Đã đi đến 50 năm cuộc đời nhưng họa sĩ Lê Văn Duy vẫn miên man cùng giấc mơ của con trẻ trong làn sương khói bảng lảng, thực hư của ngôn ngữ hội họa.
Đã đi đến 50 năm cuộc đời nhưng họa sĩ Lê Văn Duy vẫn miên man cùng giấc mơ của con trẻ trong làn sương khói bảng lảng, thực hư của ngôn ngữ hội họa.
1. Tôi không phải là một tín đồ hội họa, cũng không am tường về đường nét, bố cục, màu sắc, chất liệu... trong những bức tranh. Nhưng vì lý do công việc, thỉnh thoảng tôi lại có mặt trong các buổi triển lãm tranh, để rồi thấy thích tranh của họa sĩ Lê Văn Duy. Không thích sao được khi tôi như thấy lại hình bóng của chính mình ở cái tuổi thơ ngây bình yên trong vòng tay cha mẹ, vui thú cùng chú vện, con miu, con trâu, cánh diều, đường làng, mái rạ, đồng lúa... Tôi đặc biệt thích cái vẻ mơ màng, bảng lảng một màn khói sương mỏng tang và cách sử dụng tông màu lạnh trong các tác phẩm của họa sĩ Lê Văn Duy. Nó gợi về những sáng cuối thu, những chiều đầu đông mà không gian, cảnh vật cứ mờ mờ ảo ảo trong làn hơi nước nhẹ bay, trong tiết trời lành lạnh nơi vùng quê nghèo Bắc Trung bộ của tôi.
2. Tôi tìm gặp họa sĩ Lê Văn Duy khi ông vừa trở về sau triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên được tổ chức tại TP. Đà Nẵng. Ở triển lãm này, mỹ thuật Khánh Hòa có 25 tác giả gửi 50 tác phẩm tham dự và chỉ có duy nhất tác phẩm “Giấc mơ” của họa sĩ Lê Văn Duy được Ban tổ chức trao giải tặng thưởng (tương đương với giải khuyến khích). Tuy nhiên, mục đích của tôi khi gặp ông không phải vì giải thưởng trên, mà chỉ là cái cớ để tôi được dịp trò chuyện với người họa sĩ đã sinh ra những tác phẩm mà tôi thích bấy lâu.
Họa sĩ Lê Văn Duy bên tác phẩm “Giấc mơ” tại triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên 2013. |
Trong căn nhà ở số 29 Lý Thánh Tôn (TP. Nha Trang), bên ly trà nóng, họa sĩ Lê Văn Duy gần như trút bầu tâm sự khi kể cho tôi nghe về những vấp ngã của ông trên đường đời cũng như những suy nghĩ về cuộc sống, về con người... và chuyện vẽ tranh của ông. Hơn 20 năm đeo đẳng nghiệp cầm cọ, cũng chừng ấy năm ông dồn hết tình cảm, tâm hồn của mình cho đề tài ký ức tuổi thơ. Hỏi ông sao không thử sức ở mảng đề tài khác để có thể khám phá năng lực bản thân nhiều hơn và tự làm mới mình, ông chỉ cười: “Trời phú cho mỗi người họa sĩ có một lợi thế riêng, với tôi đó là niềm hoài niệm, mơ tưởng về tuổi thơ. Tôi ngụp lặn trong miền ký ức ấy mà vẫn chưa đến được bến bờ”. Câu trả lời ấy khiến tôi nhận ra rằng, có thể với người này luôn cảm thấy tù túng khi nghĩ về vấn đề bản thân theo đuổi chỉ là cái ao làng, nhưng với họa sĩ Lê Văn Duy, tuổi thơ và niềm hoài niệm về nó là cả một đại dương mênh mông để ông thỏa chí sáng tác. Hơn 20 năm trước, ông cũng có những tạo hình về em bé, về con trâu, con ngựa, vầng trăng, cánh diều... nhưng lại chứa đựng những cảm xúc dung dị, mộc mạc, thậm chí là thô ráp. Còn giờ đây, cũng những hình ảnh đó, nhưng qua lăng kính của ông đã cho người xem thấy được chiều sâu tâm hồn, sự lồng ghép những ý nghĩ về nhân sinh. Vì thế mới có người đùa rằng “em bé trong tranh Lê Văn Duy mang ánh mắt của người 50 tuổi”. Vậy, duyên cớ nào khiến ông theo đuổi những bóng hình thời thơ ấu? “Tôi sinh ra và lớn lên ở Nha Trang, nhưng thuở nhỏ vẫn thường được mẹ cho về thăm quê ngoại ở Quảng Ngãi. Chính vì thế, hình ảnh về những đứa bé ở quê cứ để mãi ấn tượng trong tôi” - ông kể. Tự nhận mình là người ích kỷ trong nghệ thuật, họa sĩ Lê Văn Duy vẽ trước hết là để cho mình, để thể hiện cảm xúc của mình, từ đó ông mới đi tìm những tâm hồn đồng điệu để cùng chia sẻ.
3. Đến galery của họa sĩ Lê Văn Duy vừa mở được 2 tháng tại số 1B đường Trần Quang Khải, Nha Trang, tôi tình cờ chứng kiến một câu chuyện khá thú vị. Một vị khách người Đức vào xem tranh của ông và hỏi rằng: Tranh của ông vẽ tôi thấy rất quen, ông có phải là tác giả của bức tranh được treo ở một nhà hàng rất sang trọng tại Berlin? Trước sự băn khoăn của họa sĩ Lê Văn Duy, người khách này đã mở từ điện thoại của mình bức tranh ông đã chụp lại, và quả thật đó là bức tranh đã được họa sĩ Lê Văn Duy vẽ cách đây gần 10 năm. Người khách này sau khi xin chụp hình lưu niệm đã đề nghị họa sĩ vẽ lại cho ông bức tranh đó với giá tiền khá cao, nhưng câu trả lời của họa sĩ Lê Văn Duy là: “Tôi rất tiếc, nhưng tôi phải tôn trọng chủ nhân của bức tranh đó”.
Họa sĩ Lê Văn Duy tự nhận mình là người may mắn khi ngày đầu khởi nghiệp, tranh của ông đã bán được cho khách nước ngoài; tác phẩm đầu tiên của ông gửi tham dự một cuộc thi vào năm 1995 cũng nhận được giải cao. Là một trong số ít họa sĩ ở phố biển có thể sống được bằng những tác phẩm của mình, đến thời điểm này, họa sĩ Lê Văn Duy ước tính số tranh của mình đã bán được khoảng 1.000 bức, chủ yếu bán cho khách nước ngoài. Sở dĩ người nước ngoài thích tranh của ông bởi họ tìm thấy trong những tác phẩm đó nét văn hóa, tính cách của người Việt Nam. Với bản thân ông, khi cho ra đời một đứa con tinh thần, ông vẫn mong muốn được gửi gắm nó vào tay những người biết yêu quý, trân trọng cái đẹp và có sự đồng cảm với tâm hồn, cảm xúc của mình. Chính vì thế, việc ông mở galery trong bối cảnh khó khăn chung này cũng nhằm mục đích có thể giao lưu được nhiều hơn với những người yêu mến tranh của mình, yêu mến những giấc mơ đẹp, những câu chuyện cổ tích trong ký ức tuổi thơ của ông.
NHÂN TÂM