08:10, 26/10/2013

Tiếng hát của suối nguồn Thiên Thai

Một ngày cuối thu, với tay lên kệ, bắt gặp đĩa nhạc “Ca khúc Văn Cao - Tiếng hát Ánh Tuyết” với cái bìa tim tím đã phủ bụi thời gian. Niềm xưa dậy lại, tôi bỏ đĩa nhạc vào máy hát rồi chìm đắm trong “Buồn tàn thu, “Suối mơ”, “Thiên Thai”, “Trương Chi”…

Một ngày cuối thu, với tay lên kệ, bắt gặp đĩa nhạc “Ca khúc Văn Cao - Tiếng hát Ánh Tuyết” với cái bìa tim tím đã phủ bụi thời gian. Niềm xưa dậy lại, tôi bỏ đĩa nhạc vào máy hát rồi chìm đắm trong “Buồn tàn thu, “Suối mơ”, “Thiên Thai”, “Trương Chi”… Tiếng nhạc đã dứt nhưng tôi vẫn ngẩn ngơ ở đâu đó như “Lưu Nguyễn ngày xưa lạc chốn Đào Nguyên”.


Ngày xưa lận đận…


Cách đây 4 năm, khi ban nhạc ATB của ca sĩ Ánh Tuyết về Nha Trang tổ chức đêm nhạc “Gọi tên bốn mùa” tại Rạp Nha Trang, tôi đã có dịp được xem chị hát sau nhiều năm chỉ nghe qua đĩa nhạc. Khi sôi nổi vui tươi, lúc trữ tình sâu lắng, giọng hát của Ánh Tuyết vẫn đầy sức hút dù chị không còn trẻ, và vẫn luôn chung thủy với chiếc áo dài trên sân khấu. Đêm ấy, sau khi đã làm người nghe thỏa mãn với những bài hát Ô! Mê ly, Cát bụi, Thiên Thai, Hội trùng dương… bất ngờ chị hát bài Tiến thoái lưỡng nan của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không nhạc đệm. Tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận. Ngày xưa lận đận không biết về đâu. Về đâu cuối ngõ, về đâu cuối trời. Xa xăm tôi ngồi, tôi tìm giấc mơ. Xa xăm tôi ngồi, tôi tìm lại tôi”. Chị hát mà như thủ thỉ tâm sự về những chông gai mình đã gặp trên con đường nghệ thuật đầy gian khó.


Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở Hội An (Quảng Nam), từ nhỏ, Ánh Tuyết (tên thật là Trần Thị Tiếc) đã bộc lộ năng khiếu ca hát. Năm 1980, Ánh Tuyết khăn gói ra học Nhạc viện Huế để theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Trước khi đi học, chị đã là người của Đoàn Ca múa nhạc (CMN) Đà Nẵng, nhưng khi có trong tay tấm bằng thanh nhạc, dòng đời lại đưa đẩy chị đến với Đoàn CMN Hải Đăng của tỉnh Phú Khánh. Năm 1985, Ánh Tuyết đã mang về cho đoàn Hải Đăng Huy chương Vàng đơn ca ở Hội diễn ca múa nhạc các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Chị nhanh chóng trở thành giọng ca trụ cột của đoàn… Nhưng rồi, thành phố biển cũng không níu giữ được chị. Những va chạm trong đời sống nghệ thuật, cùng khát khao làm nghề đã thôi thúc chị ra đi.

 

Ca sĩ Ánh Tuyết trong đêm diễn tại Rạp Nha Trang năm 2009.
Ca sĩ Ánh Tuyết trong đêm diễn tại Rạp Nha Trang năm 2009.


Năm 1990, Ánh Tuyết rời Nha Trang vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp. Ở nơi phồn hoa đô hội ấy, nữ ca sĩ miền Trung đã phải bắt đầu lại từ đầu bằng việc xin đi hát ở các tụ điểm ca nhạc với vai trò hát lót. Mỗi đêm đi hát, chị đi bằng xích lô, hát xong lại phải cuốc bộ về phòng trọ để tiết kiệm tiền. Cái nghèo chị có thể chịu đựng được nhưng việc chầu chực để được hát mới là nỗi đau của người nghệ sĩ giàu lòng tự trọng. “Dường như bất kỳ ca sĩ nào cũng có quyền để giành hát trước tôi. Có lần tôi đến tụ điểm ca nhạc, người quản lý bảo tôi nghỉ hát vì ông chủ bảo khán giả ở đây chỉ thích nhạc “sến”. Người ấy còn gợi ý tôi phải mua quà tặng ông chủ để được ưu ái hơn... Hôm ấy, tôi đã khóc trên đường về bởi cảm thấy mình bị coi thường quá mức”, Ánh Tuyết tâm sự.


Định mệnh với nhạc Văn Cao


Giữa lúc đang chông chênh không biết về đâu, số phận đã mỉm cười với ca sĩ Ánh Tuyết! Đó là khi chị tham gia đêm nhạc Văn Cao ở quán Nghệ Sĩ vào một tối cuối tháng 7-1993 nhân dịp ông vào TP. Hồ Chí Minh. Đêm ấy, Ánh Tuyết trong chiếc áo dài quen thuộc, gương mặt thoáng buồn cất giọng khẽ khàng Ai lướt đi ngoài sương gió - không dừng chân đến em bẽ bàng”… Cái giọng nhẹ tênh, cao vút của chị đã giăng mắc một mùa thu rét mướt, úa tàn trong lòng người nghe, trên sân khấu không còn là một Ánh Tuyết ca sĩ mà chỉ còn là người thiếu phụ đan áo chờ chồng. Khán phòng lặng im theo từng lời ca, để rồi khi chị thổn thức nấc nghẹn: Thôi tình em đấy/Như mùa thu chết/Rơi theo lá vàng…”, cảm xúc của khán giả vỡ òa, tiếng pháo tay vang lên không ngớt. Tiếp đó, Ánh Tuyết đã làm người nghe say đắm với Thiên Thai bằng giọng hát trong trẻo như suối nguồn ở chốn bồng lai tiên cảnh... Báo chí sau đó đã đồng loạt viết về Ánh Tuyết như một hiện tượng trong làng nhạc, một giọng ca mới làm sống lại những bản nhạc bất hủ của Văn Cao sau nhiều năm im ắng.


Một năm sau, đêm nhạc của nhạc sĩ Văn Cao được tổ chức ở Nhà Văn hóa Thanh niên (TP. Hồ Chí Minh), Ánh Tuyết lại làm khán giả mê mẩn khi cất lên Trương Chi, Thiên Thai, Cung đàn xưa.  Đêm ấy, người nhạc sĩ già xúc động trào nước mắt nói với nữ ca sĩ: “Đầu đời Văn Cao đã có một Kim Tiêu, không ngờ cuối đời lại gặp một Ánh Tuyết”. Dẫu rất hạnh phúc với lời khen ngợi ấy, nhưng chị đã khiêm tốn đáp lại: “Nhưng thưa chú, Ánh Tuyết thì cũng chỉ mới ánh thôi, tuyết rồi thì cũng sẽ tan”. Giọng hát của chị “tan” nhưng không mất, nó thấm vào hồn người nối kết thành một dòng chảy giữa người sáng tác - người hát - người nghe. Ánh Tuyết nguyện trở thành “người truyền giáo” cho âm nhạc Văn Cao. Không chỉ gói gọn ở những ca khúc trữ tình lãng mạn thời kỳ đầu, chị còn hát cả những sáng tác mang âm hưởng hùng ca của ông như Trường ca Sông Lô, Tiến quân ca. Hàng năm, chị vẫn làm những đêm nhạc Văn Cao như một cách tri ân người nhạc sĩ tài danh, cũng là để cảm ơn những khán giả đã ủng hộ con đường mà chị đã, đang và sẽ mãi theo.


Gắn bó với ca khúc của Văn Cao suốt hai thập kỷ, nhưng lúc nào ca sĩ Ánh Tuyết cũng thấy tươi mới mỗi khi thể hiện, bởi mỗi lần cất cao tiếng hát lại thêm một lần chị nhận ra những giá trị ở tận cùng sâu thẳm bên trong tác phẩm. Càng hát, chị càng thấy hình ảnh người nhạc sĩ tài hoa rõ nét hơn, nhất là hình ảnh của người ngư phủ - nghệ sĩ Trương Chi như chính có lần nhạc sĩ đã tự thổ lộ “Trương Chi là tôi đó”... Với Ánh Tuyết, âm nhạc Văn Cao đã là một định mệnh! Một khi đã là định mệnh thì không thể đổi thay, dù chị cũng rất thành công với các sáng tác của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, nhưng nói đến chị người ta nhớ ngay đến một giọng hát nhạc Văn Cao. Hay nói cách khác, âm nhạc Văn Cao là một góc tâm hồn thiêng liêng trong suốt cuộc đời cầm ca của mình. Đó cũng là “trách nhiệm” hạnh phúc của người theo nghiệp hát!


Ra đi và trở về, 2 mệnh đề ấy luôn tồn tại trong cuộc đời một con người. Với một nghệ sĩ như Ánh Tuyết thì sự trở về càng có ý nghĩa hơn, trở về để tri ân khán giả, để được hát dưới mái nhà xưa. Ở lần trở về năm 2009, nữ ca sĩ một thời của Đoàn CMN Hải Đăng rưng rưng nước mắt: “20 năm rồi tôi mới được hát cho khán giả Nha Trang, điều tôi rất mừng là mọi người vẫn còn nhớ đến tôi và yêu mến giọng hát của tôi…”. Hôm ấy, khán giả thành phố biển đã đón nhận giọng hát của Ánh Tuyết rất hào hứng, nhưng nhiều người vẫn tiếc nuối khi chị đã không hát Trương Chi… Và tôi vẫn chờ đợi, một ngày gần đây Ánh Tuyết sẽ lại về chốn xưa, lại nền nã trong tà áo dài trắng cất lên suối nguồn thanh âm trong trẻo như… dòng suối mơ ở chốn thiên thai!


XUÂN THÀNH