Chùa Thiền Sơn (còn có tên gọi chùa Lỗ Mây, rộng 10.000m2) được xây dựng từ năm 1924, tọa lạc tại xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), là di tích lịch sử cách mạng.
Chùa Thiền Sơn (còn có tên gọi chùa Lỗ Mây, rộng 10.000m2) được xây dựng từ năm 1924, tọa lạc tại xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), là di tích lịch sử cách mạng. Ở phía Tây chùa có hòn núi một, phía Đông chân núi như có dấu chân người in sâu xuống tảng đá, các ngón chân hướng phía Tây Nam, sâu hơn 2m, dài hơn 3m, ngang gần 2m, bốn mùa ngưng tụ đầy nước ngọt trong veo, người địa phương gọi là dấu chân ông khổng lồ.
Toàn cảnh chùa Thiền Sơn |
Đại tá Trần Văn Thà (gia đình ông từng được chùa cho nương nhờ lúc cơ hàn, cũng từ đây, ông được giác ngộ và tham gia cách mạng thời tiền khởi nghĩa) kể lại: Chùa có chính điện, nhà Ni. Đến năm 1944, chùa xây thêm nhà Tăng phía bên phải. Xung quanh chùa là vườn cây ăn quả. Ngày 17-8-1945, khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra, các phật tử chùa Thiền Sơn hòa vào dòng người cầm cờ đỏ sao vàng, tiến vào phủ đường bắt tên Tri phủ Ninh Hòa giao nộp ấn tín, góp phần vào cuộc khởi nghĩa thắng lợi của nhân dân địa phương. Từ năm 1938 đến 1943, dù trải qua đời trụ trì nào, chùa cũng là nơi tiếp tế cho cán bộ cách mạng, bộ đội Việt Minh thuốc men và các nhu yếu phẩm, cất giấu súng đạn...; đồng thời là nơi nuôi giấu nhiều thế hệ cán bộ cách mạng như: Đồng chí Mai Dương - cố Chủ tịch UBND tỉnh; nhà thơ Giang Nam - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh... Chùa luôn được xem là nơi tin cậy và trở thành “Trạm giao liên” cho tuyến đường liên lạc dọc Bắc Nam, phục vụ suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp. Lịch sử của chùa luôn gắn liền với lịch sử hoạt động cách mạng của Đảng bộ và chính quyền tỉnh. Đến năm 2001, chùa Thiền Sơn được công nhận là di tích lịch sử cách mạng.
Chính điện chùa Thiền Sơn. |
Tuy nhiên, theo Đại đức Thích Nhuận Phương, trụ trì chùa Thiền Sơn, hiện nay cơ sở vật chất của chùa đang xuống cấp, tường mục, mái ngói sắp sập, trời mưa là dột khắp chùa. Vừa qua, gia đình Đại tá Trần Văn Thà đã thuê kiến trúc sư thiết kế bản vẽ, xin giấy phép xây dựng tuy nhiên nhà chùa không đủ kinh phí để xây dựng, tôn tạo (dự kiến chi phí hơn 1 tỷ đồng). Vì vậy, chùa rất cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như các mạnh thường quân nhằm tôn tạo, góp phần giữ gìn di tích lịch sử cách mạng này.
Bia khẳng định di tích lịch sử cách mạng chùa Thiền Sơn |
TRẦN CÔNG THI