07:10, 30/10/2013

Thiêng liêng một nỗi nhớ con…

Trong lịch sử chiến tranh nhân dân, có lẽ cuộc kháng chiến thần kỳ chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta được ghi nhận là cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất và oanh liệt nhất; đồng thời để lại những dấu ấn đẹp đẽ, sâu đậm nhất với những cung bậc cảm xúc chan chứa của tình yêu thương, nỗi nhớ nhung, trăn trở...

Trong lịch sử chiến tranh nhân dân, có lẽ cuộc kháng chiến thần kỳ chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta được ghi nhận là cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất và oanh liệt nhất; đồng thời để lại những dấu ấn đẹp đẽ, sâu đậm nhất với những cung bậc cảm xúc chan chứa của tình yêu thương, nỗi nhớ nhung, trăn trở... Và bài thơ “Nhớ con” của nhà thơ Vương Trọng là một trường hợp tiêu biểu cho những tình cảm cao cả, thiêng liêng ấy. Bài thơ trước tiên là nỗi niềm của tác giả, của người lính “cầm súng xa nhà đi chiến đấu”. 

          
Bài thơ dài mà mỗi khổ thơ là một nỗi ưu tư, một tấm lòng chất chứa nhớ thương da diết của người lính “mấy khi được ở gần nhà”. Người lính xa nhà đi chiến đấu là một nghĩa vụ cao cả của tuổi trẻ thời đại Hồ Chí Minh, dù phải gác lại những tình cảm thiêng liêng ở hậu phương. Lẽ thường tình khi người ta xa nhà thì nhớ thương người thân yêu hay người từng “một nắng hai sương”. Bài thơ còn là sự giãi bày tình cảm nhớ thương của tác giả với người vợ tảo tần và nói hộ cho nỗi lòng của người mẹ trẻ vì hoàn cảnh mà phải “... gửi con về quê ngoại”, để nỗi nhớ nhung như nhân lên gấp bội khi phải “... thức với mông mênh”. Và sự trống vắng đến tận cùng của nỗi nhớ: “Con xa tuần mẹ tưởng tháng lâu/Con xa tháng ngỡ năm trời đằng đẵng”. Tâm điểm của nỗi nhớ niềm thương là nỗi nhớ con của người lính. Và ai có thể không mềm lòng, không xao động trước hình ảnh “... mái tóc vàng tơ như nắng” và “môi ngây thơ tập gọi ơi bà!”. Câu thơ quả đẹp và sống động như tấm lòng của người lính vậy.

 

 

Nhà thơ Vương Trọng tên thật là Vương Đình Trọng, sinh năm 1943 ở Đô Lương, Nghệ An. Ông là một sĩ quan quân đội mang hàm Đại tá, một nhà thơ thành danh, đã đạt giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, có nhiều bài thơ hay viết về những người thân yêu ruột thịt, về người lính thời chống Mỹ. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: Những ngày xa (thơ, giải thưởng văn chương Bộ Quốc phòng năm 1990); Đảo chìm (trường ca, giải thưởng văn chương Bộ Quốc phòng năm 1994); các tập thơ: Ngoảnh lại, Về thôi nàng Vọng phu, Tuyển tập thơ 2002…

“Nhớ con” không chỉ là nỗi nhớ thương, là tâm tư của người lính xa nhà đi chiến đấu mà còn cắt nghĩa cho điều băn khoăn day dứt của người trong cuộc, khi nhà thơ tâm niệm “chỉ thương con còn thơ dại quá/Có bao giờ con biết nhớ cha đâu...”. Câu thơ cứ như găm vào tim; như một niềm khắc khoải, mà nguyên nhân hẳn không bao giờ thuộc về đứa con “... còn thơ dại quá”... Và hình ảnh đứa con còn “... thơ dại quá” là tâm điểm của cả bài thơ, là nỗi niềm của mọi nỗi niềm của người lính. Đây cũng là hình ảnh trung tâm xuyên suốt bài thơ như sợi chỉ đỏ dệt đan những cảm xúc của tác giả bài thơ - người lính Cụ Hồ. Để qua hình ảnh ấy, qua nỗi niềm nhớ thương của nhà thơ, độc giả hay mỗi chúng ta càng hiểu hơn sự khốc liệt của chiến tranh - chúng ta phải hy sinh cả những tình cảm thiêng liêng nhất: Tình cha con để sẵn sàng lên đường chiến đấu cả khi đứa con thơ chưa kịp nhìn và biết nhớ cha.


Bên cạnh những câu thơ “gân guốc” là những câu thơ “mềm” như nỗi niềm của người lính “vẫn nguyên lành trong mẹ buổi chia tay”. Có thể coi những khổ thơ cuối là một cái kết có hậu. Tuy người lính có những nỗi niềm da diết nhớ thương, cái nỗi niềm tưởng như không hề vơi cạn, nhưng rồi “... hạnh phúc những ngày xa” vẫn lại đến với họ như quy luật của tình cảm nhớ thương. Bởi họ đã nguyện “... đi suốt cuộc đời trai trẻ” và tình cảm gia đình vẫn canh cánh bên lòng, vẫn nguyên vẹn như “... nỗi nhớ con nay”. Đó cũng là thông điệp mà tác giả bài thơ muốn nhắn gửi chúng ta về một thời máu lửa, một thời mà cái giá của độc lập tự do được đổi bằng bao hy sinh, bao nỗi nhớ thương da diết và “... hạnh phúc những ngày xa” của những người lính xa nhà đi chiến đấu.


Trọng Nguyên

 

Nhớ con


Mẹ nghề y nhiều đêm trực vắng nhà
Tròn một tuổi gửi con về quê ngoại
Quê ngoại con là quê mẹ đấy
Sao bây giờ mẹ thấy xa xôi.

Một con đường mờ mịt mưa rơi
Một con đường gió mùa nào cũng ngược
Một bến phà người chờ hai bờ nước
Chiếc cầu phao sóng nổi bồng bềnh.

Con xa rồi mẹ thức với mông mênh
Quờ cánh tay thấy giường chiếu rộng
Võng cởi rồi còn dây buộc võng
Tiếng à ơi vương vấn hai đầu.

Con xa tuần mẹ tưởng tháng lâu
Con xa tháng ngỡ năm trời đằng đẵng
Đâu mái tóc vàng tơ như nắng
Môi ngây thơ tập gọi ơi bà!

Nửa năm trời con mới thấy mặt cha
Cha trở về và cha đi vội lắm
Đừng trách con ơi cha là người lính
Người lính mấy khi được ở gần nhà.

Mẹ đưa con về ở cùng bà
Tình của mẹ chia đều hai ngả
Nửa theo gió thổi đi miền đất lạ
Nửa hòa vào con sóng vỗ lời ru...

Nỗi lòng cha cũng hai nửa phân chia
Nửa nhớ con, nửa thương về nơi mẹ
Chỉ thương con còn thơ dại quá
Có bao giờ con biết nhớ cha đâu...

Có bao giờ con biết nhớ cha đâu
Nỗi nhớ ấy con dồn về cho mẹ
Cha đi suốt cuộc đời trai trẻ
Vẫn nguyên lành trong mẹ buổi chia tay

Vẫn nguyên lành như nỗi nhớ con nay
Bóng cha đi trong điệp trùng đội ngũ
Đừng trách mẹ những đêm dài ít ngủ
Nhớ thương là hạnh phúc những ngày xa...


VƯƠNG TRỌNG