04:07, 30/07/2013

Hướng đi nào cho phim nội?

Hiện tại, 90% số bộ phim chiếu rạp nhập vào Việt Nam là phim Mỹ, còn lại là phim Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và một số quốc gia châu Âu... Ði kèm với nhiều bộ phim trong số này là những quảng cáo “phim khủng”, “bom tấn”.

Hiện tại, 90% số bộ phim chiếu rạp nhập vào Việt Nam là phim Mỹ, còn lại là phim Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và một số quốc gia châu Âu... Ði kèm với nhiều bộ phim trong số này là những quảng cáo “phim khủng”, “bom tấn”. Và khi tỷ lệ phim ngoại so với phim nội trung bình hàng năm là 150/10 phim thì phim ngoại đang làm chủ thị trường phim Việt Nam.


Những năm gần đây, việc nhập phim ngoại đã góp phần mở rộng kênh giải trí, làm phong phú đời sống văn hóa - nghệ thuật của công chúng. Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó. Tuy có Hội đồng thẩm định phim quốc gia kiểm duyệt trước khi ra rạp, nhưng nhìn danh mục phim nhập và nội dung của chúng sẽ thấy phần lớn là những phim có tính bạo lực. Chưa kể có những phim mà ranh giới giữa nhân tính - phi nhân tính rất khó phân định, bởi không phải khán giả nào xem phim cũng ý thức được ý nghĩa của phim... Và điều cần cảnh báo là khi 90% số phim nhập là phim Mỹ, 75% doanh thu từ phim của Hollywood, thì có nghĩa văn hóa nước ngoài cũng đang dần xâm lấn, thẩm thấu vào đời sống tinh thần và khó có thể nói rằng không ảnh hưởng gì đến nhân cách, lối sống của không ít người trong giới trẻ - vốn chiếm số đông trong số khán giả xem phim.

 

 Khán giả mua vé xem phim tại rạp Platinum Cineplex.
Khán giả mua vé xem phim tại rạp Platinum Cineplex.


Cái “mất” về tiền bạc bởi phim Việt Nam không “đậu” được ở sân nhà chưa phải là cái “mất” đáng lo ngại. Ðáng lo hơn, phim ngoại nhập sẽ là một trong những “kênh” ít nhiều có thể làm cho tình trạng lệch chuẩn trở nên rõ ràng hơn, nhất là với giới trẻ. Phải chăng vì lợi nhuận cho nên đã có tình trạng bỏ ngỏ trong việc nhập phim, để các “ông chủ” tự do theo chủ ý của mình, miễn là mang lại lợi nhuận cao, còn hậu quả như thế nào thì không phải là vấn đề được quan tâm?


Việc tác phẩm điện ảnh nước ngoài được nhập vào thị trường Việt Nam cũng là điều bình thường, dẫu biết việc làm này có thể sẽ “bóp chết” điện ảnh Việt Nam ngay trên sân nhà bởi những ưu thế hơn hẳn. Tại cuộc tọa đàm trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam, lãnh đạo Cục Ðiện ảnh đã nhận thấy vấn đề và dự kiến trong tương lai gần cần tập trung đầu tư để sản xuất nhiều phim Việt Nam hơn nữa, khoảng 70 đến 80 phim/năm. Ðưa phim Việt Nam đến với khán giả nhiều hơn nữa là để cân bằng thị trường phim hiện đang tràn ngập phim nhập khẩu. Song gần 3 năm đã qua kể từ buổi tọa đàm đó, phim Việt Nam vẫn èo uột, lèo tèo chưa tới 10 đến 12 đầu phim/năm ra rạp. Trong khi doanh thu một phim “bom tấn” của Hollywood hiện tại lên đến hơn 3 triệu USD trong mấy tuần chiếu ở Việt Nam, thì doanh thu “khủng” nhất của phim Việt hiện tại cũng chưa bằng một phần nhỏ.


Nếu như trước đây, phim ngoại chỉ được chiếu tại rạp ở Việt Nam sau khi bộ phim được công chiếu trên thị trường thế giới hàng năm, thậm chí vài năm trời; thì giờ đây, những bộ phim được gọi là “khủng”, “bom tấn” của Hollywood đã có mặt tại rạp chiếu phim ở Việt Nam chỉ sau thị trường Bắc Mỹ vài tuần, thậm chí có phim cùng phát hành một ngày, có phim còn trước một ngày. Bên cạnh phiên bản phim phụ đề đã quá phổ biến, từ năm 2012, loại hình phim Hollywood lồng tiếng Việt bắt đầu xuất hiện và đạt được thành công nhất định. Trong quá khứ, chỉ có 2 bộ phim được lồng tiếng Việt là Finding Nemo (Ði tìm Nemo - năm 2003) và Open Season (Mùa săn bắn - năm 2006), sau đó vì nhiều lý do, bẵng đi khá lâu, không có “nhà” nào chịu đầu tư. Nhưng đến đầu năm 2012, phim hoạt hình Rio đã được lồng tiếng Việt mở màn cho sự xuất hiện trở lại của loại hình này. Sau Rio là The Smurfs (Xì Trum), Puss in Boots (Mèo đi hia), hay gần đây là Alvin & The Chipmunks 3 (Sóc siêu quậy 3) đều được chuyển ngữ và lồng tiếng Việt bởi các nghệ sĩ nổi tiếng. Các tác phẩm được lồng tiếng Việt làm cho phim Hollywood thêm gần gũi và hấp dẫn khán giả Việt Nam hơn. Chưa kể các thủ pháp PR cho phim cũng rất bài bản, đầu tư nhiều tiền. Nhất là các phim “bom tấn”, không những đưa “sao” Việt ra nước ngoài tham dự buổi chiếu ra mắt chính thức đầu tiên, phỏng vấn diễn viên trong phim, để tổ chức “chiến dịch” PR cho phim từ lúc chưa ra rạp ở Việt Nam, đến khi phim ra rạp thì tổ chức như một show sự kiện có nhiều “sao” Việt tham gia...


Hiện nay, cả nước có 6 đơn vị lớn chuyên nhập khẩu, phát hành phim. So với khoảng 10 năm trước, vì một số lý do, trong đó có cả sự cạnh tranh kiểu “cá lớn” - “cá bé”, số công ty nhập phim giảm gần một nửa với sự biến mất của các tên tuổi quen thuộc như: Visionnet, Cinenet, Fafilm Việt Nam... Số nhà nhập phim ít, nhưng doanh thu thì mỗi năm một tăng thêm. 5 trong số 6 “ông chủ” nhập khẩu - phát hành phim nêu trên sở hữu những cụm rạp riêng. Nắm trong tay nhiều cụm rạp, Megastar cũng dẫn đầu về lượng phim nhập với tốc độ trung bình từ 5 đến 8 phim ra rạp/tháng. Galaxy, BHD, Lotte Cinema và Platinum M.V.P. trung bình từ 2 đến 3 phim/tháng. Nếu như năm 2011 có 106 phim ngoại ra rạp thì năm 2012 có 120 phim, và năm 2013 dự kiến lên 150 phim. Hiện cả nước có hơn 200 phòng chiếu, số phim nhập về tăng không ngừng vì danh sách các công ty nhập phim được mở rộng.


“75% doanh thu phòng vé (tại Việt Nam) đến từ phim Hollywood”, con số được tiết lộ đó nói lên rằng phải chăng thị trường phim ở Việt Nam hiện tại thuộc về các công ty tư nhân và là nơi để phim ngoại tung hoành và có “thế lực cạnh tranh tuyệt đối”. Ðiều này ắt hẳn các “nhà” phim Việt Nam cũng thấy rõ. Một phim Việt Nam, nếu như không có sự “đỡ đầu” hay đồng sản xuất của mấy “ông chủ” kia, thì cơ hội để ra rạp là rất thấp; thậm chí nếu có ra, để có được giờ chiếu “vàng” cũng gần như là “bất khả thi”. Chưa kể số ngày chiếu có khi còn bị “ăn bớt”, phá hợp đồng với lý do không ăn khách, doanh thu thấp... Và điều này đã đẩy tới thực tế, ngay tại “sân nhà” mà phim Việt Nam thoi thóp bởi sự chèn ép “tổng lực” của phim ngoại.


Phải chăng, đã đến lúc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cần khảo sát, đánh giá, xây dựng một chương trình chấn hưng điện ảnh có hiệu quả và có chất lượng cao về tư tưởng - nghệ thuật?


VIỆT TRẦN (Nhandan Online)