Được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhưng lâu nay, công tác bảo tồn văn hóa Raglai trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) vẫn mang tính chất manh mún, tự phát, thiếu kinh phí thường xuyên để thực hiện.
Được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhưng lâu nay, công tác bảo tồn văn hóa (BTVH) Raglai trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) vẫn mang tính chất manh mún, tự phát, thiếu kinh phí thường xuyên để thực hiện.
Kinh phí nhỏ lẻ
15 năm trở lại đây, Khánh Sơn đã hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận lễ bỏ mả của người Raglai là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; có 4 nghệ nhân người Raglai được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian; tổ chức 6 lớp dạy đánh mã la cho 69 học viên; mở 1ớp dạy sử thi Raglai cho 25 học viên; dạy chữ viết và tiếng nói cho hàng trăm lượt cán bộ, công chức; mua và cấp 8 bộ mã la cho 8 xã, thị trấn trong huyện; xây dựng 4 nhà dài truyền thống; phục dựng được một số lễ hội của người Raglai... Nhìn vào đầu mục những việc đã làm được trong 15 năm qua có thể thấy kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn.
Đi sâu tìm hiểu, được biết những kết quả trên đều được huyện, trực tiếp là Phòng Văn hóa - Thông tin khéo léo vận dụng các nguồn kinh phí khác nhau để thực hiện. Còn kinh phí thường xuyên của tỉnh, huyện cấp cho hoạt động BTVH Raglai đến nay chưa có. Chẳng hạn, việc mở các lớp truyền dạy sử thi, mã la, xây dựng nhà dài đều được vận dụng từ nguồn vốn hỗ trợ cho các địa phương cận Tây Nguyên; một số lễ hội được tổ chức mang tính chất phục dựng là để phục vụ cho những đề tài, đề án khoa học. Bằng nỗ lực của các cá nhân, đến nay có một số tập sử thi, truyện cổ, luật tục của đồng bào Raglai đã được biên soạn thành sách và phát hành, nhưng việc phổ biến còn rất hạn chế. Hiện mỗi xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có ít nhất một đội mã la, nhưng hoạt động của các đội này không thường xuyên, chỉ khi nào có hội thi, hội diễn, hay chương trình văn nghệ cấp huyện, cấp tỉnh mới được huy động để tham gia. “Đội mã la của chúng tôi có 9 thành viên, nhưng thường ngày ít sinh hoạt. Chỉ khi nào huyện, xã bảo đi diễn ở đâu thì mới đi”, ông Cao Văn Tấn, thôn Tha Mang (xã Ba Cụm Bắc) cho biết. Theo ông Phạm Văn Hợp - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện, từ trước tới nay hoạt động BTVH Raglai trên địa bàn huyện chưa được cấp kinh phí thường xuyên để hoạt động, chủ yếu nhờ các nguồn kinh phí nhỏ lẻ từ các chương trình liên quan của Trung ương, của tỉnh.
Thỉnh thoảng, ông Cao Văn Tấn lại mang mã la ra đánh cho con cháu nghe |
Cần kinh phí thường xuyên
BTVH Raglai được xác định là một nhiệm vụ quan trọng của huyện Khánh Sơn. Về phía tỉnh, từ tháng 9-2012, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thực tế lâu nay, việc dự toán kinh phí hàng năm của huyện Khánh Sơn vẫn chưa có dòng nào ghi sẽ cấp kinh phí cụ thể cho hoạt động BTVH Raglai. Điều này khiến cho hiệu quả việc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai trên địa bàn huyện không đạt như mong đợi, thậm chí nếu không tiếp tục duy trì thì những kết quả ít ỏi đạt được sẽ rơi vào quên lãng. “Để công tác BTVH Raglai thực sự đạt hiệu quả, hàng năm cần từ 300 đến 500 triệu đồng. Nếu kiên trì duy trì nguồn kinh phí đó trong 5 năm, chắc chắn hoạt động này sẽ đạt được những bước tiến vượt bậc mang tính bền vững”, ông Phạm Văn Hợp khẳng định.
Vì thiếu kinh phí thường xuyên nên trong năm 2012, huyện Khánh Sơn không tổ chức được hoạt động nào cụ thể để BTVH Raglai. 6 tháng đầu năm 2013, huyện chỉ làm được duy nhất một việc là phát phiếu khảo sát, thống kê, điều tra văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. “Trong kế hoạch, chúng tôi dự kiến sẽ thành lập câu lạc bộ mã la để thúc đẩy vốn văn hóa này phát triển mạnh hơn, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được vì thiếu kinh phí”, ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện chia sẻ. Cùng tâm sự đó, Nghệ nhân dân gian Mấu Quốc Tiến cho biết: “Vốn văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai rất phong phú, đa dạng từ chế tác nhạc cụ, kiến trúc nhà dài, công cụ lao động, trò chơi dân gian, dân ca dân vũ, lễ hội, trang sức, sử thi... nhưng tất cả đều không được bảo tồn bền vững nên đều rơi vào tình trạng mai một”.
Có bột mới gột nên hồ, công tác BTVH Raglai ở huyện Khánh Sơn cần phải có kinh phí thường xuyên, ổn định mới mong đạt được hiệu quả.
NHÂN TÂM