Tại các nhà sách ở Nha Trang, sách dịch từ Trung Quốc chiếm số lượng rất lớn, trong đó nhiều nhất là các tiểu thuyết diễm tình với văn phong sướt mướt, xa rời thực tế…Điều đáng nói, nhiều độc giả trẻ vẫn đang say mê loại sách này.
Tại các nhà sách ở Nha Trang, sách dịch từ Trung Quốc chiếm số lượng rất lớn, trong đó nhiều nhất là các tiểu thuyết diễm tình với văn phong sướt mướt, xa rời thực tế…Điều đáng nói, nhiều độc giả trẻ vẫn đang say mê loại sách này.
Những năm gần đây, các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục lên tiếng về việc truyền hình trong nước tràn ngập phim Hàn Quốc, Trung Quốc… nhưng ít đề cập về sự tràn ngập của sách văn học Trung Quốc từ tiểu thuyết võ hiệp đến truyện kinh dị, tiểu thuyết diễm tình.
Tại Nhà sách Tân Tiến, vào gian hàng sách văn học, đập vào mắt độc giả không phải là các tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới mà là một loạt tác phẩm truyện trinh thám, kinh dị của Trung Quốc như: Mê Tông chi quốc, Ma thổi đèn (tác giả Thiên Hạ Bá Xướng), Tứ thư Tây Hạ (Cổ Nhi Ngư), Lời nguyền Lỗ Ban (Viên Thái Cực), Hồ tuyệt mệnh (Quỷ Cổ Nữ), Trở lại Hoang thôn (Sái Tuấn)... Cuối dãy sách, hàng chục bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, Cổ Long, Ngọa Long Sinh cùng với những sáng tác mới của các cây bút trẻ dòng tiên hiệp cũng chễm chệ trên giá sách. Trong khi đó, tác phẩm của các cây bút nổi tiếng như Mạc Ngôn, Dư Hoa, Lý Nhuệ…gần như vắng bóng, mà theo lý giải của nhân viên bán hàng thì “trước đây nhà sách cũng nhập về tác phẩm của các tác giả này nhưng bán không được nên đã trả lại”.
Tiểu thuyết diễm tình Trung Quốc rất thu hút các nữ độc giả trẻ tuổi. |
Trong sự bùng nổ sách dịch của Trung Quốc, đáng ngại hơn cả là sự tràn ngập của dòng tiểu thuyết thuyết diễm tình (còn được gọi là tiểu thuyết ngôn tình). Tại Nhà sách Tân Tiến, chúng tôi nhìn thấy trên kệ những cuốn sách có tựa khá sướt mướt như: Cho anh nhìn về em, Anh sẽ đợi em trong hồi ức, Tình yêu nơi đâu, Gia cố tình yêu, Ở lại nơi này cùng anh, Không thể quên em... của các tác giả trẻ như Tào Đình, Tân Di Ổ, Bộ Vi Lan, Thanh Sam Lạc Thác, Cố Mạn, Diệp Lạc Vô Tâm. Ở Nhà sách Phương Nam Nha Trang, loạt tiểu thuyết tình cảm của Trung Quốc chiếm đến 2 dãy dài với những tựa sách rất “sến” như: 33 ngày thất tình, Thời gian trôi mãi, Mơ về phía anh, Cùng anh ngắm hoa, Nợ em một đời hạnh phúc, Đi về phía không anh, Nơi nào đông ấm, Bức thư bị lãng quên… Các cuốn sách có bìa thiết kế khá bắt mắt, nội dung chủ yếu xoay quanh chuyện yêu đương của tuổi mới lớn, đầy chất ủy mị, viễn vông và có cả yếu tố gợi dục. Tiểu thuyết ngôn tình thường đi theo mô típ lãng mạn kiểu chàng đẹp trai lạnh lùng và giàu có tài ba nhưng say mê vì một cô gái cá tính, giàu tự trọng được các tác giả tập trung khai thác. Chị Trần Kim Anh (đường Ngô Sĩ Liên, Nha Trang), người từng đọc các tiểu thuyết ngôn tình, bày tỏ: “Sau khi đọc cuốn Xin lỗi! Em chỉ là con đĩ của Tào Đình, tôi đọc thêm vài cuốn nữa thì thấy khá giống nhau nên không đọc nữa…Tôi thấy ngôn tình bây giờ không khác gì diễm tình của Quỳnh Dao hồi xưa, chỉ khác ở các chi tiết của cuộc sống hiện đại, còn văn phong và cốt truyện thì vẫn thế”.
Thế nhưng, không phải ai cũng có đủ tầm hiểu biết để lựa chọn sách phù hợp cho mình. Vào các nhà sách, chúng tôi cũng từng nhiều lần bắt gặp các em học sinh thường xuyên chọn mua các loại sách này, nhiều em còn lên mạng để đọc. Trên diễn đàn mạng hiện nay đã xuất hiện các hội những người yêu thích tiểu thuyết ngôn tình, nhiều bạn trẻ cũng đưa ra nguyên do để chọn loại sách này: Đọc dễ hiểu, những câu chuyện nhẹ nhàng, tình cảm mà tác giả viết trong sách đã vẽ ra trong trí tưởng tượng của mỗi người những cảm xúc lãng mạn, bay bổng của tuổi trẻ; nó cũng nói lên ước mơ, khát khao được hạnh phúc của tuổi trẻ… Em N.T.A, học sinh trường Trung học phổ thông Nguyễn Thiện Thuật cho biết: “Em thích truyện ngôn tình vì rất gần gũi, ngôn ngữ mềm mại, dễ hiểu…”. Chị Lê Đình Khánh Trang, nhân viên Nhà sách Tân Tiến cho biết: “Loạt sách tiểu thuyết tình cảm của Trung Quốc bán rất chạy, độc giả trẻ đến nhà sách thường mua loại sách này bởi nó phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh”.
Hiện nay, nhiều chuyên gia tâm lý, xã hội học đã lên tiếng cảnh báo về sự nguy hại của tiểu thuyết ngôn tình. Bởi những từ ngữ không lành mạnh được sử dụng trong sách ngôn tình sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và gu thẩm mỹ chưa được định hình của bạn đọc tuổi mới lớn. Với thực tế hiện nay, cơn sốt tiểu thuyết ngôn tình chưa có dấu hiệu dừng lại. Trao đổi với chúng tôi, một quản lý nhà sách (xin được giấu tên) cho biết, họ cũng biết những loại sách này thiếu tính văn chương nghệ thuật nhưng vẫn phải chiều theo thị hiếu của độc giả. “Trong kinh doanh, loại hàng nào bán chạy thì đương nhiên chúng tôi phải bán loại đó”, người này nói.
Kích thích thói quen say mê đọc sách là rất tốt, nhưng đọc cũng cần phải lựa chọn. Nên chăng, các bậc phụ huynh, thầy cô cần định hướng cho con em trong việc chọn lựa sách để đọc. Sẽ là sai lầm nếu quá say mê với những trang viết ướt át và rồi bị nó ru ngủ, không còn nhận ra đâu là đời thực.
THÀNH NGUYỄN