11:08, 16/08/2013

Đắm say trong tiếng tơ lòng

Tối 15-8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Khánh Hòa (46 Trần Phú, TP. Nha Trang), hàng nghìn khán giả phố biển đã cùng hòa mình vào không gian ngọt ngào, mùi mẫn của những câu ca cổ. 12 thí sinh (TS) tham dự vòng chung kết khu vực miền Trung cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2013 đã “rút tơ, nhả kén”, đắm say trong từng lời ca, điệu nhạc.

Tối 15-8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Khánh Hòa (46 Trần Phú, TP. Nha Trang), hàng nghìn khán giả phố biển đã cùng hòa mình vào không gian ngọt ngào, mùi mẫn của những câu ca cổ. 12 thí sinh (TS) tham dự vòng chung kết khu vực miền Trung cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2013 đã “rút tơ, nhả kén”, đắm say trong từng lời ca, điệu nhạc.


Ấn tượng đêm thi diễn


Đã lâu lắm rồi, khán giả phố biển mới có dịp thưởng thức, sống lại niềm yêu thích, say mê những câu hát hò - xự - xàng - xê - cống - phạn. Khán phòng Trung tâm Hội nghị tỉnh chật kín người đến nghe hát. “Thời trẻ, mỗi lần nghe ở đâu có đoàn cải lương đến diễn, tôi đều cố gắng thu xếp đi xem. Bây giờ phong trào xem cải lương không sôi nổi như trước, nhưng tôi vẫn thường xuyên mở ti vi để xem. Hôm nay, được trực tiếp xem các TS dự thi Chuông vàng vọng cổ, tôi rất thích”, bà Nguyễn Thị Hải (65 tuổi, ở đường  Hồng Bàng, TP. Nha Trang) cho biết.


Các TS đến với cuộc thi đều xuất phát từ niềm đam mê đối với bộ môn cải lương. Trong số 12 TS dự thi, phần lớn đều không qua trường lớp đào tạo, mà chủ yếu tự học hoặc xuất thân từ những gia đình có truyền thống ca cổ. Một điểm khá thú vị của cuộc thi, đó là có nhiều TS đến từ các tỉnh miền Tây Nam bộ đăng ký dự thi ở khu vực miền Trung (7/12 TS). Việc có nhiều TS đến từ cái nôi của đờn ca tài tử, cải lương cũng là một yếu tố làm cho chất lượng đêm thi được nâng cao. Với sự yêu mến nhiệt tình của khán giả, các TS đã nỗ lực để mang đến cho người nghe những câu ca mượt mà, da diết và mùi mẫn nhất. Khán giả phố biển cũng tỏ rõ mình là những người sành cải lương khi dành những tràng pháo tay tán thưởng sau mỗi đoạn ca ngọt, lời ca hay của các TS.


Mỗi người một vẻ, một chất giọng khác nhau, các TS đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng khán giả như nhận xét của đạo diễn Trần Hiền Phương - thành viên Ban giám khảo: “Các TS lọt vào vòng thi này là minh chứng sinh động cho tình yêu, niềm đam mê ca cải lương. Tuy nhiên, mỗi cuộc thi đều có tiêu chí riêng nên những TS không lọt vào vòng sau cần phải nỗ lực hơn nữa để trở thành những hạt nhân của sân khấu cải lương”. Không ngoài dự đoán của nhiều người, các TS đến từ miền Tây Nam bộ đã giành được số điểm cao trong đêm thi. Với giọng ca dày trầm ấm, âm vực rộng, phát âm chuẩn, TS Tô Tấn Loan (tỉnh Bến Tre) qua hai câu vọng cổ trong bài Tình sử Trương Chi đã chinh phục được khán giả cũng như Ban giám khảo cuộc thi khi giành số điểm cao nhất (18,97) và giành luôn giải TS được khán giả yêu thích. Hai TS Nguyễn Thúy Hằng (tỉnh An Giang), Nguyễn Thị Linh Phượng (tỉnh Bến Tre) cũng nỗ lực để vượt lên các TS khác khi lần lượt giành số điểm 18,96 và 18,95. Đây là 3 TS được lọt vào vòng chung kết xếp hạng dự kiến diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 9 tới.

 

1
Các thí sinh lọt vào vòng chung kết xếp hạng


Chắp cánh niềm đam mê ca cổ

 

Ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2013 khu vực miền Trung diễn ra ở Nha Trang là dịp để những người đam mê ca cải lương được thưởng thức, giao lưu, học hỏi những điều hay. Người dân Khánh Hòa rất yêu thích bộ môn cải lương và đã thành lập được câu lạc bộ đờn ca tài tử. Thời gian đến, tỉnh sẽ có kế hoạch để đầu tư cho câu lạc bộ này phát triển, phục vụ du khách.

Cuộc thi Chuông vàng vọng cổ do Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV) tổ chức đã bước qua năm thứ 8. Mục đích cuộc thi nhằm tạo dựng một sân chơi dành cho những người có năng khiếu, tình yêu và niềm đam mê bộ môn cải lương. Trong mỗi vòng thi, các TS sẽ thể hiện hai câu vọng cổ để phô diễn chất giọng cũng như diễn xuất của mình. Qua đó, Ban tổ chức sẽ tìm kiếm những giọng ca tài năng cho nền nghệ thuật cải lương. Năm nay, cuộc thi được mở rộng ra 4 khu vực gồm: miền Bắc, miền Trung, miền Tây Nam bộ và miền Đông Nam bộ - TP. Hồ Chí Minh để tuyển chọn tài năng. “Đến với sân chơi này, tôi chỉ mong muốn được thỏa mãn niềm đam mê cải lương của mình. Chính vì thế, tôi không quá đặt nặng thành tích mà chỉ chú tâm trau chuốt lời ca, tiếng hát để gửi tới khán giả những câu ca hay nhất”, TS Bùi Thị Xuân Viên chia sẻ. Cùng chung suy nghĩ ấy, TS Tô Tấn Loan cho rằng: “Được lọt vào vòng thi tiếp theo là điều hoàn toàn bất ngờ đối với tôi. Không phải là con nhà nòi, nên điều kiện để đi hát cải lương của tôi còn hạn chế. Tôi sẽ cố gắng tập luyện nhiều hơn để có thể thể hiện tốt hơn ở vòng thi sau”.


Ông Cao Anh Minh - Phó Tổng Giám đốc HTV, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: “Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, những năm qua, HTV đã thực hiện nhiều cuộc thi về các loại hình nghệ thuật truyền thống và Chuông vàng vọng cổ là một trong những chương trình “đinh” của chúng tôi. Hiện nay, nhiều người cho rằng nghệ thuật truyền thống, trong đó có cải lương đang thoái trào, nhưng thực tế 8 năm qua đã cho thấy một con số rất khả quan, đó là lượng khán giả theo dõi chương trình này nhiều hơn các chương trình giải trí thuần túy”. Qua 8 năm, từ sân chơi này đã ươm mầm nhiều tài năng sân khấu cải lương như các nghệ sĩ: Võ Minh Lâm (Nhà hát Trần Hữu Trang), Ngọc Đợi (Đoàn cải lương Cao Văn Lầu - Bạc Liêu), Hồ Ngọc Trinh (Đoàn cải lương Long An) và cả những người không chuyên như: Lê Văn Gàn, Võ Thành Phê, Nguyễn Văn Mẹo...


Quả không khó để nhận thấy sức hút của sân chơi Chuông vàng vọng cổ đối với giới yêu cải lương trong cả nước, bởi lẩn khuất phía sau sự ồn ào của cuộc sống hiện đại vẫn có những con người đam mê loại hình nghệ thuật này và vẫn có những khán giả trung thành với sân khấu cải lương.


GIANG ĐÌNH