“Ấn tượng của tôi khi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đó là một người rất uyên bác, đức độ, toát lên phong thái của một nhân cách lớn, nhưng ông cũng rất giản dị, ân cần và gần gũi”, họa sĩ - nhà thư pháp Trần Quốc Ẩn (Nha Trang) hồi tưởng.
“Ấn tượng của tôi khi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đó là một người rất uyên bác, đức độ, toát lên phong thái của một nhân cách lớn, nhưng ông cũng rất giản dị, ân cần và gần gũi”, họa sĩ - nhà thư pháp Trần Quốc Ẩn (Nha Trang) hồi tưởng.
Vào một buổi chiều cuối tháng 10-2005, họa sĩ Trần Quốc Ẩn cùng vợ là chị Tôn Nữ Minh Nhơn vinh dự được ghé thăm Đại tướng tại nhà riêng số 30 đường Hoàng Diệu, Hà Nội. Anh cho biết: “Khi tôi cùng một số đồng nghiệp thực hiện xong cuốn thư pháp “Nhật ký trong tù” (kích thước 1x0,52x0,15m, với 322 trang, trọng lượng 40kg; bìa sách được làm bằng gỗ; các góc, gáy sách và bản lề làm bằng đồng, do họa sĩ Trần Quốc Ẩn chủ trì thực hiện, hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh), tôi có ước nguyện được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người thân cận với Chủ tịch Hồ Chí Minh - để Đại tướng xem, góp ý, giúp tôi có thể chỉnh sửa hoàn chỉnh cuốn thư pháp này. Và ước nguyện của tôi đã trở thành sự thật... Ấn tượng ban đầu của tôi khi vừa bước vào nhà Đại tướng là cách bài trí trong nhà rất ấm cúng và bình dị, với điểm nhấn là chiếc đàn piano đặt ngay trong phòng khách. Theo Đại tá Nguyễn Văn Huyên (thư ký riêng của Đại tướng) thì Đại tướng chơi piano rất điêu luyện và ông vẫn chơi đàn đều đặn vào mỗi sáng. Sau khi hỏi thăm ban đầu, chúng tôi được Đại tướng mời ngồi bên cạnh uống trà. Đại tướng rất gần gũi, ân cần trò chuyện với chúng tôi như người trong nhà: “Cháu ra đây bằng phương tiện gì? Hiện đang ở đâu, ở nhà người quen hay khách sạn, đi đường xa có mệt không? Công việc làm ăn như thế nào? Con cái học giỏi và ngoan chứ? Tại sao cháu lại làm cuốn thư pháp này, có tốn nhiều thời gian và công sức không...”. Đại tướng xem cuốn thư pháp rất kỹ, lật từng trang sách, đọc từng chữ và có những nhận xét, góp ý khiến tôi hết sức bất ngờ về sự uyên bác của Đại tướng trong nghệ thuật thư pháp. Trò chuyện với Đại tướng hơn 30 phút, chúng tôi xin phép ra về để ông nghỉ ngơi, chuẩn bị tiếp đón đoàn khách khác, nhưng Đại tướng đã giữ chúng tôi ở lại để tiếp tục chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống thường nhật, ôn lại những kỷ niệm của Đại tướng với Bác Hồ kính yêu..., giúp tôi có thêm những tư liệu quý giá để bổ sung, hoàn thiện cuốn thư pháp của mình. Đại tướng đã đề nghị tôi để lại cuốn thư pháp để tối ông có nhiều thời gian rảnh đọc cho kỹ hơn. Tôi thật sự xúc động và vinh dự khi được Đại tướng viết và ký tặng trên cuốn thư pháp này”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang xem cuốn thư pháp “Nhật ký trong tù” tại nhà riêng của ông. |
Trước lúc ra về, họa sĩ Trần Quốc Ẩn có mong muốn được tặng Đại tướng một bức thư pháp để làm kỷ niệm, Đại tướng vui vẻ nhận lời. Sau khi xem bức thư pháp này, Đại tướng đã bảo rằng: “Chữ thư pháp này là chữ Đạo, có nghĩa là con đường đi, muốn thành công hãy đi cho đúng con đường nhé”.
Những nét chữ thanh thoát của Đại tướng viết tặng trên cuốn thư pháp “Nhật ký trong tù”. |
“Gần 60 phút được ngồi gần bên vị Đại tướng đức độ, tài ba, chúng tôi thấy mình thật nhỏ nhoi ngay trong lĩnh vực sở trường của mình. Nhưng được trò chuyện và được sự chỉ bảo, quan tâm của Đại tướng chúng tôi càng thêm xúc động, kính trọng vị đại tướng đầy uy nghiêm và cũng rất mực nhân từ. Khi hay tin Đại tướng mất, tim tôi như nghẹn lại. Hình ảnh của ông tràn về trong tôi với một cảm xúc không thể tả được” - anh Ẩn nghẹn ngào...
Vĩnh biệt ông, vị Đại tướng của dân tộc. Không chỉ có tôi mà hàng triệu người dân Việt Nam sẽ luôn nhắc đến tên ông - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
AN NGUYỄN (Thực hiện)