07:07, 20/07/2013

Gieo thêm sức sống cho tuồng lịch sử

Mới đây, nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức đã cho ra mắt bạn đọc tập kịch bản gồm 7 tác phẩm với tên gọi “Tác phẩm chọn lọc”. Thêm một lần, sức sáng tạo nghệ thuật không ngừng của ông lại khiến cho nhiều người ngưỡng mộ.

Mới đây, nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức đã cho ra mắt bạn đọc tập kịch bản gồm 7 tác phẩm với tên gọi “Tác phẩm chọn lọc”. Thêm một lần, sức sáng tạo nghệ thuật không ngừng của ông lại khiến cho nhiều người ngưỡng mộ.


Tác phẩm chọn lọc


Nhận được tập sách của nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức, tôi cảm thấy một điều gì đó khá thú vị xen lẫn sự khâm phục. Tập sách (do Nhà xuất bản Sân khấu ấn hành tháng 6-2013) đầy đặn với hơn 500 trang, bìa sách đơn giản nhưng mang đậm hồn cốt của nghệ thuật sân khấu. Vậy là bên cạnh những tập kịch bản đã xuất bản trước đây của ông như: Nhân quả, Huyền thoại Mẹ xứ sở, Thanh gươm giữ nước, Tây Sơn nữ tướng, Giọt đắng nhân tình, tập sách Tác phẩm chọn lọc như một điểm nhấn làm đầy thêm gia tài sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ quê gốc xứ Thanh này. Quyển sách tập hợp 7 tác phẩm xuất sắc của ông gồm 6 kịch bản tuồng lịch sử: Sóng dậy Lê triều, Nhạn cô thần, Trần Hưng Đạo, Huyền thoại Mẹ xứ sở, Danh phận, Triết vương Trịnh Tùng và Giọt đắng nhân tình - kịch bản dân ca bài chòi.


Những kịch bản này đều ít nhiều để lại dấu ấn trong lòng công chúng cũng như đối với giới chuyên môn cả nước. Tất cả các tác phẩm đó đều đã được các nhà hát ương hoặc địa phương dàn dựng để tham gia những hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và đi biểu diễn phục vụ đông đảo nhân dân. Điểm qua, có thể thấy: Kịch bản Nhạn cô thần nói về chí khí chống Pháp của lão tướng Nguyễn Tri Phương, đã được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao giải thưởng kịch bản xuất sắc năm 2007, được Nhà hát Tuồng Trung ương dàn dựng. Kịch bản Trần Hưng Đạo thể hiện tư tưởng đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên thù nhà của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, được Bộ Văn hóa - Thông tin trao giải ba cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu toàn quốc 1998 - 2000, giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Huyền thoại Mẹ xứ sở - câu chuyện về Thiên Y Ana có công dạy dân trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao giải B cho vở diễn xuất sắc năm 2001. Danh phận, luận bàn về chủ đề “Quân minh, thần trung, xã tắc thái bình; quân bất minh, thần bất trung, sơn hà tắc loạn” thông qua lát cắt về bối cảnh lịch sử của cuộc chiến Lê - Mạc đã được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao giải B (không có giải A) cho kịch bản sân khấu xuất sắc năm 2011...

Nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức.
Nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức.


Niềm đam mê kịch bản tuồng lịch sử


Khi nhắc đến nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức, anh em trong nghề đều có chung nhận xét: Ông thuộc dạng “hàng hiếm” của loại hình sân khấu truyền thống khu vực Nam Trung bộ. Sinh ra ở xứ Thanh, nhưng gần trọn cuộc đời ông lại gắn bó với xứ Trầm Hương - nơi có những làn điệu dân ca bài chòi ngọt ngào. Kịch bản của Nguyễn Sĩ Chức chủ yếu ở hai loại hình: kịch bản dân ca bài chòi và kịch bản tuồng. Ở loại hình nào, ông cũng đều để lại dấu ấn riêng. Ông tâm sự: “Tôi có một tình yêu mãnh liệt đối với kịch hát dân ca bài chòi, nhưng cạnh đó là niềm đam mê đối với những kịch bản tuồng lịch sử”. Nói về niềm đam mê viết kịch bản tuồng lịch sử, nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức cho biết: “Bác Hồ đã dạy “Dân ta phải biết sử ta”, nhưng tôi nghiên cứu rất nhiều về những vở tuồng cổ, thấy hầu hết trong đó đều lấy những tích truyện của Trung Quốc. Vậy tại sao chúng ta không viết nên những kịch bản về chính lịch sử của dân tộc mình để cho thế hệ hôm nay và mai sau biết đến? Đây chính là điều tôi luôn trăn trở, theo đuổi”.

 

Nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức hiện là Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Tổng Biên tập Tạp chí Nha Trang. Ông đã nhận được rất nhiều giải thưởng của Trung ương và địa phương cho những kịch bản sân khấu xuất sắc của mình.

Viết kịch bản tuồng lịch sử rất khó, nhất là trong thời điểm hiện nay. Bởi ai cũng hiểu rằng, tuồng là loại hình sân khấu truyền thống có những quy định nghiêm ngặt về phục trang, hóa trang, diễn xuất, đạo cụ..., rất phù hợp với những kịch bản mang hơi thở của lịch sử, mà đó phải là lịch sử phong kiến. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra đối với những người viết kịch bản sân khấu hôm nay là phải đáp ứng được tính thời đại, tính hiện đại. Làm sao để kết hợp được điều đó trong cùng một sản phẩm sáng tạo nghệ thuật chính là bài toán không phải nhà biên kịch nào cũng tìm được đáp án. Nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức chính là một trong số ít những người giải được bài toán khó ấy. Bằng niềm đam mê của mình với tuồng lịch sử, ông đã cho ra đời những kịch bản xuất sắc. “Viết kịch bản lấy đề tài về lịch sử phong kiến Việt Nam, cái khó không chỉ nằm ở chỗ phải làm sao thể hiện đúng các sự kiện, sự việc của những nhân vật lịch sử, mà phải làm sao không rơi vào việc mô phỏng lịch sử, đó phải là một tác phẩm văn học. Bên cạnh đó, còn phải làm sao truyền hơi thở, tinh thần thời đại vào trong tác phẩm” - ông chia sẻ. Hiểu được những thử thách cần vượt qua khi thực hiện một kịch bản tuồng lịch sử, ông đã tỏ ra rất tinh tế khi mượn xưa nói nay. Những kịch bản của ông vẫn mang dáng dấp, hồn cốt của những nhân vật lịch sử; khi được dàn dựng, những nhân vật đó vẫn vẽ mặt, tô mày, cân đai, áo mão, hia giày, vẫn phi ngựa, giao chiến... Tuy nhiên, bằng biện pháp hư cấu tài tình, thông qua những xung đột kịch, tác giả kịch bản đã khéo léo lồng vào nhiều vấn đề của lịch sử, tinh thần của thời đại để mỗi người xem xong đều có thể soi lại mình; luận giải lẽ được mất, sống còn của một vương triều; bàn chuyện đạo vua tôi thời loạn lạc; nêu cao tinh thần yêu nước, vì dân... của những nhân vật, những triều đại trong lịch sử để rút ra bài học cho hôm nay.


NHÂN TÂM