11:08, 26/08/2013

Bảo tàng ảo tương tác 3D: Nhiều ưu thế

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vừa khai trương Bảo tàng ảo tương tác 3D bằng 2 trưng bày chuyên đề: “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam”. Đây là bảo tàng ảo đầu tiên tại Việt Nam và được coi là giải pháp công nghệ tối ưu cho việc tuyên truyền những giá trị mà bảo tàng đang nắm giữ đến công chúng một cách nhanh nhất.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (LSQG) vừa khai trương Bảo tàng ảo tương tác 3D bằng 2 trưng bày chuyên đề: “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam”. Đây là bảo tàng ảo đầu tiên tại Việt Nam và được coi là giải pháp công nghệ tối ưu cho việc tuyên truyền những giá trị mà bảo tàng đang nắm giữ đến công chúng một cách nhanh nhất.


Không đến bảo tàng vẫn xem được hiện vật


Bảo tàng LSQG - một trong những bảo tàng có số lượng, loại hình hiện vật phong phú, đa dạng, hiện đang lưu giữ gần 200.000 hiện vật từ thời tiền sử đến ngày nay. Trong số đó có không ít bộ sưu tập quý giá thuộc loại hình đồ đá, đồ đồng, đồ gốm… Bằng dự án Bảo tàng ảo tương tác 3D, bước đầu Bảo tàng LSQG đã xây dựng dữ liệu 3D cho các trưng bày chuyên đề với mong muốn lưu giữ và phục vụ công chúng trong trường hợp chưa có điều kiện đến tham quan phần trưng bày thật. Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Bảo tàng LSQG cho biết: “Mỗi đợt trưng bày chuyên đề của chúng tôi chỉ kéo dài vài tháng. Vì thế, phòng trưng bày ảo sẽ giúp khách có thể tham quan trưng bày chuyên đề khi nó không còn nữa”.

 

 Gian trưng bày hiện vật Phật giáo trên Bảo tàng 3D.
Gian trưng bày hiện vật Phật giáo trên Bảo tàng 3D.


Trưng bày “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” (tại địa chỉ disanvanhoaphatgiao.egal.vn) và “Đèn cổ Việt Nam” (tại địa chỉ denco.egal.vn) là 2 chuyên đề đầu tiên được “số hóa” trên công nghệ 3D. Vào bảo tàng ảo này, ngoài được thưởng ngoạn gần 150 hiện vật đang được giới thiệu tại 2 khu vực trưng bày, công chúng còn được bổ sung những thông tin cô đọng, súc tích về nguồn gốc, xuất xứ, niên đại… của từng hiện vật. Bên cạnh đó là những bài nghiên cứu, video clip… minh họa sinh động cho phần trưng bày 3D mà ở phần trưng bày thực tại chưa “nói” hết được. Đáng nói là những công nghệ xử lý hiện đại nhất cho phép người xem có thể xem kỹ từng chi tiết của cổ vật, cảm nhận từng vết rạn, thậm chí cả những chi tiết tinh tế mà nếu xem hiện vật tại bảo tàng với tâm thế một khách tham quan đơn thuần sẽ không dễ trải nghiệm được. Bảo tàng ảo 3D còn cung cấp những tính năng cho phép người sử dụng chia sẻ qua các kênh mạng xã hội như Facebook, Twitter nhằm kết nối những người yêu loại hình bảo tàng này trên toàn cầu.


Công nghệ tiên tiến


Phương pháp ứng dụng công nghệ tương tác 3D xây dựng bảo tàng ảo trên thế giới có từ năm 2008 và đã được ứng dụng ở nhiều bảo tàng quốc gia lớn như: Bảo tàng Louvre (Pháp), Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Quốc gia Smithsonian (Mỹ), Bảo tàng Vatican (Italia)… Công nghệ này cho phép bất cứ điều gì có thể nhìn thấy trong không gian thực đều có thể được mô hình hóa trong không gian ảo. Khách tham quan được tự do khám phá bảo tàng, tự do lựa chọn đối tượng, chủ đề… như người nắm giữ bảo tàng thực sự. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà - Phó Giám đốc Bảo tàng LSQG: “Bảo tàng ảo chỉ lựa chọn giới thiệu một phần giá trị nào đó và không thể thay thế bảo tàng thực. Tuy nhiên, chính bảo tàng 3D sẽ hỗ trợ tích cực cho bảo tàng thực vì các thông tin trên bảo tàng 3D gợi trí tò mò cho người xem, khiến họ muốn đến bảo tàng thực để xem”.


 Để triển khai thành công Bảo tàng ảo tương tác 3D cho 2 chuyên đề đầu tiên này, các nhà làm chuyên môn đã mất hơn 1 năm chuẩn bị với sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, đặc biệt là sự phối hợp của các chuyên gia công nghệ. Ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Công ty Giải pháp phần mềm chuyên nghiệp Việt, đơn vị thực hiện dự án này, cho biết: “Việc xây dựng Bảo tàng ảo tương tác 3D cho Bảo tàng LSQG đã kế thừa phương pháp nghiên cứu, tính năng công nghệ mà các bảo tàng trên thế giới đã triển khai. Đồng thời, ứng dụng các công nghệ mới nhất hiện nay cho phép chúng ta xây dựng các tính năng hiện đại hơn và mang đậm bản sắc riêng”. Vậy nhưng, như chia sẻ của Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà, chi phí thực hiện bảo tàng ảo này chỉ bằng 1/10 so với thực hiện ở các nước như Mỹ, Pháp.


MINH PHÚC (KTĐT)