04:08, 28/08/2013

Chung tay góp sức vì văn hóa cộng đồng

Tại Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn tỉnh Khánh Hòa lần thứ 2 diễn ra ngày 27-8, chúng tôi đã gặp những cá nhân điển hình trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Họ là những người biết chung tay, góp sức làm đẹp cho cuộc sống cộng đồng nơi mình cư trú.

Tại Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn tỉnh Khánh Hòa lần thứ 2 diễn ra ngày 27-8, chúng tôi đã gặp những cá nhân điển hình trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Họ là những người biết chung tay, góp sức làm đẹp cho cuộc sống cộng đồng nơi mình cư trú.


Trong buổi gặp mặt 82 gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn tỉnh, hội trường của Khách sạn Viễn Đông (Nha Trang) trở nên sôi nổi hơn khi người dẫn chương trình giới thiệu phần giao lưu với đại diện một số gia đình. Lên sân khấu để nói về những việc mình đã làm dường như là điều khó khăn với các nhân vật nên trông ai cũng có vẻ ngượng nghịu, lo lắng. Tuy nhiên, qua câu chuyện của họ, mọi người mới thấy được những việc làm đầy ý nghĩa, có giá trị đối với cộng đồng, trong khi bản thân họ lại cho đó là nghĩa vụ, bổn phận của công dân. Bà Nguyễn Thị Nghiệp (số 10 Lý Nam Đế, TP. Nha Trang) năm nay đã 65 tuổi, kể cho mọi người nghe câu chuyện gia đình bà hiến 100m2 đất trị giá cả tỷ đồng để thành phố thực hiện dự án mở rộng đường Lý Nam Đế. “Từ nhiều năm qua, đường Lý Nam Đế luôn ở trong tình trạng xuống cấp, rất khó đi lại, trời mưa lầy lội, trời nắng thì bụi. Vì thế, khi biết có dự án làm mới con đường này, tôi và nhiều hộ dân ở đây rất vui. Tuy nhiên, theo quy hoạch, nếu làm con đường này thì phải mở rộng nên vướng ở khâu giải phóng mặt bằng, vì rất nhiều gia đình bị mất đất” - bà nói. Để giải quyết vướng mắc đó, bà Nghiệp đã vận động các thành viên trong gia đình thấy được lợi ích của việc làm đường. Vì thế, tuy mất đến 100m2 đất, nhưng cả gia đình vẫn đồng thuận hiến đất cho thành phố. Không những thế, bà còn đến nhiều hộ gia đình khác động viên họ cùng hiến đất để dự án làm đường sớm được triển khai. Để tăng sức thuyết phục, bà đã đi đầu trong việc thuê thợ về phá dỡ tường rào nhà mình và xây lại theo đúng chỉ giới mới của con đường. Từ những lời nói và việc làm cụ thể của bà Nghiệp, các hộ dân trong cùng dãy phố đã đồng tình noi theo. “Giờ đây, khi con đường Lý Nam Đế được làm xong khang trang, sạch đẹp, bản thân tôi rất hài lòng. Mỗi tối bách bộ trên con đường đó tôi càng cảm thấy phấn chấn bởi mình đã góp phần làm được một việc có ích”, bà Nghiệp tâm sự.

 

1
Bà Nguyễn Thị Nghiệp đang kể câu chuyện hiến đất làm đường của gia đình mình.

 


Ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá: Các gia đình văn hóa đã thực hiện tốt hương ước, quy ước cộng đồng, công tác hòa giải, vận động các gia đình, họ tộc tham gia vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, phát huy dân chủ cơ sở. Việc vận động xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa, quỹ khuyến học khuyến tài, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Đến từ thôn Suối Me (xã Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn), ông Bùi Khánh Thảo kể cho mọi người nghe về chuyện làm ăn, vươn lên thoát nghèo của gia đình ông. Khi đã có điều kiện kinh tế bền vững, gia đình ông không quên hỗ trợ những gia đình khó khăn khác trong thôn về giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật canh tác. “Gia đình tôi luôn tâm niệm, muốn vận động được người khác, trước tiên mình phải tiên phong, gương mẫu để bà con nể phục noi theo”, ông Thảo cho biết. Từ sự giúp đỡ tận tình của gia đình ông, đến nay đã có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Suối Me tích cực lao động sản xuất, thoát nghèo bền vững.


Cũng có chung tấm lòng mình vì mọi người như ông Thảo, gia đình ông Cao Hữu Lý (thôn Suối Môn, xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh) nhiều năm liền được công nhận gia đình văn hóa. Bên cạnh xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, gương mẫu về mọi mặt, bản thân ông Lý với vai trò Bí thư chi bộ thôn đã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân trong thôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. “Địa phương chúng tôi có tỉ lệ người theo đạo Công giáo cao nên việc tuyên truyền, vận động phải hết sức khéo léo để giáo dân thực hiện phương châm “sống tốt đời đẹp đạo”. Muốn làm được vậy, gia đình tôi phải gương mẫu thực hiện thì bà con mới tin theo”.


Ba gia đình tiêu biểu nói trên có thể chưa khái quát được hết những đóng góp của hàng chục, hàng trăm gia đình văn hóa tiêu biểu khác. Mỗi gia đình một câu chuyện, một việc làm cụ thể, ý nghĩa, thiết thực, nhưng họ đều có chung một tấm lòng biết sống vì người khác, với mong muốn đóng góp một phần công sức của mình làm cho cuộc sống ngày càng đẹp hơn.


G.Đ