Bằng ngôn ngữ tạo hình cô đọng, biểu cảm, Đài Tưởng niệm liệt sĩ tại cầu Thành (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) là nơi tưởng nhớ đến sự hy sinh anh dũng của các bà mẹ, chiến sĩ trong kháng chiến, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của địa phương.
Bằng ngôn ngữ tạo hình cô đọng, biểu cảm, Đài Tưởng niệm liệt sĩ tại cầu Thành (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) là nơi tưởng nhớ đến sự hy sinh anh dũng của các bà mẹ, chiến sĩ trong kháng chiến, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của địa phương.
Vẻ đẹp bi tráng
Nằm ở phía Nam cầu Thành, có hướng nhìn ra sông Cái, Đài Tưởng niệm là một công trình nghệ thuật với hai hình tượng nhân vật chính là người mẹ đang bế người chiến sĩ. Họa sĩ Nguyễn Hữu Bài (tác giả thiết kế) đã khai thác bố cục tam giác (theo phong cách cổ điển trong điêu khắc) để gợi cho người xem cảm nhận về kết cấu vững chãi, chặt chẽ giữa các nhân vật. Phần tượng tạo được thế tương phản giữa dáng đứng hiên ngang, hào khí của người mẹ với đường nằm ngang võng xuống của người chiến sĩ, những đường chéo đi xuống của đôi chân, cánh tay thả lỏng, buông xuống thể hiện sự mất mát, đau thương nhưng bi tráng. Tượng còn được gắn liền với lưỡi lê tạo thành một khối chặt chẽ, vững chắc, biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết và sự phát triển của dân tộc. Họa sĩ Nguyễn Hữu Bài cho biết: “Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, kẻ thù đã đào hố chôn những chiến sĩ cộng sản tại nơi đây. Tối đến, các bà mẹ lại thắp đèn dầu đến tìm xác con đem về chôn cất. Vì vậy, tôi đã khắc họa hình tượng chính của tượng đài là người mẹ bế con từ dưới hố bước lên với dáng hiên ngang, hướng về phía trước. Trong nỗi đau tột cùng, người mẹ ấy vẫn trung kiên giữ vững khí tiết của người cộng sản. Chân dung người mẹ chính là linh hồn của tác phẩm, vừa tố cáo tội ác của kẻ thù vừa là lời kêu gọi sự đoàn kết, đấu tranh vì độc lập tự do của Tổ quốc”.
Đài Tưởng niệm liệt sĩ tại cầu Thành đang được hoàn thiện. |
Với tính biểu cảm và sự cô đọng, tượng đài không chỉ khiến người xem xúc động trước sự mất mát, đau thương mà còn nhắc nhở các thế hệ trẻ phải noi gương các thế hệ đi trước. “Mỗi lần đi qua cầu Thành, nhìn tượng đài sừng sững, hiên ngang giữa trời xanh, những người lính như chúng tôi lại nhớ đến quãng thời gian chiến đấu gian khổ. Chúng tôi luôn nhắc nhở con cháu phải tưởng nhớ, biết ơn và sống xứng đáng với những mất mát, hy sinh của các thế hệ ông cha, ông Võ Văn Năm (một cựu chiến binh ở thị trấn Diên Khánh) chia sẻ.
Xây dựng thành công viên văn hóa - lịch sử
Được triển khai từ tháng 8-2012, công trình Đài Tưởng niệm liệt sĩ tại cầu Thành có tổng vốn đầu tư 16 tỷ đồng trong khuôn viên rộng hơn 6.000m2. Hạng mục chính của công trình là đế tượng đài có diện tích gần 200m2, cao 8,5m; tượng đài là hình tượng người mẹ (cao 5,5m) và người chiến sĩ (dài 4,7m). Ngoài ra, công trình còn có bức tường phù điêu uốn lượn rộng 15m2 thể hiện lịch sử Đảng bộ huyện Diên Khánh. Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh cho biết, năm 1992, ở phía Bắc cầu Thành cũng có Đài Tưởng niệm liệt sĩ được xây dựng với quy mô nhỏ bằng bê tông, gạch đá. Vì vậy, UBND huyện Diên Khánh đã chủ trương xây dựng lại Đài Tưởng niệm với quy mô lớn hơn nhưng vẫn giữ nguyên hình tượng người mẹ và người chiến sĩ. Ông Thiệu cho biết thêm: “Đài Tưởng niệm liệt sĩ tại cầu Thành không chỉ là nơi tưởng nhớ công ơn của các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các liệt sĩ mà sẽ được xây dựng trở thành công viên văn hóa - lịch sử. Đây sẽ là nơi tổ chức các hoạt động chính trị, văn hóa lớn của địa phương và là địa điểm tham quan, vui chơi của du khách và người dân”.
Trong ý tưởng thiết kế của họa sĩ Nguyễn Hữu Bài, khuôn viên của công viên văn hóa - lịch sử này sẽ có thêm nhiều tượng đá nhỏ. Ông cho biết “Những tượng đá nhỏ thể hiện những cảnh sinh hoạt bình yên của cuộc sống như: Trẻ thơ cắp sách đến trường, người dân lao động, đôi nam nữ hạnh phúc bên nhau... Điều đó cho thấy, tượng đài liệt sĩ không phải bao giờ cũng chỉ có đau thương, mất mát mà đó là điều làm cho cuộc sống phát triển, tương lai tốt đẹp hơn”. Với kế hoạch xây dựng Đài Tưởng niệm liệt sĩ tại cầu Thành trở thành công viên văn hóa - lịch sử, công trình này còn nhiều hạng mục vẫn đang được triển khai như: Xây dựng sân, trồng cây xanh... Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014.
MAI HOÀNG