07:08, 31/08/2013

Sách trong đời

Cầm mấy quyển sách trong tay, vẫn không khỏi ngỡ ngàng với cái cảm giác mình được tặng sách, không phải từ bạn bè, người thân mà từ người thầy dạy đại học.

Cầm mấy quyển sách trong tay, vẫn không khỏi ngỡ ngàng với cái cảm giác mình được tặng sách, không phải từ bạn bè, người thân mà từ người thầy dạy đại học.


Nhiều người coi sách là một thứ để giải khuây, khi buồn thì lấy ra đọc cho đỡ buồn. Lại có người như một con mọt sách, đọc ngấu nghiến hết cuốn này sang cuốn khác. Còn tôi, coi sách như một người bạn mà không phải chỉ khi cần mới tìm đến. Đọc đi đọc lại, đọc nghiền đọc ngẫm cho đến khi nó ngấm sang mình, nó ám vào mình; lại thấy chỗ nào hay thì lấy đánh dấu, chiêm nghiệm. Đọc tác phẩm của Nguyễn Minh Châu thì thích câu: “Nỗi đau khổ của con người chỉ có nỗi đau khổ của kẻ khác là cởi giải được phần nào”. Đọc sang đến Dostoevski thì lại thích “nước mắt và thống khổ cũng là cuộc sống”; hay đọc “Vừa nhắm mắt vừa mở của sổ” của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần thì lại tâm đắc “khi nhìn theo bóng một người mà ta không thể quên được, chúng ta sẽ nhìn thấy “nỗi nhớ” của mình”. Thường thì đọc xong cuốn sách nào đấy ít nhất cũng có một câu để mà chiêm nghiệm, coi như luân lý. Hạnh phúc thay cho ai đó có được một người hiểu mình, biết được mình thích gì. Riêng về phần tôi, được ai đó tặng sách đã là hạnh phúc lắm rồi.

 


Ngạn ngữ phương Đông có câu: “Dạy người ta trong một thời gian thì dạy bằng miệng, dạy người ta cả trăm đời về sau thì phải dạy bằng sách, vì nói miệng có khi hết, làm ra sách để dạy thì không bao giờ hết được”. Nói như thế đồng nghĩa với việc coi sách là một thứ luân lý để đời, chẳng thế mà A. Upit coi sách là cây đèn thần soi sáng cho con người trên những nẻo đường xa xôi nhất và tối tăm nhất của cuộc đời. Xưa Nguyễn Trãi chẳng phải đã lấy chính thơ mình làm “gương báu răn mình” đấy thôi.


Sau trang sách là cái gì đó nhân bản, thường là thế. Điều nhân bản ấy có thể được phơi bày ngay trên những câu chữ, hoặc giả là từ sự tự nhận thức của người đọc. Nói như một người thầy đã từng dạy tôi: Cuộc đời như dòng sông nước chảy, chỉ có sách (ở đây là sách văn học) là dừng lại, dừng lại để cảm, để hiểu về cuộc đời. Như thế, hóa ra sách cũng chỉ là những cuộc đời, và hơn thế nữa còn là một tấm gương soi, nhưng không phải soi vào đấy để thấy cái phiên bản của mình từ cuộc sống thực, mà soi vào đấy để chiêm nghiệm, để vượt qua được những nỗi buồn, những bế tắc riêng mình. Cố nhiên, không phải ai, lúc nào đọc sách cũng cốt tìm cho được luân lý, và cũng không phải sách nào cũng được viết ra như một thứ luân lý để đời, bởi nếu thế thì sách chẳng qua chỉ là một phương tiện ghi lại một cách cứng nhắc những điều về đạo làm người. Hãy thử một lần đọc “Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng, bạn sẽ cảm nhận được cái nôn nao muốn được đặt chân đến Hà Nội, để được thả mình trong bát phở còn đang nghi ngút hơi nóng, hay để được nhâm nhi cốm Vòng trong cái se se lạnh của mùa thu đất Bắc. Những trang sách như mang đến cho con người nhiều xúc cảm, nhiều tình cảm hơn thì phải.


“Bởi cuộc đời như một tủ sách đấu tranh/Mỗi người sống là một quyển sách còn đang viết/Gắng làm sao cho khi ta chấm dứt/Mỗi cuộc đời thành một quyển sách hay” - cố nhạc sĩ, nhà thơ Diệp Minh Tuyền đã từng viết như thế, từng nghĩ như thế, nghe như một chân lý để đời. Cuộc đời người ta chẳng khác gì một cuốn sách, quyển sách thay cho tất cả các quyển sách khác, một nhân chứng sống đối chứng đến từng cuộc đời một. Họ vẫn đang viết, không ai bảo ai, quyển sách của chính họ, từ trong cuộc đời của chính họ. Và, vẫn không ai bảo ai, người này chắt lọc từ người kia những được và mất như để chắp vá cho quyển sách đời mình.


ĐĂNG QUỲNH