Không phủ nhận các kênh truyền hình trả tiền hiện tại đã phong phú hơn nhiều lần so với “buổi ban đầu” (năm 2004). Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua chiếm sóng và thu hút khách hàng, dịch vụ này cũng cho thấy những bất cập không có lợi cho người sử dụng.
Không phủ nhận các kênh truyền hình trả tiền (THTT) hiện tại đã phong phú hơn nhiều lần so với “buổi ban đầu” (năm 2004). Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua chiếm sóng và thu hút khách hàng, dịch vụ này cũng cho thấy những bất cập không có lợi cho người sử dụng. Trong đó, đáng bàn là việc công chúng phải trả khoản tiền không nhỏ để xem những chương trình quảng cáo quá đà.
Dành cho “đại gia”
THTT được xem là có khả năng phổ cập dịch vụ dễ dàng nhất, có thể nhanh chóng xóa các “vùng lõm” sóng truyền hình ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, nơi chưa có tín hiệu truyền hình mặt đất. Nhưng, hầu hết những ai được hỏi đều đồng tình rằng, THTT chỉ dành cho “đại gia”, bởi giá dịch vụ rất cao.
Hiện có 4 nhà cung cấp dịch vụ THTT là: VTC, K+, VTV và Truyền hình Bình Dương. Trong đó, có mức giá “khủng” nhất hiện nay là dịch vụ của K+. Gói HD+ (gồm 72 kênh SD + 8 kênh HD) khách hàng đăng ký mới cần mua một bộ thiết bị HD và tối thiểu trả thuê bao 3 tháng là 4,39 triệu đồng, nếu đóng 6 tháng là 5,2 triệu đồng, 12 tháng 6,79 triệu đồng. Gói Premium+ (gồm 72 kênh SD) đăng ký mới cả tiền thiết bị và thuê bao 3 tháng là 2,1 triệu đồng, gia hạn sử dụng 190.000 đồng/tháng…Dịch vụ truyền hình số vệ tinh của VTC có mức phí mềm hơn K+, nhưng khách hàng cũng phải bỏ ra khoảng 5,8 triệu đồng để xem dịch vụ HDTV, 3,1 triệu đồng cho dịch vụ SDTV cho năm đầu...Điều đáng nói, khi mới khai trương dịch vụ, các nhà đài thường quảng cáo là dành cho vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Song xem ra, với mức phí như vậy, ngay cả hộ có mức thu nhập trung bình ở thành phố cũng phải cân nhắc, chứ chưa nói đến nông dân.
Truyền hình trả tiền ngày càng phát triển, nhưng chất lượng còn không ít điều phải bàn. |
Khách hàng chịu thiệt
Trong một cuộc bàn tròn mới đây, ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cảnh báo: “Vì tiền, nhiều doanh nghiệp truyền hình vẫn tiếp tay cho kiểu quảng cáo bán hàng lừa dối người tiêu dùng, thậm chí còn không cung cấp thông tin về doanh nghiệp bán hàng”. Ông dẫn chứng: Có trường hợp khiếu nại về điện thoại di động iPhone 5 được quảng cáo và bán hàng trên các kênh THTT. Nhưng khi người tiêu dùng nhận được không có tính năng, chất lượng tương đương chiếc iPhone đã quảng cáo, họ gọi đến số điện thoại là thông tin liên lạc duy nhất của nhà cung cấp, chỉ được tư vấn là gửi hàng trở lại theo một địa chỉ đã ghi, nhưng khi khách hàng yêu cầu đổi sản phẩm lại bị phớt lờ.
Để khách hàng bớt thiệt, ông Tuấn đề nghị các cơ quan quản lý cần có quy định quản lý chặt chẽ hơn nữa dịch vụ THTT và hoạt động thương mại trên truyền hình nhằm đảm bảo lợi ích, an toàn cho người tiêu dùng. Đối với vấn đề này, ông Nguyễn Hà Yên - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh và Truyền hình cho biết, từ nay đến năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo tổ chức nội dung thông tin trên dịch vụ THTT theo hướng vừa đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vừa cung cấp đủ thông tin phổ biến kiến thức, giải trí đến người tiêu dùng. Bộ sẽ triển khai cấp phép cung cấp dịch vụ THTT có chọn lọc cho các doanh nghiệp có chức năng truyền dẫn phát sóng đã có hạ tầng mạng truyền dẫn rộng khắp, quy mô và năng lực đầu tư đáng kể. Các nhà quản lý tin rằng, việc làm này sẽ khiến khách hàng của THTT bớt thiệt.
Văn Thùy (KTĐT)