10:09, 30/09/2013

Kịch bản phim truyện truyền hình: Cạn nguồn?

Giờ đây, thật khó tìm được một bộ phim truyện truyền hình độc đáo, nổi bật về đề tài cùng cách thể hiện. Các bộ phim lần lượt lên sóng với những mô típ cũ, câu chuyện nhàn nhạt và quanh đi quẩn lại từng ấy gương mặt diễn viên…

Giờ đây, thật khó tìm được một bộ phim truyện truyền hình độc đáo, nổi bật về đề tài cùng cách thể hiện. Các bộ phim lần lượt lên sóng với những mô típ cũ, câu chuyện nhàn nhạt và quanh đi quẩn lại từng ấy gương mặt diễn viên… Phải chăng, phim truyện truyền hình đang bế tắc đề tài hay đã cạn nguồn kịch bản?


Trào lưu và phương án an toàn


Hiện nay, nhà đài rất ít dám phiêu lưu trong việc đồng ý để các nhà sản xuất làm phim chạm đến những đề tài nhạy cảm, kiểu giả tưởng, ma mị hoặc động chạm đến những vấn đề xã hội gai góc. Dù nhà đài không có quy định, yêu cầu cụ thể bằng văn bản, nhưng muốn kịch bản được duyệt, phim có thể được lên sóng, nhà sản xuất chỉ nên làm những phim đề tài tâm lý, tình cảm thuần túy, pha hài hước và có thêm chút võ thuật. Đó được xem là phương án làm phim an toàn cho cả nhà đài lẫn nhà sản xuất. Có thời gian, phim làm về nông thôn, ca ngợi ngành nghề được nhà đài quan tâm, ủng hộ, vậy là tạo thành trào lưu làm phim về nông thôn, cùng tất cả các loại ngành nghề: Du lịch, nhà hàng khách sạn, chăn nuôi, trồng trọt… được khai thác triệt để; đến độ khán giả muốn bội thực với các loại phim đề tài nông thôn bởi sự một màu, nhàm chán. “Nhà đài không dám duyệt những kịch bản đề tài gai góc, mới lạ vì cho rằng như thế là phi thực tế và nguy hiểm. Những kịch bản mà câu chuyện hơi có chút ma mị, giả tưởng là bị gạt ngay, nên chúng tôi đâu dám làm, dù rất muốn đổi món” - một nhà sản xuất có thâm niên làm phim truyền hình chia sẻ.


Thời buổi chụp giựt của các biên kịch


Việc tìm chọn kịch bản làm phim truyền hình giờ đây trở thành cuộc chạy marathon mệt mỏi với các nhà sản xuất. Kịch bản gửi đến thì nhiều, nhưng để chọn được kịch bản đạt yêu cầu làm phim lại vô cùng hiếm hoi. Một nhà sản xuất cảm thán: “Có tháng chúng tôi nhận hơn 10 đề cương kịch bản, nhưng may mắn thì chọn được một, còn phần lớn không chọn được”.

  Cảnh trong phim Sơn ca không hát.
Cảnh trong phim Sơn ca không hát.


Nhà biên kịch Châu Thổ cho biết: “Với tốc độ làm phim truyền hình kiểu nhà nhà làm phim, người người làm phim như hiện nay; trong khi đội ngũ biên kịch chuyên nghiệp rất ít, thì việc khó tìm được một kịch bản hay là chuyện đương nhiên. Đội ngũ viết kịch bản trẻ bây giờ ít vốn sống, kinh nghiệm sống, lại thiếu kiến thức trong việc viết kịch bản phim nên kịch bản của họ hời hợt, thiếu chiều sâu. Nhưng để có kịch bản làm phim, nhiều nhà sản xuất sẵn sàng mua và đẩy giá kịch bản lên khiến các biên kịch trẻ được dịp chạy đua viết nhanh để bán, trong khi chất lượng kịch bản của họ chưa thể đạt yêu cầu”. Giá thành một kịch bản hiện nay từ 5 triệu đến hơn 10 triệu đồng/tập. Theo nhà biên kịch Châu Thổ, có những kịch bản chị chỉ mua 4 - 5 triệu đồng/tập vì chắc chắn khi mua về, chị phải gia công viết lại mới đạt yêu cầu; nhưng sau đó, nhà sản xuất khác đã mua lại với giá 8 - 9 triệu đồng/tập! “Bây giờ là thời buổi chụp giựt của các biên kịch” - nhà biên kịch Châu Thổ ngao ngán.


Kịch bản nhàm chán

 

Bà Trường Sơn, Trưởng phòng Khai thác phim truyện Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh: “Kịch bản không cạn nguồn, rất nhiều vấn đề ngoài xã hội có thể đào sâu khai thác làm phim được; vấn đề là những người viết kịch bản trẻ bây giờ không có kinh nghiệm, vốn sống nên kịch bản thường thiếu thực tế, dễ dãi; lớp biên kịch lớn tuổi lại có cách đặt vấn đề theo lối mòn, không mới. Các biên kịch cứ mạnh dạn khai thác, chúng tôi là những người “gác cổng” sẽ điều chỉnh, gia giảm dần cho phù hợp”.

Để an toàn, phim truyền hình giờ đây chỉ quanh quẩn những đề tài về gia đình, tình yêu. Nhưng vì nhai đi nhai lại mãi một đề tài, người viết lại thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn sống, nên các câu chuyện thường nhạt nhẽo, thiếu logic. Mua bản quyền các phim nước ngoài, sau đó chuyển thể Việt hóa là cách mà một số nhà sản xuất đang thực hiện, với mong muốn chuyện phim có gì đó lôi cuốn, các nhân vật có đời sống và phát triển tâm lý thuyết phục. Công ty BHD và M&T Pictures là 2 đơn vị thường chọn cách làm này. BHD chuyển thể phim Những mỹ nữ như mây của Đài Loan thành Váy hồng tầng 24. Trước đó, BHD cũng đã thành công với những phim được chuyển thể từ các phim nước ngoài. M&T Pictures đã có các phim: Hoa dã quỳ, Sao đổi ngôi, Lối sống sai lầm… được chuyển thể từ kịch bản - phim Hàn Quốc.


Đạo diễn Minh Chung - người được xem là “mát tay” trong những bộ phim chuyển thể như: Cô gái xấu xí, Người mẹ nhí, Váy hồng tầng 24… cho biết: “Tôi rất ủng hộ những kịch bản trong nước nếu đó là kịch bản và ý tưởng hay, nhưng giờ rất khó tìm ra những kịch bản như thế. Việc thực hiện những bộ phim được chuyển thể thường cho chúng ta học tập được rất nhiều điều, vì đó đều là những bộ phim đã thành công và xuất sắc của nước họ, mình không phải chỉnh sửa nhiều ngoài việc làm sao biến nó thành câu chuyện, con người, cách hành xử đúng là một sản phẩm của người Việt. Trong khi làm phim với kịch bản 100% Việt, mình thường phải gia công, chỉnh sửa nhiều hơn, rất mệt”.


Khởi đầu của một bộ phim truyền hình hay phải là kịch bản tốt, nhưng đội ngũ những biên kịch chuyên nghiệp quá ít, tác giả trẻ thì không đủ tài, đủ tầm để “vươn” tới những đề tài khó; chính vì vậy, phim truyền hình Việt hiện nay đi vào lối mòn, nhàm chán cũng là điều dễ hiểu. Thiếu sự sáng tạo, đội ngũ viết kịch bản phần lớn non cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, nhà đài không dám đột phá là những hạn chế khiến cục diện phim truyền hình Việt khó mà thay đổi.


NHƯ HOA (SGGP)