Lâu nay, nhiều người vẫn coi Đại tá Trần Văn Thà (hiện sống ở 62 Phù Đổng, Nha Trang) là một trong những nguyên mẫu để nhà biên kịch Đào Hồng Cẩm viết nên vở kịch “Đại đội trưởng của tôi”. Thế nhưng gần đây, trên một số tờ báo, có một người tự nhận mình là nguyên mẫu của nhân vật...
Lâu nay, nhiều người vẫn coi Đại tá Trần Văn Thà (hiện sống ở 62 Phù Đổng, Nha Trang) là một trong những nguyên mẫu để nhà biên kịch Đào Hồng Cẩm viết nên vở kịch “Đại đội trưởng của tôi”. Thế nhưng gần đây, trên một số tờ báo, có một người tự nhận mình là nguyên mẫu của nhân vật...
. Xuất hiện “nguyên mẫu” thứ 2
Năm 1974, vở kịch Đại đội trưởng của tôi ra mắt khán giả đã tạo tiếng vang lớn khi xây dựng thành công hình ảnh người chiến sĩ cách mạng nơi tuyến đầu. Hình ảnh sư trưởng Quỳnh, chính ủy Mậu, đại đội trưởng Hùng, tiểu đội trưởng Thục…đã in đậm trong trí nhớ người xem bởi sự chân thật, sinh động. Mãi về sau, người ta mới biết vở kịch này xây dựng trên nền cuộc chiến đấu của Tiểu đoàn 47 - Trung đoàn 270 ở Quảng Trị, trong đó Đại tá Trần Văn Thà là một nguyên mẫu. Thế nhưng, gần đây có người lại nhận mình là nguyên mẫu nhân vật Lê Viết Thục trong vở kịch này.
Theo lời kể của người này (đăng trên các báo Văn nghệ Công an, Người đưa tin…), khoảng năm 1969, nhà biên kịch Đào Hồng Cẩm vào tuyến lửa Vĩnh Linh, nghe tin ở Trung đoàn 27/B5 có một đại đội trưởng trẻ tuổi chiến đấu và chỉ huy chiến đấu rất giỏi, dũng cảm nên ông đã tìm gặp. Họ gặp nhau tay bắt mặt mừng, càng quý hơn khi nhận ra cả hai cùng quê Hải Hậu, Nam Định. Đêm ấy, giữa chiến trường, hai người mắc võng nằm bên nhau tâm sự chuyện đời lính, thỉnh thoảng nhà văn nhổm dậy bật đèn pin ghi chép những tình tiết đắt. Tuy khoảng cách tuổi tác chênh nhau nhưng họ nhận nhau là anh em kết nghĩa. Trước khi thả mình vào giấc ngủ, nhà biên kịch Đào Hồng Cẩm hứa sẽ sáng tác một vở kịch từ câu chuyện của những người lính đêm ấy.
Về sau, khi xem đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị biểu diễn vở kịch Đại đội trưởng của tôi, dù có sự thay đổi về không gian, thời gian, nhưng ông nhận ra nhà biên kịch đã lấy rất nhiều “chất liệu” từ đại đội của ông, nhất là hình tượng tiểu đội trưởng Lê Viết Thục trong vở diễn có nhiều nét tương đồng với cuộc đời thật của ông. Theo người này, những tình tiết trong vở kịch như chuyện giữ cái chốt có tính "yết hầu" của mặt trận; chuyện vượt sông; máy bộ đàm bị hỏng, đại đội mất liên lạc với chỉ huy cấp trên; chuyện người lính bị thương đang ở quân y viện chưa kịp mổ mảnh đạn đã trốn viện về giữ chốt cùng đồng đội... đều là chuyện thật ngoài đời của những người lính ở đơn vị ông chỉ huy. Mới đây, khi xuất bản tập hồi ký về những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, người này một lần nữa khẳng định ông chính là nguyên mẫu nhân vật chính trong vở kịch.
Những người trong cuộc nói gì?
Trò chuyện với người viết về vấn đề này, Đại tá Trần Văn Thà tâm sự, ông không ham hố gì chuyện là nguyên mẫu Đại đội trưởng của tôi, bởi đó cũng chỉ là một trang sử trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Hơn nữa, ông chỉ là một mảnh ghép để nhà văn xây dựng nên nhân vật. Ông cho biết, ông gặp nhà biên kịch Đào Hồng Cẩm giữa năm 1968 khi đang ở Trung đoàn 270 của mặt trận B5 qua sự giới thiệu của đồng chí Vũ Kỳ Lân - Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Vĩnh Linh. Sau vài lời thăm hỏi giới thiệu, nhà biên kịch Đào Hồng Cẩm đề nghị ông kể chuyện chiến đấu ở chiến trường, nhất là chuyện đơn vị ông (Tiểu đoàn 47) đánh chặn địch ở Cửa Việt. “Trong hơn 2 giờ, tôi đã kể cho anh Cẩm diễn biến của đợt chiến đấu ác liệt này, trong đó có chuyện Đảng ủy Tiểu đoàn chỉ đạo rút quân ra để bảo toàn phiên hiệu đơn vị, nhưng trên đường đi, tôi với tư cách tiểu đoàn trưởng đã đứng ra kêu gọi mọi người quay trở lại chiến đấu và đã chiến thắng; chuyện về tấm gương hy sinh anh dũng của 2 phóng viên báo Quân đội nhân dân Lê Đình Dư và Nguyễn Ngọc Nhu, về chiến công của đồng chí Cao Lương Bằng đã dũng cảm bắn rơi máy bay trực thăng của địch… Khi chia tay nhau, anh Cẩm có nói sẽ viết một vở kịch về chuyện chiến đấu của đơn vị tôi”, Đại tá Trần Văn Thà nhớ lại.
Ông Cao Trọng Đoan và Đại tá Trần Văn Thà, một trong những nguyên mẫu nhân vật để xây dựng nên vở kịch “Đại đội trưởng của tôi”. |
Năm 1973, ông Thà ra Hà Nội để họp, nhà biên kịch Đào Hồng Cẩm đã cho ông xem bản thảo viết tay kịch bản Đại đội trưởng của tôi. “Tôi đã đọc kịch bản suốt đêm. Khi trả kịch bản cho anh Cẩm, tôi có nói đùa: “Anh hạ cấp của tôi rồi. Tôi kể cho anh nghe chuyện ở tiểu đoàn sao anh lại viết ở cấp đại đội…”. Anh ấy giải thích, nếu viết ở cấp tiểu đoàn có nhiều chuyện khó khăn nên đã hạ xuống cấp đại đội, ông Thà kể tiếp. Thời gian trôi đi, ông Thà không mấy bận tâm về chuyện mình là nguyên mẫu nhân vật của một vở kịch nổi tiếng, bởi với ông đó là công lao của nhà văn, hơn nữa câu chuyện về đơn vị của ông cũng chỉ là cái nền để tác giả sáng tác. Mãi đến năm 1990, trong bài viết Đào Hồng Cẩm với người đất Quảng Trị đăng trên Tạp chí Cửa Việt, nhà văn Xuân Đức (từng viết chung với Đào Hồng Cẩm vở kịch Tổ quốc) mới hé lộ nguyên mẫu trong tác phẩm ấy chính là Đại tá Trần Văn Thà. Từ đó, câu chuyện về nguyên mẫu của Đại đội trưởng của tôi đã được nhiều nhà báo khai thác với nhiều góc độ khác nhau.
Nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm tên thật là Cao Mạnh Tủng (1924 -1990), nổi tiếng với các vở kịch: Chị Nhàn, Nổi gió, Tổ quốc, Đại đội trưởng của tôi…Năm 1996, ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1. |
Mới đây, khi ông Cao Trọng Đoan (con trai nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm) vào Nha Trang thăm Đại tá Trần Văn Thà, chúng tôi đã tìm gặp ông nhằm làm rõ hơn vấn đề nguyên mẫu của Đại đội trưởng của tôi. Trao đổi với người viết, ông Đoan (70 tuổi, hiện sống tại Hà Nội) bày tỏ: “Tôi biết gần đây có một người nổi tiếng, đồng hương với cha tôi tự nhận mình là nguyên mẫu trong vở kịch Đại đội trưởng của tôi. Đó hoàn toàn là sự bịa đặt! Ngay từ năm 1974, khi vở kịch này vừa ra đời, tôi đã nghe cha tôi nói nguyên mẫu là ông Trần Văn Thà, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 47 chiến đấu ở Cửa Việt, Quảng Trị cùng đồng đội của ông. Về sau này, khi được giao chép lại bản thảo để đem đi đánh máy lưu trữ, cha tôi có kể chuyện gặp lại chú Thà ở Hà Nội, khi đưa kịch bản xem thì chú Thà có nói đùa “anh hạ cấp của tôi rồi”…”. Ông Đoan cho biết thêm, sinh thời, nhà biên kịch Đào Hồng Cẩm rất tâm đắc vở kịch Đại đội trưởng của tôi. “Khi viết vở kịch này, cha tôi đã rơi nước mắt xúc động vì phẩm chất cao đẹp của những người lính. Ông yêu mến nhân vật của mình như thế nhưng lúc còn sống, ông chưa bao giờ nhắc đến tên người này mà chỉ nói đến chú Thà. Khi cha tôi mất (năm 1990) tại Hà Nội cho đến nay, người này chưa một lần đến nhà tôi thăm viếng, mặc dù trên báo chí họ tự nhận nguyên mẫu Đại đội trưởng của tôi, là anh em kết nghĩa với cha tôi”, ông Đoan bức xúc nói.
Trước khi chia tay, ông Đoan tâm sự: “Chú Thà nói với tôi rằng không nên làm to chuyện nguyên mẫu nhân vật Đại đội trưởng của tôi. Nhưng tôi thấy mình có nghĩa vụ làm sáng tỏ vấn đề, bởi lịch sử phải đúng với sự thật”.
XUÂN THÀNH