Lớp đào tạo diễn viên sân khấu ca kịch bài chòi trình độ đại học mở tại Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang đã tạo ra hy vọng trong việc nâng cao chất lượng diễn viên trẻ của loại hình nghệ thuật này. Thế nhưng, để đi đến cái đích cuối cùng cần có sự nỗ lực không nhỏ từ nhiều phía.
Lớp đào tạo diễn viên sân khấu ca kịch bài chòi trình độ đại học mở tại Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch (VHNT-DL) Nha Trang đã tạo ra hy vọng trong việc nâng cao chất lượng diễn viên trẻ của loại hình nghệ thuật này. Thế nhưng, để đi đến cái đích cuối cùng cần có sự nỗ lực không nhỏ từ nhiều phía.
Cơ hội rèn nghề cho diễn viên trẻ
Với hơn 50 năm hình thành và phát triển, ca kịch bài chòi đã trở thành máu thịt của vùng đất Nam Trung bộ. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều đoàn ca kịch bài chòi trong khu vực đang gặp khó khăn bởi khả năng biểu diễn của lớp diễn viên trẻ còn hạn chế, không đủ sức thay thế lớp diễn viên đi trước. Việc Trường Cao đẳng VHNT-DL phối hợp với Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội mở lớp đào tạo diễn viên sân khấu ca kịch bài chòi tại Nha Trang đã nhận được sự hưởng ứng của các đoàn nghệ thuật trong khu vực. Khóa học thu hút 12 diễn viên của Đoàn Dân ca kịch Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa; Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định cũng cử 19 học viên tham gia lớp học. Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Trần Nhật Lệ - Trưởng Đoàn Dân ca kịch, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh chia sẻ: “Việc mở lớp đào tạo diễn viên sân khấu ca kịch bài chòi trình độ đại học rất có ý nghĩa, bởi lực lượng diễn viên trẻ trình độ còn hạn chế, chưa đủ sức thay thế các diễn viên đi trước. Trong tình hình hoạt động sân khấu truyền thống khó khăn, yêu cầu của khán giả ngày càng cao, nếu người nghệ sĩ không học hỏi, rèn luyện nâng cao trình độ biểu diễn thì sẽ không thu hút được khán giả”.
Thạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Minh Tâm hướng dẫn các học viên về kỹ năng diễn xuất. |
Lớp đại học diễn viên sân khấu ca kịch bài chòi (hệ vừa học vừa làm) do Trường Cao đẳng VHNT-DL Nha Trang phối hợp với Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội khai giảng ngày 28-8-2013, có 36 học viên đến từ Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam, Ninh Thuận, Quảng Ngãi theo học. Khóa học nằm trong khuôn khổ Dự án “Nghiên cứu, sưu tầm và đào tạo nghệ thuật bài chòi” của Bộ VHTT-DL; được Nhà nước bao cấp 100% về kinh phí. |
Khóa đào tạo sẽ kéo dài trong 4, 5 năm. Thạc sĩ, NSƯT Hoàng Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng VHNT-DL Nha Trang cho biết, ngoài các môn học nền tảng về văn hóa - nghệ thuật, các học viên sẽ được rèn luyện kỹ lưỡng về làn điệu bài chòi, kỹ thuật biểu diễn ca kịch bài chòi, vũ đạo bài chòi, âm nhạc truyền thống... Trường đã mời những nghệ sĩ gạo cội về ca kịch bài chòi trong khu vực giảng dạy cho các học viên những nội dung nòng cốt này. Trong quá trình học, học viên sẽ được dựng các vở diễn ca kịch bài chòi nổi tiếng của Đoàn Dân ca kịch Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam như: Thoại Khanh - Châu Tuấn, Tiếng sấm Tây Nguyên, Đôi dòng sữa mẹ, Mối tình qua Tết Lirboong, Hoàng tử Pơ riêm và Nàng Si ta...
Cần sự nỗ lực từ nhiều phía
Những ngày này, các học viên lớp đại học diễn viên sân khấu ca kịch bài chòi tại Trường Cao đẳng VHNT-DL Nha Trang đang tích cực tập luyện trích đoạn vở dân ca kịch Tiếng sấm Tây Nguyên dưới sự hướng dẫn của NSƯT Hoàng Minh Tâm. Chứng kiến các nghệ sĩ đổ mồ hôi trên sân khấu, chúng tôi phần nào cảm nhận được niềm đam mê của các thế hệ diễn viên ca kịch bài chòi cũng như sự vất vả của những người theo nghiệp diễn. Phạm Thanh Hải (Đoàn Dân ca kịch Bình Định) rất háo hức: “Người diễn viên phải có nền tảng vững chắc, am hiểu về âm nhạc, đặc trưng về nghệ thuật bài chòi, từ đó mới có thể hóa thân vào nhân vật... Tôi mong qua khóa học này sẽ được thầy cô truyền lại nhiều vốn nghề, kinh nghiệm biểu diễn... để có thể nâng cao hơn trình độ của mình”.
Các học viên tập trích đoạn vở “Tiếng sấm Tây Nguyên”. |
Khóa đào tạo này đã đem lại nhiều hy vọng về việc nâng tầm một thế hệ diễn viên mới. Thế nhưng, để làm được điều này, cần sự nỗ lực lớn từ phía người dạy cũng như người học. NSƯT Hoàng Minh Tâm cho biết: “Đa số học viên là diễn viên của các đoàn dân ca kịch, nhưng cũng có đến 1/3 học viên chưa qua trường lớp, một số người tuy đã lên sân khấu nhưng từ trước đến nay chỉ thường đóng vai quần chúng... nên việc giảng dạy rất khó khăn. Một số học viên sai động tác cơ bản nên phải hướng dẫn lại...”. Bên cạnh đó, việc quá đông học viên cũng gây ra những khó khăn khi tập các trích đoạn, vở kịch mẫu. Học viên đông trong khi số vai diễn ít nên khi giảng dạy, các giảng viên đành để nhiều diễn viên đóng chung một vai (mỗi người đóng một màn). Vì vậy, các diễn viên ít khi được học trọn một vai diễn. Mặt khác, mỗi diễn viên có một thế mạnh khác nhau, cách hát cũng khác nhau nên giảng viên phải hướng dẫn khá vất vả.
Việc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng ý mở khóa đào tạo diễn viên sân khấu ca kịch bài chòi trình độ đại học đã chứng tỏ sự quan tâm của ngành Văn hóa với loại hình nghệ thuật này. Hy vọng, khóa học này sẽ tạo ra một lớp nghệ sĩ sân khấu ca kịch bài chòi có trình độ, kỹ năng diễn xuất cao, góp phần gìn giữ và phát huy nghệ thuật ca kịch bài chòi trên dải đất miền Trung.
XUÂN THÀNH