07:09, 20/09/2013

Xu hướng thương mại đang lấn át bản sắc dân tộc

Phim truyện Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị chi phối bởi lợi nhuận, làm mờ nhạt tính dân tộc. Ðây là vấn đề được dư luận quan tâm, nhất là trong thời điểm ngành Văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng đang tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Phim truyện Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị chi phối bởi lợi nhuận, làm mờ nhạt tính dân tộc. Ðây là vấn đề được dư luận quan tâm, nhất là trong thời điểm ngành Văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng đang tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.


Nhìn lại một thời với bản sắc riêng


Ra đời cách đây 60 năm, điện ảnh Việt Nam đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu và có sức cảm hóa, bồi dưỡng tư tưởng cho hàng triệu công chúng. Kể từ phim truyện nhựa đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam Chung một dòng sông do đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân thực hiện đến nay có thể thấy, trải qua từng thời kỳ lịch sử, phim truyện Việt Nam đã thể hiện sâu sắc tâm hồn dân tộc. Những tác phẩm này đã góp phần vào thành tựu chung của điện ảnh Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua. Có thể thấy, những bộ phim ra đời trước đổi mới là thời kỳ mà bản sắc riêng, bản sắc dân tộc được biểu hiện rõ nét nhất. Nhiều tác phẩm tiêu biểu tập trung phản ánh 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược gồm: Lửa trung tuyến, Người chiến sĩ trẻ, Nổi gió, Tiền tuyến gọi, Bài ca ra trận... Cũng thời kỳ này, hình tượng người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó, giàu đức hy sinh được các đạo diễn khắc họa chân thực và sinh động, thể hiện qua các nhân vật như: chị Dịu trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Mỵ trong Vợ chồng A Phủ, Nga trong Con chim vành khuyên, hay Duyên trong Bao giờ cho đến tháng 10... Không ít phim đã đi vào lịch sử điện ảnh nước nhà, đoạt giải cao tại các kỳ liên hoan phim quốc tế như: Cánh đồng hoang, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Bao giờ cho đến tháng 10, Chị Tư Hậu. Thời vàng son đó, công chúng hào hứng đến các rạp chiếu phim, các sân chiếu bóng để được thưởng thức những tác phẩm giàu tính hiện thực và đậm đà tính dân tộc.

 

  Cảnh trong phim “Đừng đốt”.
Cảnh trong phim “Đừng đốt”.


Ðạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Ðặng Nhật Minh khẳng định, chính vì bản sắc đó mà điện ảnh của chúng ta ngay từ những ngày đầu đã được đông đảo bạn bè thế giới nồng nhiệt đón nhận. Tính dân tộc tạo nên sự độc đáo cho nghệ thuật điện ảnh nói chung, phim truyện Việt Nam nói riêng, giúp cho phim của chúng ta có diện mạo khác biệt với các nền điện ảnh của các nước.


Tính dân tộc đang nhạt dần


Chuyển sang cơ chế thị trường, các hoạt động điện ảnh cũng từng bước được “xã hội hóa”. Nhiều đơn vị tư nhân tham gia lĩnh vực sản xuất, phát hành và phổ biến phim đã tạo nên diện mạo, hơi thở mới cho “nghệ thuật thứ bảy” của nước nhà. Nhiều phim được xây dựng với nội dung tư tưởng tốt, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị, tuy nhiên trong đó lại thiếu vắng số phận con người và sự rung động của người nghệ sĩ cho nên chưa thật sự hấp dẫn người xem. Còn lại hầu hết những phim chạy theo lợi nhuận, doanh thu phòng vé là những sản phẩm lai căng, bắt chước điện ảnh nước ngoài. Trước thực trạng này, đạo diễn Ðặng Nhật Minh không khỏi băn khoăn: “Xu hướng thương mại đang thịnh hành trong điện ảnh Việt Nam hiện nay đã làm lu mờ tính dân tộc trong phim ảnh Việt Nam vốn có một thời...”. Thực tế, nhiều bộ phim thương mại có doanh thu hàng chục tỷ đồng chỉ trong vài tuần ra mắt, được nhiều tờ báo tung hô rùm beng nhưng rồi không còn ai nhớ bởi thiếu vắng những số phận của những con người cụ thể.


Với lý do không thuyết phục là làm phim phải có khán giả, đáp ứng nhu cầu giải trí của các “thượng đế” đến rạp mà theo họ phần lớn là những người trẻ tuổi, cho nên hầu hết những bộ phim của các đơn vị tư nhân đều tập trung vào các thể loại: Phim hành động, hài, kinh dị với số phận và tâm tư tình cảm, hành động của nhân vật khá mờ nhạt, hoặc bị vay mượn của điện ảnh nước ngoài. Giao lưu hội nhập văn hóa nhằm trao đổi, học tập những tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu thêm, đẹp thêm cho văn hóa Việt Nam là điều cần thiết, tuy nhiên, nếu tiếp thu văn hóa nước ngoài mà thiếu đi bản sắc văn hóa dân tộc, bản lĩnh của người làm nghề thì sản phẩm nghệ thuật làm ra sẽ thiếu tính dân tộc và dễ dàng bị khán giả quay lưng. Ðạo diễn Vũ Xuân Hưng cho rằng: “Ðể kiếm sống, nhiều người chọn cách chấp nhận làm theo yêu cầu của thị trường, mà thực chất là của các nhà đầu tư, làm phim giải trí, với đề tài quanh quẩn ở thành phố, bỏ phí mảng đề tài rộng lớn ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, nơi ẩn chứa nhiều nhất các giá trị văn hóa của dân tộc. Và cũng để đáp ứng yêu cầu giải trí, không ít tác giả đã bắt chước không chỉ cách thể hiện, mà cả nội dung của điện ảnh nước ngoài, nhưng lại cố khoác cho sản phẩm của mình một cái vỏ dân tộc lộ liễu bằng bối cảnh, đạo cụ, phục trang và âm nhạc...”.


Trong dự thảo Ðề án phát triển điện ảnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 có nêu mục tiêu: Phấn đấu đưa điện ảnh Việt Nam trở thành nền điện ảnh hàng đầu trong khu vực Ðông Nam Á và đến năm 2030 trở thành một trong những nền điện ảnh hàng đầu châu Á. Ðể thực hiện được điều này, đòi hỏi nỗ lực của toàn ngành trong việc củng cố đội ngũ, phát triển nguồn lực ngay từ khâu đào tạo theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại nhằm vực dậy một nền điện ảnh dường như đã mất đi niềm tin trong lòng những người yêu nghệ thuật thứ bảy của nước nhà. Với mục tiêu hướng đến các tác phẩm điện ảnh mang đậm bản sắc dân tộc, nội dung tư tưởng giàu tính nhân văn, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, điện ảnh Việt Nam cần có chiến lược dài hơi.


BÍCH HIỆP (Nhân dân)