Lễ hội già làng còn hấp dẫn với chương trình biểu diễn nghệ thuật của 7 đội nghệ thuật quần chúng quy tụ hơn 100 diễn viên, nghệ nhân giới thiệu những ca khúc, những điệu múa truyền thống của các dân tộc...
Huyện Khánh Vĩnh vừa tổ chức lễ hội già làng lần thứ IV - năm 2013. Tham dự lễ hội có 47 già làng là lực lượng nòng cốt, có tiếng nói quan trọng trong đời sống các dân tộc trên địa bàn huyện. Với 2 phần lễ và hội, lễ hội già làng là hoạt động mang nhiều ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, chính quyền các cấp đối với các già làng; đồng thời là nơi gặp gỡ giao lưu bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện.
Tái hiện lễ cưới của người T’Rin do đơn vị Sơn Thái thực hiện. |
Tại buổi gặp mặt, đại diện UBND huyện và các ban ngành đã biểu dương và ghi nhận vai trò to lớn của các già làng trong việc tuyên truyền, nhắc nhở con cháu tích cực học tập, tăng gia phát triển sản xuất, ổn định kinh tế gia đình. Chia sẻ về tình hình đời sống các dân tộc trên địa bàn huyện, đại diện già làng các xã cũng đã thông báo với chính quyền các cấp về những vấn đề quan trọng như: Vận động con cháu hưởng ứng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; cùng nhau hưởng ứng phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, vận động nhân dân sống tốt, giữ gìn bản sắc văn hóa... Dịp này, UBND huyện Khánh Vĩnh đã tặng quà và tổ chức khen thưởng 4 tập thể và 16 già làng có đóng góp tích cực công tác xây dựng chính quyền cơ sở.
“Huyện Khánh Vĩnh có 36.123 dân với 16 dân tộc sinh sống. Đây là dịp để các già làng gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm về công tác tuyên truyền, chia sẻ tâm tư nguyện vọng, đóng góp ý kiến xây dựng việc làng, việc xã; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư. Lễ hội còn là điểm gặp gỡ giao lưu bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn huyện, góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc”, ông Mấu Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh nói.
Lễ hội già làng còn hấp dẫn với chương trình biểu diễn nghệ thuật của 7 đội nghệ thuật quần chúng quy tụ hơn 100 diễn viên, nghệ nhân giới thiệu những ca khúc, những điệu múa truyền thống của các dân tộc nhằm tạo mối quan hệ khắng khít giữa các dân tộc trên địa bàn huyện. Ngoài các tiết mục biểu diễn nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc như đánh cồng, chiêng, mã la, thổi khèn Salakhen, thổi sáo Ta cung, hát đối đáp của nghệ nhân Mà Giá và Cao Xu Ngân ở xã Giang Ly, hát then của người Tày ở thị trấn Khánh Vĩnh... người dân còn được xem tái hiện một số lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện như lễ cưới của đồng bào T’Rin ở xã Sơn Thái, lễ hội “Bến nước trong” của đồng bào Ê-Đê ở xã Khánh Hiệp, lễ cúng mã la của người Raglai ở xã Khánh Bình, lễ hội tung còn của người Tày ở thị trấn Khánh Vĩnh...
“Đội mình đã có sự chuẩn bị khá chu đáo theo đúng nghi lễ truyền thống của dân tộc Ê-Đê lưu truyền lại. Xem các tiết mục này làm cho chúng tôi nhớ đến cội nguồn văn hóa của mình. Chúng tôi luôn bảo con cháu tuy xã hội có đổi mới nhưng không được quên văn hóa truyền thống của mình…” - ông H Trây Y Oanh, nghệ nhân người Ê-Đê đến từ xã Khánh Hiệp chia sẻ.
Lễ hội diễn ra trong không khí ấm áp, thắm đượm tình đoàn kết các dân tộc. Sau đêm hội, mọi người cùng nắm tay nhau múa hát say sưa quanh cây nêu truyền thống, cùng thưởng thức hương men nồng say của rượu cần trong khúc nhạc giã bạn để hẹn tái ngộ vào lễ hội của năm sau.
Kim Oanh