Sau 10 năm thành lập, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn bởi sự thiếu thốn về cơ sở vật chất và nhân sự…Đáng nói hơn, nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng muốn chia tách thành 2 đoàn nghệ thuật riêng biệt.
Sau 10 năm thành lập, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn bởi sự thiếu thốn về cơ sở vật chất và nhân sự…Đáng nói hơn, nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng muốn chia tách thành 2 đoàn nghệ thuật riêng biệt.
Năm 2002, Nhà hát NTTT tỉnh được thành lập (trên cơ sở hợp nhất Nhà hát Tuồng và Đoàn Dân ca kịch) mang theo sự kỳ vọng của nhiều người. Thế nhưng, đến nay, dường như nhà hát chỉ dừng lại ở việc “góp gạo thổi cơm chung” việc tổ chức biểu diễn. Nhà hát gần như đã bỏ quên nhiệm vụ đào tạo diễn viên và nghiên cứu nghệ thuật; bản thân nhà hát tồn tại nhiều bất ổn…
Một cảnh trong vở diễn “Danh phận” do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh biểu diễn. |
Hạn chế về nhân sự, cơ sở vật chất
Hiện Nhà hát NTTT tỉnh vẫn chưa hoàn thiện được bộ khung ổn định, thiếu hụt nhiều nhân sự quan trọng ở phòng nghệ thuật như: biên kịch, nhạc sĩ, họa sĩ, biên đạo múa. Chính vì vậy, mỗi lần dựng vở, gần như nhà hát phải thuê toàn bộ êkíp dàn dựng gồm đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, biên đạo múa. Điển hình như tại Hội diễn sân khấu truyền thống tổ chức ở Quảng Nam cuối tháng 5 vừa qua, nhà hát tham gia 2 vở diễn: Danh phận (tuồng) và Chuyện lạ giữa trần gian (dân ca kịch bài chòi), nhưng toàn bộ êkíp dàn dựng đều là người ngoài. Hiện nay, nhà hát cũng đang thiếu hụt diễn viên bởi các diễn viên có nghề hầu hết đã lớn tuổi, trong khi việc tuyển thêm diễn viên trẻ lại rất khó khăn bởi không có chỉ tiêu biên chế. Nhà hát có 85 người (77 biên chế và 8 hợp đồng) nhưng số lượng diễn viên chỉ có 36 người, còn lại là nhạc công, bộ phận hậu đài và văn phòng.
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh sửa chữa 2 năm vẫn chưa xong. |
Lý giải về sự thiếu hụt các nhân sự chủ chốt, ông Vũ Tiến Thêm - Giám đốc, kiêm trưởng phòng nghệ thuật của nhà hát cho biết: “Chúng tôi đã ý thức được vai trò quan trọng của phòng nghệ thuật từ lâu nhưng không tuyển được người. Bởi chế độ đãi ngộ không cao, hơn nữa hiện nay rất ít người theo học mỹ thuật sân khấu, âm nhạc truyền thống, còn người sáng tác được kịch hát ngày càng hiếm”.
Bên cạnh vấn đề con người, Nhà hát NTTT tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Nhà hát vốn là rạp chiếu phim cải tạo lại nên từ nhiều năm qua không có phòng dành riêng cho các nghệ sĩ thay đổi phục trang, không có kho để đạo cụ, thậm chí 2 phó giám đốc nhà hát cũng không có phòng làm việc riêng. Hiện nhà hát đang gặp khó khăn về nơi tập luyện bởi dự án cải tạo nhà hát (do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - VH-TT-DL làm chủ đầu tư) đã tiến hành hơn 2 năm nhưng đến nay chưa hoàn thiện. Hệ thống âm thanh, ánh sáng của nhà hát chắp vá, kém hiệu quả nên khi biểu diễn chất lượng không cao. Nghệ sĩ Ưu tú Bích Vương chia sẻ: “Dàn âm thanh của nhà hát quá tệ, mình hát còn nghe không rõ thì làm sao khán giả nghe được…”.
Chia tách nhà hát?
Trong khi nhà hát đang đối mặt với những khó khăn về cơ sở vật chất, nhân sự thì thời gian qua, nội bộ nhà hát đã có những vấn đề bất ổn khi nhiều nghệ sĩ muốn chia tách nhà hát thành 2 đoàn nghệ thuật độc lập như trước đây. Trước thực trạng đó, ngày 17-10, đồng chí Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã gặp gỡ cán bộ, diễn viên, nhân viên nhà hát để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng nhằm có hướng giải quyết hợp lý.
Tại cuộc họp ngày 17-10, ông Lê Xuân Thân chỉ đạo Sở Tài chính ghi vốn đầu tư dàn âm thanh ánh sáng cho nhà hát vào năm 2014. Riêng vấn đề tăng mức bồi dưỡng cho nghệ sĩ, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu và đưa ra bàn thảo trong kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới. Để giải quyết vướng mắc về vấn đề nhân sự, ông Lê Xuân Thân chỉ đạo nhà hát ưu tiên chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng diễn viên; có kế hoạch gửi các nghệ sĩ đi đào tạo để nâng cao trình độ, nhất là các vị trí như đạo diễn, biên đạo múa, biên kịch… |
Tại cuộc họp, nghệ sĩ Phạm Quang Hưng bày tỏ: “Việc gộp chung 2 đoàn nghệ thuật trong một nhà hát có lợi thế về mặt quản lý nhưng các đoàn lại mất tự chủ, phụ thuộc lẫn nhau về cơ sở vật chất”. Không chỉ diễn viên, lãnh đạo nhà hát cũng đồng ý với việc chia tách nhà hát thành 2 đơn vị độc lập. Nhạc sĩ Hình Phước Liên, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa Sở VH-TT-DL cho rằng nên tách dân ca kịch khỏi nhà hát bởi hiện nay Bộ VH-TT-DL đang làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cần phải đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca bài chòi. Ghi nhận ý kiến của lãnh đạo nhà hát, đồng chí Lê Xuân Thân lưu ý: “Việc chia tách nhà hát hay không trước hết nội bộ nhà hát phải thống nhất và có văn bản đề xuất. Việc chia tách cần phải cân nhắc một cách kỹ lưỡng, nếu chia tách thì nhà hát và Sở VH-TT-DL phải có đề án cụ thể…”.
Những khó khăn về vật chất của Nhà hát NTTT tỉnh là điều rõ ràng, nhưng để nâng tầm nhà hát thì cốt lõi lại là con người. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, nghệ sĩ Nguyễn Hữu Hải khẩn thiết đề nghị nhà hát sớm xây dựng một êkíp làm nghề (đạo diễn, biên đạo múa, nhạc sĩ…) để nâng tầm nhà hát. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tứ Hải, Phó Giám đốc Nhà hát cho rằng, để nâng tầm nhà hát không chỉ đầu tư cơ sở vật chất mà quan trọng hơn chính là vấn đề nhân sự. “Nhà hát phải có những nghệ sĩ tài năng, tâm huyết mới phát triển được. Trong nghệ thuật truyền thống, nếu như không có đào hay, kép giỏi thì không làm được chuyện gì...”, ông Hải nói. Biết vậy, nhưng xem ra để làm được điều này không dễ bởi dường như ở nhà hát mọi thứ đang rối ren, nhất là khi tất cả không còn nhìn về một hướng!
XUÂN THÀNH