10:09, 17/09/2013

Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng: Nỗ lực làm mới mình

Sự ra đi của những nghệ sĩ trụ cột đã khiến Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, bằng nỗ lực của mình, Đoàn vẫn giữ được chất lượng trong các chương trình biểu diễn. Mới đây, Đoàn đã ra mắt khá thành công chương trình nghệ thuật “Khánh Hòa - Mùa biển hát”.

Sự ra đi của những nghệ sĩ trụ cột đã khiến Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, bằng nỗ lực của mình, Đoàn vẫn giữ được chất lượng trong các chương trình biểu diễn. Mới đây, Đoàn đã ra mắt khá thành công chương trình nghệ thuật “Khánh Hòa - Mùa biển hát”.


Câu chuyện âm nhạc đầy màu sắc


“Khánh Hòa - Mùa biển hát” gồm 3 phần: Hồn dân tộc, Đất mẹ thiêng liêng và Khánh Hòa chào tương lai. Chương trình có sự kết hợp hài hòa giữa chất liệu âm nhạc truyền thống và hiện đại. Các tiết mục hát, múa, độc tấu nhạc cụ xen kẽ nhau đã làm nên một câu chuyện âm nhạc đầy màu sắc. Ở đó, người nghe không chỉ thưởng thức những tiết mục âm nhạc độc lập mà còn được hòa mình vào dòng chảy văn hóa của một vùng đất. Khởi nguồn từ câu dân ca quê mẹ Yêu đời biển khơi (Hình Phước Liên) đã mở ra một không gian âm nhạc đậm chất truyền thống. Đó là âm hưởng dân ca Chăm vui tươi, rộn ràng trong khúc ca Hát từ biển khơi (Vy Nhật Tảo) do ca sĩ Thế Quang thể hiện; là âm thanh khỏe khoắn của núi rừng trong màn độc tấu đàn đá Suối hát Raglai và sự mềm mại, uyển chuyển trong màn múa Từ làng chiếu quê tôi… Tất cả đã làm bật lên bản sắc văn hóa đa dạng, “hồn dân tộc” ở xứ Trầm Hương.


Những lời hát đằm thắm, tha thiết của nữ ca sĩ Hoài Thương ở ca khúc Lời ru (nhạc Lê Minh, thơ Hoàng Hạnh) đã mở ra cả một vùng “đất mẹ thiêng liêng”. Lời ru không chỉ có tình thương của người mẹ dành cho con, mà ẩn chứa trong đó là tình cảm thiêng liêng với quê hương, đất nước, hồn thiêng sông núi. Với những động tác khỏe khoắn, múa Sức sống Trường Sa đã hình tượng hóa sinh động sự đổi thay của Trường Sa hôm nay, sự trẻ trung, kiên cường của những người lính đảo… Sự xuất hiện của Trọng Khải (Huy chương Vàng ở Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc năm 2012) với Sóng không từ biển (nhạc Lê An Tuyên, thơ Nguyên Hùng) là một điểm nhấn khá ấn tượng. Chất giọng ấm áp, truyền cảm của giọng ca trẻ đang lên với những ca từ “anh chỉ là giọt nhỏ, giữa dòng đời lặng trôi, mà trước em anh ngỡ, trước muôn trùng biển khơi…” như cứa vào lòng người nghe…

Ca sĩ Hoài Thương biểu diễn ca khúc “Lời ru”.
Ca sĩ Hoài Thương biểu diễn ca khúc “Lời ru”.


Loạt ca khúc Nơi bến bờ quê hương (Hình Phước Long), Nha Trang ngày dịu dàng (Sơn Thạch), Viên ngọc xanh (Bảo Phúc) là cái kết nhẹ nhàng của “mùa biển hát”. Âm nhạc trẻ trung tươi mới cùng những hình ảnh đầy sức sống… chính là tiếng lòng mời gọi du khách muôn phương về với Nha Trang - Khánh Hòa.

 Múa “Sức sống Trường Sa”.
Múa “Sức sống Trường Sa”.


Bên cạnh những mặt được nói trên, chương trình cũng còn có những điều đáng tiếc cần khắc phục như: Âm nhạc bài múa Từ làng chiếu quê tôi hơi thiếu chất truyền thống, hát bè chưa đều; ca khúc Viên ngọc xanh được dàn dựng rất công phu nhưng dường như không phù hợp lắm khi đặt vị trí kết thúc…

 

Tiết mục hát múa “Viên ngọc xanh”.
Tiết mục hát múa “Viên ngọc xanh”.


 

Vượt gian khó

 

Có mặt tại buổi diễn của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đánh giá cao nỗ lực của Đoàn cũng như chất lượng chương trình. Đoàn cần phải kiên trì đi theo định hướng, tạo ra một phong cách biểu diễn riêng, không thể để trộn lẫn với các đoàn nghệ thuật trong khu vực…

Việc dàn dựng thành công chương trình “Khánh Hòa - Mùa biển hát” là một nỗ lực đáng ghi nhận của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng. Bởi gần đây, Đoàn gặp rất nhiều khó khăn về mặt nhân sự. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, đạo diễn Vũ Bá Cương (khi ấy là trưởng đoàn) và Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Liên rời khỏi đoàn về đầu quân cho Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang. Sự ra đi của những nghệ sĩ trụ cột đã để lại nhiều âu lo cho những người quan tâm đến Đoàn. Thế nhưng, trong gian khó, Đoàn vẫn đứng vững và khẳng định được mình. Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 2, năm 2012 tại Đắk Lắk, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng đã giành được Huy chương Bạc toàn đoàn với chương trình Biển gọi. Năm nay, Đoàn đã có nhiều đóng góp khi tham gia biểu diễn ở Festival biển. Lần này, với chương trình “Khánh Hòa - Mùa biển hát” lại có thêm điểm cộng cho Đoàn. Nhạc sĩ Hình Phước Liên - Trưởng Phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) bày tỏ: “Tuy chỉ là chương trình nằm trong kế hoạch hàng năm, nhưng “Khánh Hòa - Mùa biển hát” được dàn dựng khá công phu, ý tưởng rõ ràng, nhiều tiết mục có chất lượng… Dù chưa xuất sắc nhưng cần phải ghi nhận sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, nghệ sĩ, diễn viên ở chương trình này cũng như nỗ lực của Đoàn suốt thời gian qua”.


Trong chương trình “Khánh Hòa - Mùa biển hát”, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng đã đưa 4 nhạc công chơi nhạc cụ truyền thống (đàn tranh, đàn bầu, nhị) vào biểu diễn. Tuy tập luyện chưa lâu nhưng các nhạc công này đã chơi khá ăn ý với dàn nhạc của Đoàn. Bà Nguyễn Thúy Châu - Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng cho biết: “Sau những khó khăn, hiện nay, hoạt động của Đoàn đã ổn định. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung nâng cao chuyên môn, bổ sung nhân sự cho đội ngũ nhạc công, diễn viên múa. Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đoàn cũng sẽ đẩy mạnh việc biểu diễn phục vụ khách du lịch”.


XUÂN THÀNH