Nhìn bên ngoài, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lại Khánh có cái vẻ nghiêm nghị của một ông giáo nhưng ẩn sâu bên trong là một tâm hồn nhạy cảm. Dù chụp ảnh chân dung hay cảnh sinh hoạt đời thường, ảnh của anh luôn tràn đầy tình yêu cuộc sống…
Nhìn bên ngoài, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lại Khánh có cái vẻ nghiêm nghị của một ông giáo nhưng ẩn sâu bên trong là một tâm hồn nhạy cảm. Dù chụp ảnh chân dung hay cảnh sinh hoạt đời thường, ảnh của anh luôn tràn đầy tình yêu cuộc sống…
Chân dung nghệ sĩ nhiếp ảnh Lại Khánh. |
Năm 2010, khi viết bài Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi đã liên hệ với NSNA Lại Khánh để xin tấm ảnh Sương bay mặt hồ in kèm bài viết. Anh em biết nhau từ đó và rồi tôi dần nhận ra đằng sau vẻ lành lạnh bề ngoài ấy là cả một tâm hồn nhạy cảm, nồng hậu…
Duyên nghiệp
Tác phẩm “Bình binh trên đồng muối”. |
NSNA Lại Khánh sinh ra ở Tuy Hòa, Phú Yên nhưng cuộc đời anh gắn bó với đất Nha Trang. So với nhiều người, anh biết đến nhiếp ảnh từ khá sớm. Năm cuối bậc tiểu học, anh đi chụp ảnh thẻ để làm hồ sơ, khi đến nơi mới biết đây là tiệm ảnh của gia đình người bạn học cùng khóa. Tò mò muốn biết xem người ta làm ảnh thế nào, anh đã nhờ bạn dẫn vào buồng tối để xem rửa ảnh. “Lần đầu tiên nhìn thấy mặt người hiện lên trên giấy ảnh được nhúng trong thau hóa chất… tôi vô cùng thích thú. Từ đó, hàng tuần, khi có thời gian rảnh, tôi lại đến nhà bạn chơi để xem chụp ảnh, rửa ảnh. Khi ấy, tôi ao ước mình sẽ trở thành một thợ ảnh…”, NSNA Lại Khánh nhớ lại.
Tác phẩm “Tuổi thơ miền núi”. |
Sau khi miền Nam giải phóng, Lại Khánh trở thành giáo viên. Nhận thấy nghề chụp ảnh dịch vụ có thể kiếm được tiền, lại đúng với sở thích của mình nên anh đã dồn hết tiền tiết kiệm mấy năm trời để mua chiếc máy Canon FTb để hành nghề. Nhờ biết tiếng Anh nên anh đã kiếm tài liệu về mày mò tự học từ kỹ thuật chụp ảnh, tráng ảnh. Việc đi chụp hình đám cưới, sinh nhật mang lại cho anh nguồn thu rất khá, nhưng vì bận bịu với công việc của một nhà giáo nên sau vài năm, anh phải bỏ việc chụp ảnh thuê mà tập trung vào làm dịch vụ tráng rửa ảnh tại nhà. Mỗi khi có thời gian, anh cũng mang máy đi chụp ảnh cho thỏa đam mê và rồi cái duyên với nhiếp ảnh nghệ thuật đã đến. “Một lần lang thang trên bờ biển Nha Trang, nhìn thấy một ngư phủ đang vá lưới dưới ánh nắng ban mai, cả tấm lưới xanh nằm uốn lượn trên bãi cát như con sóng biển, tôi liền lấy máy ghi lại hình ảnh đó. Tôi đã đặt tên cho tấm ảnh là Sóng lưới…”. Năm 1996, tấm ảnh này đã được trao giải ba tại Liên hoan ảnh nghệ thuật Khánh Hòa lần thứ VI và giải khuyến khích Liên hoan ảnh nghệ thuật 9 tỉnh khu vực miền Trung. Thành công ấy đã tiếp thêm cho anh niềm tin, sự hứng khởi để bước tiếp trên con đường nhiếp ảnh nghệ thuật. Một năm sau, anh tiếp tục được giải nhì Liên hoan ảnh nghệ thuật Khánh Hòa lần thứ VII với bức ảnh Vẫn đều trên Go.
Tác phẩm “Đua tài”. |
Năm 1998, anh bất ngờ bị tai biến phải nằm viện suốt mấy tháng liền, để lại di chứng nặng nề khiến anh đi lại rất khó khăn. Thế nhưng, cơn bạo bệnh đã không quật ngã được niềm đam mê trong anh. Sau thời gian dưỡng bệnh, anh đã cầm máy trở lại với khát khao cháy bỏng hơn. Không phụ lòng người, thời gian sau đó, anh liên tục được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế với các tác phẩm: Trong vòng tay mẹ, Chợ bên sông, Nắng vàng, Phút thư giãn…, trong đó tác phẩm Trong vòng tay mẹ của anh được Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tặng giải B và Huy chương Đồng triển lãm Nhiếp ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ nhất (1996-2000) do Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức. Theo đánh giá của giới nhiếp ảnh, càng về sau ảnh của Lại Khánh càng có chiều sâu hơn.
Tình yêu cuộc sống
So với nhiều tay máy khác, NSNA Lại Khánh gặp nhiều hạn chế về sức khỏe, thế nhưng anh cũng đã có nhiều chuyến đi đến Tây Nguyên, Sa Pa, Phan Thiết… để sáng tác. Điều đáng nói, dù ở thành thị hay miền núi, từ ảnh chân dung đến sinh hoạt đời thường, ảnh của anh luôn toát lên tình yêu cuộc sống. Chụp người già vùng cao, anh không chú trọng đi khai thác vẻ già nua, khắc khổ của họ, thay vào đó là phút thư thái, vui vẻ của họ với nụ cười móm mém, chiếc tẩu trên môi. Kinh nghiệm của một nhà giáo đã giúp anh thành công với những bức ảnh chụp trẻ em. Đó là khoảnh khắc lắng đọng ánh mắt trong veo, nụ cười hồn nhiên của em bé Raglai trong tác phẩm Tuổi thơ miền núi (Huy chương Đồng Liên hoan ảnh nghệ thuật Nam Trung bộ - Tây Nguyên lần thứ XVIII năm 2013) chụp ở Khánh Vĩnh; sự trong trẻo, hồn nhiên của các em thiếu nhi tập xướng âm trong khuôn hình Giai điệu đầu tiên… Bên cạnh đó, tính duy mỹ của một ông giáo dạy văn đã giúp anh dễ dàng nắm bắt được những nét đẹp cuộc sống đời thường. Bức ảnh Ngày hè chụp cảnh những trẻ em đang chạy trên bờ những đìa tôm phía sau lưng là những cây bần trụi lá in trên nền trời xanh (chụp ở Tuần Lễ, Vạn Thạnh, Vạn Ninh) là một khuôn hình đẹp, ở đó không chỉ có sự vui tươi hồn nhiên của trẻ thơ mà còn có cả một khung cảnh thiên nhiên giàu tính gợi hình. Tương tự, ở tác phẩm Đua tài, anh lại phản ánh một nét sinh hoạt ở làng quê Việt Nam, đó là màn thi leo thân cây cau như màn xiếc nghệ thuật. Tác phẩm Bình minh trên đồng muối là một khoảnh khắc “vàng” khi người nghệ sĩ đã kịp ghi lại hình ảnh buổi sớm mai trên đồng muối khi những đám mây ửng hồng in chiếu xuống ruộng muối, điểm xuyết trên “bức tranh” ấy là những diêm dân cùng sắc trắng của muối…
Trong câu chuyện với người viết, NSNA Lại Khánh cho biết anh vừa nhận quyết định nghỉ hưu, đồng nghĩa với việc anh sẽ có nhiều thời gian hơn cho việc sáng tác. “Sau những lần cận kề cái chết, tôi nhận ra cuộc sống thật mong manh. Nhiếp ảnh đã đem lại niềm vui sống nên chừng nào còn đủ sức khỏe tôi sẽ còn cầm máy”.
XUÂN THÀNH