Đối với người dân Raglai, mã la là loại nhạc cụ không thể thiếu trong các dịp lễ hội truyền thống. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, loại nhạc cụ này đang bị mất dần trong các gia đình người Raglai ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa).
Đối với người dân Raglai, mã la là loại nhạc cụ không thể thiếu trong các dịp lễ hội truyền thống. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, loại nhạc cụ này đang bị mất dần trong các gia đình người Raglai ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa).
Số gia đình lưu giữ mã la giảm dần
Bây giờ, đến nhà ông Bo Bo Nhá (thị trấn Tô Hạp), người ngoài rất khó nhận ra đây là ngôi nhà của một người dân tộc Raglai từng sở hữu bộ mã la 11 chiếc vốn là niềm tự hào của dòng họ, bởi đã hiện diện những nội thất hiện đại trong gia đình với ti vi, dàn loa, bộ bàn ghế mới... Khi được hỏi về bộ mã la, con cháu trong nhà tỏ vẻ ngậm ngùi. Được biết, năm 2011, sau khi ông Bo Bo Nhá mất, do điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình đã bán bộ mã la để lấy tiền chữa bệnh cho người thân. Anh Bo Bo Hùng - con rể ông Bo Bo Nhá chia sẻ: “Khi bán bộ mã la, chúng tôi biết là có tội lớn với núi rừng, với tổ tiên, nhưng do đau bệnh, gia đình chúng tôi không biết lấy tiền đâu để chạy chữa nên đành phải bán”.
Không chỉ gia đình ông Bo Bo Nhá, mà rất nhiều gia đình người Raglai tại huyện Khánh Sơn đã mang những bộ mã la đi bán hoặc cầm cố. Ông Mấu Quốc Tiến - cán bộ Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện, người làm công việc sưu tầm, biên soạn các loại hình văn hóa dân gian của đồng bào Raglai cho biết, trước đây, hơn 90% gia đình người Raglai ở Khánh Sơn có mã la trong nhà. Tuy nhiên, hiện nay, số gia đình còn lưu giữ nhạc cụ truyền thống này chỉ còn khoảng 60% và đang ngày càng giảm dần. Không chỉ vậy, nhiều gia đình lưu giữ nhạc cụ mã la cũng không còn trọn bộ như trước. “Thông thường, để sử dụng mã la như một loại nhạc cụ cần có đủ bộ với 5 hoặc 7, 9, 11 cái. Nhưng hiện nay, nhiều gia đình chỉ còn giữ được 1, 2 hay 3 cái”, ông Tiến bày tỏ.
Mã la là nhạc cụ không thể thiếu trong nhưng dịp lễ hội truyền thống của người Raglai. |
Cần được bảo tồn
Trước tình hình mã la đang bị mất dần trong các gia đình người Raglai, ngành Văn hóa huyện Khánh Sơn đã có nhiều hoạt động để bảo tồn nhạc cụ truyền thống này. Phòng Văn hóa Thông tin (VH-TT) đã tham mưu cho lãnh đạo huyện Khánh Sơn mua 8 bộ mã la cấp cho các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Những bộ mã la này được sử dụng trong những dịp lễ hội của thôn, xã. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn văn hóa Raglai nói chung và nhạc cụ mã la nói riêng cũng đang được các cấp, ngành quan tâm. Ông Phạm Văn Hợp - Trưởng phòng VH-TT huyện Khánh Sơn cho biết: “Thời gian qua, ngành Văn hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn văn hóa Raglai, trong đó có nhạc cụ mã la. Để lưu giữ được số lượng mã la trong các gia đình, cần phải dạy cho thanh niên Raglai biết chơi và hiểu về giá trị của loại nhạc cụ này. Bởi chính đối tượng này sẽ là người kế cận để bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc mình”. Với sự định hướng đó, năm 2010, Phòng VH-TT huyện đã phối hợp với các đoàn thể cấp xã tổ chức 3 lớp dạy về sử thi Raglai; năm 2012 tổ chức 2 lớp truyền dạy đánh mã la cho đối tượng là thanh niên người Raglai. Ngoài ra, ngành Văn hóa còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong người dân Raglai; đề cao vai trò và tiếng nói của già làng, người cao tuổi nhằm bảo tồn loại nhạc cụ truyền thống này.
Để có kế hoạch bảo tồn lâu dài nhạc cụ mã la của người Raglai, ông Phạm Văn Hợp cho rằng, cần có một cuộc khảo sát về số lượng mã la đang được lưu giữ trong các gia đình; đánh giá và phân tích những nguyên nhân làm mai một nhạc cụ này. Từ đó đưa ra kế hoạch, phương thức bảo tồn nhạc cụ truyền thống một cách có hiệu quả.
MAI HOÀNG