Cuối tuần, cầm tờ báo lên, đập ngay vào mắt là thông tin Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai đã về cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 94 tuổi. Một phút lặng đi, ngùi ngùi... Nhìn hình, thầy chẳng khác mấy cái thuở cách đây 12 năm, nơi tôi trải qua 30 tiết học môn kịch do thầy giảng dạy ở giảng đường Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh.
Cuối tuần, cầm tờ báo lên, đập ngay vào mắt là thông tin Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai đã về cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 94 tuổi. Một phút lặng đi, ngùi ngùi... Nhìn hình, thầy chẳng khác mấy cái thuở cách đây 12 năm, nơi tôi trải qua 30 tiết học môn kịch do thầy giảng dạy ở giảng đường Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh.
Là sinh viên Khoa Văn, tôi may mắn được học nhiều nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân danh tiếng do trường mời thỉnh giảng. Mỗi một môn học, mỗi thầy đều để lại những dư vị riêng. Đó là cảm giác say sưa với các tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn trong bài giảng của thầy Trần Hữu Tá với chuyên đề Tiểu thuyết Việt Nam; ngẩn ngơ nghe thầy Nguyễn Lộc giảng Kiều trong chuyên đề Nguyễn Du và tác phẩm; rồi lại như hòa mình vào lời giảng lấp lánh, bay bổng của thầy Lê Ngọc Trà về môn học cái đẹp và nghệ thuật, đến độ học hết các chuyên đề, lật lại vở chỉ non nửa trang viết. Nhưng có lẽ thầy Hoàng Như Mai đọng lại trong tâm trí nhiều nhất. Trong ký ức của tôi, hình ảnh thầy hiện lên giản dị với mái tóc bạc và bước đi chậm rãi. Tôi nhớ ngày ấy, cả 3 lớp văn chúng tôi phải hợp lại học môn kịch ngay ở hội trường vốn chỉ để dành tổ chức hội thảo hay làm lễ tốt nghiệp ra trường cho sinh viên. Sau này chúng tôi mới vỡ lẽ, thầy Hoàng Như Mai khi đó tuổi đã cao, ngoài 80, không tiện lên xuống các tầng lầu, cũng không đủ sức khỏe để giảng riêng từng lớp một nên Khoa sắp xếp cho thầy dạy ở tầng trệt và ghép 3 lớp học chung với nhau. Lại nữa, thay vì mỗi buổi chúng tôi học 3 tiết thì thầy chỉ có thể giảng hơn một giờ rồi cho nghỉ, mà bản thân thầy cũng tự nhận chỉ có thể giảng đến thế. Những buổi học vì thế trôi qua cũng chóng vánh nhưng chúng tôi có lẽ chẳng bao giờ quên cái giọng giảng bài chậm rãi, run run nhưng sâu lắng và đầy nhiệt huyết của thầy. Kể chuyện này để thấy nỗi khát khao của người thầy là luôn được đứng trên bục giảng, truyền đạt kiến thức của mình cho các thế hệ sinh viên, cũng là góp sức cho sự nghiệp giáo dục. Sự nghiệp ấy, thầy gắn bó cả đời người, không ngừng nghỉ, còn sức là còn cống hiến. Thầy như là vốn quý của ngành Giáo dục, và vốn quý ấy luôn được những người làm giáo dục coi trọng từng chút một.
Nhìn lại tấm hình của thầy trên mặt báo mà thấy như thời gian của thầy ngừng lại ở khoảnh khắc ấy, cũng là trong tâm tưởng của nhiều thế hệ học trò. Và, thời gian cuộc đời thầy cũng đã dừng lại. Chỉ còn một chút tình của học trò xưa, trong đó có tôi, qua nhiều năm, bỗng dậy lên niềm kính trọng và kính cẩn nghiêng mình trước hương hồn người thầy năm xưa.
B.T