Đó là nội dung buổi tọa đàm vừa diễn ra tại huyện Bác Ái (Ninh Thuận) trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa dân tộc Raglai - Ninh Thuận 2013. Tham dự buổi tọa đàm có Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, .....
Đó là nội dung buổi tọa đàm vừa diễn ra tại huyện Bác Ái (Ninh Thuận) trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa dân tộc Raglai - Ninh Thuận 2013. Tham dự buổi tọa đàm có Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, các nhà nghiên cứu văn hóa Raglai và một số già làng tiêu biểu đang sinh sống trên địa bàn các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận…
Lễ bỏ mã của đồng bào Raglai (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn) đã được công nhận là di sản phi vật thể. |
Dân tộc Raglai hiện có khoảng 130.000 người, sinh sống chủ yếu trên địa bàn các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận và một số ít tại tỉnh Lâm Đồng. Dân tộc Raglai có bề dày lịch sử, văn hóa, đặc biệt là kho tàng lễ hội dân gian, nhạc cụ phong phú và độc đáo. Tuy nhiên, hiện các bản sắc văn hóa của đồng bào Raglai đang dần mai một. Trước thực trạng trên, các nhà nghiên cứu đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Raglai. Trong đó, việc lưu giữ phải bắt nguồn từ đời sống, sinh hoạt của đồng bào, không qua sân khấu hóa. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác giáo dục, mở các lớp dạy sử thi, đánh mã la và đặc biệt là chữ viết cho thanh thiếu niên tại các địa phương.
Văn hóa lễ hội, trang phục của đông bào Raglai cần được bảo tồn, gìn giữ. |
Tại buổi tọa đàm, Giáo sư Tô Ngọc Thanh nhấn mạnh: Cần phải hiểu đồng bào Raglai sâu hơn mới tìm ra cách bảo tồn và phát triển văn hóa Raglai; đặc biệt là phải hiểu được ngôn ngữ, chữ viết. Giáo sư cũng cho rằng, không nên lấy văn hóa của dân tộc này áp đặt cho dân tộc khác, thời kỳ này áp đặt cho thời kỳ khác mà cần tạo điều kiện cho đồng bào gìn giữ văn hóa của dân tộc mình. Bên cạnh việc hỗ trợ của chính quyền, có thể kêu gọi xã hội hóa để gây dựng lễ hội, tuy nhiên phải trả lễ hội lại cho đồng bào làm, có như vậy công tác bảo tồn mới có hiệu quả…
Công tác bảo tồn văn hóa Raglai tại huyện miền núi Khánh Sơn. |
NAM PHONG