10:09, 11/09/2013

Rải vàng mã trên đường đưa tang: Hủ tục cần từ bỏ

Không có trong giáo lý nhà Phật, cũng không phải là tập tục truyền thống của người Việt, nhưng việc rải vàng mã trên đường đưa tang ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều người cho đó là chuyện tâm linh, còn hệ lụy của nó là sự lãng phí, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị...

Không có trong giáo lý nhà Phật, cũng không phải là tập tục truyền thống của người Việt, nhưng việc rải vàng mã trên đường đưa tang ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều người cho đó là chuyện tâm linh, còn hệ lụy của nó là sự lãng phí, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị...


Phiền toái vì nạn rải tiền giả, tiền thật


Lâu nay, việc rải vàng mã trên đường đưa tang đã trở nên phổ biến và dường như mọi người đều chấp nhận thực trạng đó. Tuy nhiên, dù vô tình hay hữu ý việc làm này đang gây phiền toái đến nhiều người. Chị Lê Thị Liên, phường Vĩnh Hải cho biết: “Nhà tôi ở mặt tiền đường 2-4 nên thường xuyên phải lãnh hậu quả từ việc rải vàng mã của các đám tang đi qua. Ngày ít thì vài ba đám, ngày nhiều có khi chục đám. Có đám rải vàng mã dọc đường vừa phải, nhưng có đám rải rất nhiều. Cứ mỗi lần đám tang đi qua, tôi lại phải quét dọn những tờ giấy vàng mã bị gió cuốn bay vào nhà. Nếu không kịp dọn, vàng mã sẽ bị dồn đống trông rất nhếch nhác”. Cùng chung nỗi khổ, chị Bích, công nhân vệ sinh môi trường chia sẻ: “Tôi được phân công thu dọn vệ sinh ở đường Trần Phú, con đường đẹp nhất Nha Trang. Không ít lần, vào buổi sáng sớm đường phố đang sạch đẹp, một đám tang đi qua thế là vàng mã, thậm chí cả hoa và gạo, muối vung vãi đầy đường. Chúng tôi lại phải thu gom để trả lại vẻ đẹp cho con đường, nhưng một lúc sau có đám tang khác đi qua, mọi thứ lại đâu vào đấy…”. Người viết bài này cũng đã từng chứng kiến cảnh không hay liên quan đến việc rải vàng mã của người dân. Lần đó, tại ngã ba đường Trần Phú  - Yersin, khi người đi đường đang dừng đèn đỏ và có ý nhường đường cho một đám tang đi qua, thì bỗng nhiên từ chiếc xe tang một thanh niên tay cầm mớ vàng mã thật to vung ra, khiến mọi người đang dừng xe phải xua tay gạt những tờ giấy đó. Nhìn những tờ vàng mã vương vãi trên đường ai cũng lắc đầu ngán ngẩm. Không chỉ rải tiền giả, nhiều đám tang còn rải cả tiền thật. Những loại tiền có mệnh giá nhỏ: 500 đồng, 1.000 đồng và 2.000 đồng thường được tang chủ vô tư rải xuống ở các ngã ba, ngã tư hay khi đi qua cầu. Nhiều người đi đường thấy tiền rải xuống đã đuổi theo để nhặt, bất chấp tai nạn giao thông có thể xảy ra. “Có lần tôi lái xe đến cầu Hà Ra, bỗng từ trên thành cầu một chị mua đồng nát lao ra giữa đường để nhặt những tờ tiền do một đám tang vừa đi qua  rải xuống. May tôi xử lý kịp thời, nếu không chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Giờ nghĩ lại vẫn thấy giật mình”, anh Toàn, tài xế xe tải 79D 81… kể.  

 

Việc rải vàng mã dọc đường diễn ra ở nhiều đám tang. (Ảnh minh họa).
Việc rải vàng mã dọc đường diễn ra ở nhiều đám tang. (Ảnh minh họa).


Ai hưởng lợi?


Việc rải vàng mã trên đường đưa tang là một thói quen mang nặng tín ngưỡng dân gian. Có người rải vàng mã chỉ vì sợ nếu không rải thì thiên hạ bàn tán, người quá cố buồn; có người lý giải làm vậy để người chết biết đường mà từ cõi âm về thăm nhà. Tuy nhiên, vẫn chưa một ai có thể chứng minh được việc rải vàng mã sẽ giúp đưa vàng mã đến với người đã khuất. Có chăng đây chỉ là một cách để những người sống muốn thể hiện mình, người này truyền miệng người kia, lâu dần thành thói quen. “Ông cụ nhà tôi khi qua đời có dặn con cháu đừng nên tổ chức tang ma tốn kém, tuy nhiên phận làm con chúng tôi không thể để cụ ra đi mà thiếu được thứ gì. Vì thế, thấy người ta bày biện lễ lạt thế nào thì chúng tôi làm theo, thấy người ta rải vàng mã trên đường đưa tang, chúng tôi cũng làm dù không biết rõ làm vậy để làm gì”, anh Thái (phường Vĩnh Phước) chia sẻ. Cùng tâm lý đó, rất nhiều gia đình khi có người thân qua đời đều vô tình tiếp tay cho nạn rải vàng mã với suy nghĩ “nghĩa tử là nghĩa tận”. Những người bị làm phiền bởi việc làm này cũng chậc lưỡi cho qua.

 

Việc rải vàng mã ở các đám tang, người trực tiếp hưởng lợi là các cơ sở bán vàng mã.
Việc rải vàng mã ở các đám tang, người trực tiếp hưởng lợi là các cơ sở bán vàng mã.


Thế nhưng, nếu tỉnh táo sẽ nhận thấy trong việc rải vàng mã, người hưởng lợi chính là những cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng mã và những cơ sở mai táng. Số lượng vàng mã được rải nhiều bao nhiêu, thì số tiền thật chui vào túi những người sản xuất, kinh doanh mặt hàng này nhiều bấy nhiêu. Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh nở rộ dịch vụ đám tang trọn gói do các cơ sở mai táng đảm nhận, trong đó không thể thiếu phần kinh phí mua vàng mã để rải dọc đường đưa tang. Theo lời một chủ cơ sở mai táng trên đường 2-4, mỗi đám như vậy tối thiểu phải mất 200.000 đồng tiền mua vàng mã để rải trên đường. Có những đám nhà xa nghĩa trang, hoặc những đám gia chủ “chịu chơi” số tiền đó có khi lên cả triệu đồng. Nếu đem số tiền đó nhân với số đám tang trong một năm thì quả là một sự lãng phí khủng khiếp.


Thói quen nên từ bỏ

 

Tại Quyết định số 130 ngày 30-6-2003 của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ tiền Việt Nam ghi rõ: “Nghiêm cấm hủy hoại đồng tiền bằng bất kỳ hình thức nào”. Còn tại điểm e Điều 10 Thông tư số 04 ngày 21-1-2011 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng quy định: “Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang”. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng theo khoản 2 Điều 18 Nghị định số 75 ngày 12-7-2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa.

Sách Thọ Mai gia lễ của Hồ Sỹ Tân (1690 - 1760) chép lại những phong tục, tập quán, nghi thức trong việc tang của người Việt có nói đến việc hóa vàng, nhưng đó là việc đốt một ít tiền vàng cho người đã khuất ở chính tại phần mộ, chứ tuyệt nhiên không chỉ dẫn việc rải vàng mã dọc đường đưa tang. Còn theo ông Ngô Văn Ban - người sưu tầm, biên soạn văn hóa dân gian ở Khánh Hòa thì đám tang ngày nay thường có việc rắc giấy vàng dọc đường đi, nhiều người tin rằng đó là tiền “mãi lộ” cho tà ma để tà ma không gây rắc rối, lại có người cho rằng rải giấy vàng xuống đường là để đánh dấu cho vong hồn người chết sau này có thể lần dò về nhà trong những ngày giỗ, Tết. Tuy nhiên, những điều này cũng rất mơ hồ không thể kiểm chứng, vậy nên chỉ có thể coi đây là một thói quen. “Theo tôi, điều này sẽ không gây nên sự bàn cãi nếu mỗi gia chủ ý thức được về thói quen đó của mình. Việc lạm dụng rải bừa bãi, gây lãng phí, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và những người xung quanh thì thật không nên”, ông Ngô Văn Ban chia sẻ. Cùng chung quan điểm đó, ông Hình Phước Liên - Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho rằng: “Người dân chỉ nên rải và đốt vàng mã ngay tại mộ phần, còn chuyện rải vàng mã dọc đường không có trong giáo lý nhà Phật, cũng không phải tập tục truyền thống của người Việt”. Cũng theo ông Liên, việc rải tiền thật trên đường đưa tang có thể xem là một hành vi hủy hoại đồng tiền Việt Nam và đó là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, đến nay việc áp dụng xử phạt hành vi này vẫn còn nhiều hạn chế và vướng mắc.


Để chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực trong việc tang, ngày 12-1-1998 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 27 về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, vấn đề thực hiện tang ma cũng đã có những quy định để chấm điểm thi đua. Nhưng khi đụng đến vấn đề nhạy cảm, tế nhị này thì các bên liên quan thường xí xóa, thông cảm cho nhau. Chính vì thế, biện pháp chính hiện nay vẫn là tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân để có những hành vi đúng. “Mới đây, lãnh đạo TP. Nha Trang đã có buổi làm việc với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh để tìm giải pháp nâng cao nhận thức cho người dân từ bỏ thói quen rải vàng mã dọc đường đưa tang.


Phía Giáo hội cũng đã có soạn văn bản để kêu gọi tăng, ni, phật tử và người dân hiểu và hạn chế tình trạng này. Còn hiện tại, chúng tôi vẫn chưa tìm thấy chế tài cụ thể nào để xử phạt đối với hành vi đó”, ông Đinh Văn Cường - Trường Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Nha Trang cho biết. Cũng theo ông Cường, sắp tới thành phố sẽ có văn bản chỉ đạo các xã, phường phân công thêm người để vận động nhân dân khi hữu sự không rải vàng mã dọc đường đưa tang. Phòng Quản lý đô thị thành phố sẽ làm việc với các cơ sở mai táng để ký cam kết không cung cấp vàng mã rải trên đường đưa tang; đưa nội dung này vào việc xét điểm danh hiệu thi đua gia đình văn hóa, làng, tổ dân phố văn hóa….


Có thể nói, với một việc làm mang lại nhiều hệ lụy, phiền toái cho những người xung quanh, nên chăng mỗi người dân hãy tự nâng cao nhận thức của mình, góp phần làm cho xã hội văn minh, tốt đẹp hơn.  


N.Tâm

 


Đạo Phật không chủ trương rải vàng mã


Xung quanh vấn đề rải vàng mã trong tang lễ, phóng viên Báo Khánh Hòa đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Nguyên Quang, Phó Ban kiêm Chánh thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và được biết, trong các giáo lý của đạo Phật không có một dòng nào nhắc đến việc rải vàng mã trong các lễ tang.


Theo Hòa thượng Thích Nguyên Quang, đạo Phật hướng con người đến điều thiện, không làm điều ác, không vì hạnh phúc của bản thân mà gây đau khổ, phiền hà cho người khác. Trong kinh Địa tạng nói về việc tang gia có đoạn viết đại ý rằng: “Trong gia đình gặp chuyện tang thương mà biết làm những việc có lợi ích cho người ta thì chẳng khác nào một người đi đường xa, đói bụng, trên vai gánh nặng mà được sớt bớt gánh nặng. Còn nếu bày chuyện tốn kém thì cũng giống như người đi đường xa, đói bụng, trên vai gánh nặng nhưng gặp phải người quen gửi thêm đồ khiến người ấy đã gánh nặng càng nặng và càng khốn hơn”. Trong đám tang, các gia đình thường mời các thầy về hành lễ, nhưng việc hành lễ đó không hề đả động tới chuyện vàng mã, cũng như bày vẽ lễ lạt tốn kém. Trong cái nhìn của những người tu hành, việc rải vàng mã thực sự là một hủ tục, nó gây phung phí, ô nhiễm môi trường. Mọi người thay vì tốn kém vào việc rải vàng mã nên nghĩ đến chuyện làm những việc thiện,  có ích cho người khác. Theo tôi, để hạn chế tình trạng này, về phía chính quyền cần có biện pháp xử lý nghiêm các cơ sở mai táng có hành vi rải vàng mã khi đưa tang. Đối với từng thôn, tổ dân phố cần đưa vào việc xét điểm thi đua danh hiệu hàng năm, ai vi phạm nên có biện pháp nhắc nhở trước cộng đồng để người khác thấy đó mà nhận thức ra vấn đề. Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cũng thường xuyên phổ biến với trụ trì các chùa để khuyên nhủ tăng, ni, phật tử không nên làm những việc vô ích như vậy.