Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cuộc thi, cho biết: “Lễ phục thể hiện bản sắc văn hóa cũng như sự tự tôn, tự hào dân tộc, nhất là đất nước của chúng ta có mấy nghìn năm lịch sử thì điều đó đặc biệt quan trọng. Trong hội nhập quốc tế hiện nay, việc giao lưu quốc tế của chúng ta được mở rộng, dẫn đến cần có một bộ trang phục để khi tiếp xúc với quốc tế, chúng ta có vị thế của một đất nước độc lập, tự chủ. Lễ phục ấy đóng góp vào danh dự quốc gia”.


Việc tìm mẫu lễ phục Nhà nước từ lâu đã được quan tâm và đưa ra bàn thảo tại nhiều cuộc họp, diễn đàn. Đầu những năm 1990, Bộ Văn hóa từng tổ chức một cuộc thi thiết kế lễ phục và có những mẫu được đánh giá cao nhưng không được duyệt làm lễ phục Nhà nước vì nhiều lý do. Sau nhiều lần trì hoãn, đến nay, cuộc tuyển chọn mẫu lễ phục Nhà nước chính thức được phát động với 4 tiêu chí: Mang tính biểu tượng văn hóa, có tính thời đại và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam; đẹp, thuận tiện, phù hợp trong nghi lễ quốc gia, quốc tế; phù hợp với điều kiện khí hậu, vóc dáng của người Việt Nam, đồng thời khuyến khích thực hiện bằng chất liệu truyền thống, sản xuất trong nước.

 

1
Các thành viên Hội đồng thẩm định xem xét các mẫu thiết kế.


Đánh giá về các mẫu dự thi, bà Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết: “Chúng tôi đã làm việc rất nghiêm túc và đưa ra một đầu bài tổng hợp dựa trên các ý kiến của các nhà văn hóa, mỹ thuật, lịch sử. Cái khó khăn nhất là các nhà thiết kế không nắm được đầu bài. Trong tất cả các bài chúng tôi nhận được, họ toàn vẽ những cái đi chơi chứ không phải cho lễ nghi, không trang trọng, không mang tính chất nghiêm túc trong lễ phục. Cái chúng tôi cần ở đây là thiết kế bố trí làm sao để trong lễ nghi mặc cho chuẩn, đối tượng phục vụ như thế nào cho đúng”.


Con số 254 mẫu thiết kế của 47 tác giả dự thi là con số không hề nhỏ. Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, phần lớn các thiết kế đều không đáp ứng được tiêu chí của cuộc thi. Nhiều mẫu mang nặng tính chất trình diễn sân khấu thời trang hiện đại, hoặc vay mượn yếu tố nền văn hóa khác, không ít mẫu rập khuôn, thiếu tính sáng tạo, chưa thấy được sự sang trọng, lịch lãm và tiện dụng.


Với một đề bài khó mà Ban tổ chức đưa ra, người giải phải thực sự là người vừa có kiến thức về tạo hình, vừa hiểu sâu về văn hóa, lịch sử dân tộc mới có thể tìm ra đáp án. Trong khi đó, hầu hết các gương mặt dự thi đều là các nhà thiết kế không chuyên và sinh viên đại học. Một cuộc thi có tầm và ý nghĩa quan trọng nhưng lại hoàn toàn vắng bóng các nhà thiết kế chuyên nghiệp có tên tuổi đã được khẳng định. Chính vì sự không mặn mà của các nhà thiết kế chuyên nghiệp và kết quả vòng sơ khảo không như kỳ vọng nên cuộc thi sẽ có sự điều chỉnh. “Trong bước tiếp theo, Hội đồng nghệ thuật quyết định sẽ mời các nhà thiết kế, các chuyên gia phân tích kỹ càng mục đích, đối tượng sử dụng. Qua đó, phải bố trí, sắp xếp, thiết kế làm sao để đầy đủ một bộ trang phục từ bên trong, bên ngoài và phụ kiện. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi hy vọng rằng nhóm chuyên gia chuyên nghiệp trong ngành thời trang sẽ đi tới đích” - bà Hương cho biết thêm.


Cũng theo Hội đồng nghệ thuật, bên cạnh việc đặt hàng trực tiếp các nhà thiết kế chuyên nghiệp thì tại vòng 2, các mẫu thiết kế sẽ được Hội đồng nghệ thuật góp ý về mặt hoa văn, chất liệu, kiểu dáng… nhằm nâng cao thiết kế trước khi hoàn thiện sản phẩm.


Để tìm ra được bộ lễ phục phù hợp trong nghi lễ quốc gia, quốc tế, vừa mang tính biểu tượng văn hóa, thể hiện bản sắc độc đáo quả không đơn giản. Đó là sự tổng hợp văn hóa chứ không đơn thuần là thiết kế trang phục. Chừng nào chưa huy động được sức sáng tạo và trí tuệ của các nhà thiết kế có tầm về văn hóa, lịch sử thì hành trình tìm lễ phục sẽ còn nhiều gian nan!


Đào Yến (VOV)