12:08, 31/08/2013

Nhà văn Văn Biển - Một đời “rong chơi” cùng trẻ thơ

Từ tập truyện đầu tay, đến tận bây giờ - khi đã gần bước sang tuổi 84, nhà văn Văn Biển vẫn miệt mài viết cho trẻ thơ. Những trang viết trẻ trung, hồn nhiên, ngộ nghĩnh, trong sáng của ông đã tưới mát tâm hồn của biết bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam.

Từ tập truyện đầu tay, đến tận bây giờ - khi đã gần bước sang tuổi 84, nhà văn Văn Biển vẫn miệt mài viết cho trẻ thơ. Những trang viết trẻ trung, hồn nhiên, ngộ nghĩnh, trong sáng của ông đã tưới mát tâm hồn của biết bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam.


Ký ức tuổi thơ tôi


Mẹ tôi vốn là một giáo viên trường làng, nên thuở nhỏ, anh em tôi may mắn hơn chúng bạn trong xóm khi thường xuyên được mẹ mượn về từ thư viện trường những quyển truyện thiếu nhi để đọc. Các anh tôi thích đọc truyện trinh thám, còn tôi lại thích những truyện nhẹ nhàng về các loài vật, về những đứa trẻ quê, về những người nông dân bình dị. Trong số những truyện tôi đọc thuở bé, có một vài câu chuyện viết về Anh hùng lao động Hồ Giáo nổi tiếng ở Nông trường chăn nuôi bò sữa Ba Vì. Đó là hình ảnh nhân vật Nhẫn trong tác phẩm Cỏ non của nhà văn Hồ Phương đã có trích đoạn được in vào sách giáo khoa; đó là những câu thơ dí dỏm của nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ Gặp anh Hồ Giáo “Hỏi anh: Có thú vui gì?/Anh cười: Vui thú đời đi chăn bò…”, và một quyển truyện có cái tên nghe lạ Cô bê 20. Đọc truyện này tôi rất thích bởi cách sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa trong tác phẩm khi tác giả mượn lời cô bê có số hiệu 20 kể về cuộc đời của mình, qua đó toát lên hình ảnh Anh hùng lao động Hồ Giáo cần mẫn, chịu khó, làm việc rất có trách nhiệm và đúng khoa học. Tôi thích lối hành văn nhẹ nhàng, ngộ nghĩnh và rất am tường tâm lí trẻ con của người viết. Những điều đó kết tinh lại và chạm đến tâm hồn trẻ thơ một cách lôi cuốn, dung dị, mộc mạc. Viết về người anh hùng, một tấm gương điển hình trong lao động sản xuất xã hội chủ nghĩa như thế là điều không dễ gì làm được.

 

 Nhà văn Văn Biển.
Nhà văn Văn Biển.


Cuộc gặp gỡ bất ngờ


Mấy chục năm đi qua, nhưng câu chuyện kể của Cô bê 20 tôi vẫn nhớ. Tuy vậy, tác giả của cuốn sách ngày xưa ấy là ai thì tuyệt nhiên tôi không hay biết. Đến một hôm, có người bạn rủ tôi tới gặp nhà văn Văn Biển. Thoạt đầu tôi không mấy hứng thú lắm vì nghĩ  nhà văn này đâu có nổi tiếng, nhưng khi được bạn hỏi “Có biết tác giả của Cô bê 20, Đêm Stockholm và mới đây là Hiệp sĩ vô hình là ai không?”, thì tôi không bỏ lỡ cơ hội để gặp nhà văn già của thiếu nhi này. Trong ngôi nhà ở khu biệt thự An Viên (TP. Nha Trang), nhà văn Văn Biển đón chúng tôi với nụ cười hiền. Ông bảo “Bác đã sống một thời gian dài ở Hà Nội, rồi lên Đà Lạt, xuống TP. Hồ Chí Minh, sang cả châu Âu, nhưng cuối cùng vẫn thấy không nơi nào bằng Nha Trang. Có lẽ bác tên Biển nên tìm về với biển để an dưỡng tuổi già”.


Nhà văn Văn Biển tên thật là Phạm Văn Biển, sinh năm 1930 tại xã Tân Đức, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ông đã từng được Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Kim Đồng tặng giải thưởng đặc biệt cho tác phẩm Cô bê 20 vào năm 1968. Thời trẻ, ông sống khá gần gũi với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vì bác Đồng chính là chú ruột của ông. Mỗi dịp cuối tuần, bác Đồng thường cho ông cùng đi thăm người dân ở các vùng quê, hoặc lên các nông trường kiểm tra tình hình sản xuất. Chính sự tiếp xúc đó đã giúp ông học được nhiều đức tính tốt từ người chú ruột của mình, trong đó có tình yêu thương, sự gần gũi thân tình với thiếu nhi.


Cụ già có tâm hồn trẻ thơ


Bằng giọng nói nhỏ nhẹ và phát âm có phần khó nghe đặc trưng của người quê Quảng Ngãi nên phải chú ý lắm chúng tôi mới có thể lĩnh hội hết lời của ông nói. Trong câu chuyện văn chương với cha đẻ Cô bê 20, ánh mắt ông luôn ánh lên niềm vui và vẻ hồn hậu khi nói về đề tài thiếu nhi. “Cả đời bác theo đuổi hai thái cực của văn chương, đó là viết truyện dành cho thiếu nhi và viết kịch bản sân khấu để phản ánh những vấn đề nổi cộm của đời sống xã hội. Viết cái gì cũng khó và mỗi thứ có một kiểu khó khác nhau”, ông tâm sự.


Nghiệp văn chương đến với nhà văn Văn Biển thật tự nhiên. Ông chưa từng trải qua trường lớp viết văn nào. Năm 1955, khi tập kết ra Bắc, hành trang mang theo của ông là những tài liệu, dụng cụ, kiến thức của một nhân viên ngành địa chất. Mãi đến năm 1967, sau Đại hội chiến sĩ thi đua toàn miền Bắc, một hôm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi ông lên và giới thiệu về một người đồng hương Quảng Ngãi đang làm việc tại Nông trường chăn nuôi bò sữa Ba Vì có thể viết truyện được. Vậy là ông bỏ ra 3 tháng ròng rã, bất kể nắng mưa để thâm nhập thực tế, tìm hiểu nhân vật Anh hùng lao động Hồ Giáo. Nghiệt một nỗi, trước đó đã có rất nhiều bài báo, thơ, văn viết về nhân vật ông theo đuổi. Làm cách nào để có thể khắc họa hình tượng anh Hồ Giáo một cách chân thực, sinh động và phù hợp với đối tượng trẻ em? Ý tưởng mượn hình thức thể hiện theo kiểu truyện kể về các loài vật bất chợt đến với ông. Gần một năm sau, câu chuyện Cô bê 20 đã ra đời và nhanh chóng được độc giả nhí yêu thích. Nhiều người lớn cũng thích truyện này. Nhà viết kịch Tào Mạt khi đọc bản thảo đã nói: “tôi rất thích cái chất thơ nhẹ nhàng, cái tình cảm tinh tế của thiên truyện”. Tác phẩm đầu tay trình làng đó đã động viên thôi thúc ông viết nhiều hơn cho thiếu nhi. Các tập truyện Mười ngày làm khách, Chú bé vô hình, Từ không đến có, Chú khỉ cộc đuôi lần được ông cho xuất bản để gửi tới các bạn nhỏ khắp các miền quê Việt. Mới đây nhất, khi ở cái tuổi 81, ông cho in tập truyện dành cho thiếu nhi mang tên Hiệp sĩ vô hình. Câu chuyện xoay quanh một cậu học sinh lớp 12, ham muốn một đời sống tự do. Nhờ sự trợ giúp của một nhà bác học, anh chàng trở thành người vô hình. Cùng với một người bạn vô hình khác, hai chàng trai hợp lại thành một cặp hiệp sĩ vô hình lang thang giang hồ “thay trời hành đạo”. Không phải là câu chuyện của phép màu phù thủy kiểu như Harry Potter, mà là những câu chuyện thực tại được nhìn thấy và ứng biến bởi hai hiệp sĩ vô hình. Có rất nhiều chuyện khiến người đọc “chết cười” và cũng thật sự xúc động khi theo chân hai hiệp sĩ vô hình này.  


Sống bình lặng giữa phố biển, trong căn nhà ông nhiều nhất là những giò phong lan và đủ các loại đá cảnh, trên bàn làm việc những tập bản thảo vẫn được ông đều đặn viết đầy lên. Những trang viết dành cho thiếu nhi vẫn được ông cho “ra lò”, nhưng chúng tôi vẫn nhận thấy một điều gì đó còn khiến ông trăn trở. “Bác vẫn còn nợ bạn đọc nhí cuốn sách viết về đời thường của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng…”, ông tâm sự. Chia tay nhà văn Văn Biển, chúng tôi thầm chúc ông sớm hoàn thành được tâm nguyện của mình.


Giang Đình