12:05, 11/05/2013

Vở tuồng “Danh phận”: Bài học lịch sử chưa cũ

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh vừa ra mắt vở tuồng “Danh phận”. Dựa theo câu chuyện lịch sử về sự sụp đổ của triều vua Mạc Mậu Hợp, vở diễn đã nêu bật mối quan hệ vua - tôi, việc giữ gìn “danh phận” đối với sự tồn vong của đất nước.

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh vừa ra mắt vở tuồng “Danh phận”. Dựa theo câu chuyện lịch sử về sự sụp đổ của triều vua Mạc Mậu Hợp, vở diễn đã nêu bật mối quan hệ vua - tôi, việc giữ gìn “danh phận” đối với sự tồn vong của đất nước. “Quân minh - thần trung - xã tắc vững bền; quân bất minh - thần bất trung - sơn hà nhiễu loạn”, bài học ấy chưa bao giờ cũ.


Với mục tiêu tham gia Hội diễn Nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc - 2013  tại Quảng Nam, vở tuồng Danh phận (kịch bản Nguyễn Sĩ Chức; đạo diễn Đặng Bá Tài) được đầu tư công phu từ kịch bản cho đến âm nhạc, vũ đạo, phục trang. Dưới bàn tay đạo diễn Đặng Bá Tài, hình tượng các nhân vật trở nên sống động, có sức hút với người xem. Hình ảnh Mạc Mậu Hợp ngồi ngất ngưởng trên ngai vàng mở đầu buổi thiết triều, tiếng cười ngạo mạn khi được quần thần tung hô, cái khoát tay quả quyết “ngoài yến tiệc chung vui, ta không muốn bàn sâu chính sự” đã bộc lộ bản chất ăn chơi vô độ của một vị hôn quân. Nghệ sĩ Xuân Hùng đã rất thành công khi vào vai Mạc Mậu Hợp. Anh có một màn độc diễn hết sức thăng hoa khi diễn cảnh Mạc Mậu Hợp bị đem ra cổng thành để chém đầu. Trong tư thế bị xiềng xích, Mạc Mậu Hợp với gương mặt đau khổ cất tiếng hát thống thiết giãi bày về thế đứng của nhà Mạc (bị xem là “ngụy triều”), tự lý giải về sự thất bại của mình (không làm tròn “danh phận” của một nhà vua) có sức lay động lòng người. Tiếng thét vang vọng cổng thành của Mạc Mậu Hợp khi bị xử trảm không chỉ là dấu hiệu chấm hết của vị vua thứ 5 triều Mạc mà còn là tiếng thét cảnh tỉnh với tất cả những ai đang vì lợi danh, dục vọng mà quên đi “danh phận” của mình.

Cảnh trong vở “Danh phận”.
Cảnh trong vở “Danh phận”.


Hai nghệ sĩ Vi Phương và Hữu Hải cũng có những đóng góp không nhỏ cho thành công của vở diễn. Vào vai đại thần Nguyễn Quyện, nghệ sĩ Vi Phương đã có lớp diễn khá tốt dù anh chỉ vừa nhận vai có vài ngày thay cho Nghệ sĩ Ưu tú Kim Hùng, thể hiện được nỗi đau đớn, trăn trở khi đã khuyên con gái và con rể trốn vào Thanh Hóa theo nhà Lê. Giọng cười bi tráng, khuôn mặt u uất nỗi niềm cùng những lời hát thống thiết về danh phận đã chứng tỏ tấm lòng của ông với dân, với nước. Cảnh Nguyễn Quyện dùng thượng phương bảo kiếm để tuẫn tiết chứng tỏ lòng trung, những mong thức tỉnh nhà vua được nghệ sĩ Vi Phương diễn xuất khá tốt. Vai Mạc Đôn Nhượng qua sự diễn xuất của Hữu Hải cũng để lại nhiều dấu ấn cho người xem. Khi nghe vua Mạc lạnh lùng khoát tay “...ta không muốn bàn sâu chính sự”, vị đại thần nhất phẩm đã ngã ngồi giữa sân chầu, 2 tay rung rung cởi phẩm phục dâng trả nhà vua. Hai hàng lệ chứa chan, giọng hát nghẹn ngào thể hiện sự bất lực khi nhìn thấy đất nước sẽ bị diệt vong vào một ngày không xa mà không ngăn được.

 

“Danh phận” lấy bối cảnh năm cuối cùng của triều vua thứ 5 của nhà Mạc - Mạc Mậu Hợp (1592), khi cuộc chiến giữa nhà Lê Trung Hưng và nhà Mạc đang đi đến hồi cuối. Mạc Mậu Hợp ăn chơi vô độ, không quan tâm đến quốc sự, quan lại chỉ lo vơ vét của cải làm giàu, để dân đói khổ. Quan phụ chính Mạc Đôn Nhượng đề nghị nhà vua đi vi hành tìm kế sách để an dân nhưng vua  Mạc không nghe mà còn phế quyền phụ chính, khiến ông phẫn uất, từ quan về ở ẩn. Mê mẩn vẻ đẹp của vợ Sơn quận công Bùi Văn Khuê nhưng bị cự tuyệt nên Mạc Mậu Hợp đã khép cả nhà của Khuê vào tội phản nghịch, khiến quan đại thần Nguyễn Quyện phải khuyên con gái và con rể trốn vào Thanh Hóa theo nhà Lê, còn mình thì tuẫn tiết để chứng tỏ lòng trung với nước. Trước sức tấn công ồ ạt của quân binh nhà Lê, Mạc Mậu Hợp bỏ trốn nhưng vẫn bị quân nhà Lê bắt giữ, giải về kinh thành chém đầu.

Vượt qua việc minh họa lịch sử, vỡ tuồng “Danh phận” đọng lại trong lòng người xem nhiều dư âm, đó là đạo vua - tôi, là tư tưởng danh phận. Trước khi tuẫn tiết, Nguyễn Quyện đã tự phân trần lẽ phải: “Đã chính danh quyền uy tột đỉnh, sao người ấy không tự mình soi sáng... làm ngọn đuốc thiêng chói rạng sơn hà/Người bất nghĩa, sao buộc ta vẹn tiết?”. Mạc Đôn Nhượng trước khi chết vẫn nhắn nhủ với Mạc Mậu Hợp: “Hãy vì trăm họ, tròn câu danh phận đấng Quân vương!”. Trong suốt vở diễn, phần luận về danh phận giống như một vòng xoáy trôn ốc lặp đi lặp lại với cấp độ ngày càng cao hơn mà đỉnh cao chính là màn tự vấn của Mạc Mậu Hợp trước khi bị chém đầu. Lý giải cho sự thất bại của mình, vua Mạc đã tự trả lời: “Xa lánh người trung thực, thích tiếng ngợi khen, không tìm phương cách vỗ trị chúng dân...” và hơn hết “trên ngai vàng, không giữ đạo vua - tôi; có danh phận mà không tròn danh phận!”. Có thể nói, “Danh phận” là vở tuồng lịch sử những không chỉ để nói chuyện lịch sử, mà còn mượn chuyện xưa để nói nay: Một đất nước muốn vững bền thì mỗi người phải làm trọn bổn phận của mình, càng ở ngôi cao càng phải làm gương, bởi như người xưa từng nói: “Quân minh - thần trung - xã tắc thái bình; quân bất minh - thần bất trung - sơn hà tắc loạn”.


Bên cạnh những thành công đó, vở diễn vẫn còn một số nhược điểm như: thời lượng quá dài (2 giờ 40 phút), từ đầu đến cuối cảnh trí gần như không thay đổi nên đôi chỗ còn hơi gượng ép. Vai Sơn Quận công Bùi Văn Khuê là một vai diễn khá quan trọng, tuy nhiên, diễn viên Anh Sang có giọng hát hơi bị khàn, diễn xuất còn thiếu mềm mại. Đạo diễn Đặng Bá Tài chia sẻ: “Chúng tôi quyết định sử dụng diễn viên trẻ để các em có cơ hội rèn nghề, điều này đã làm một số nhân vật còn hơi non, nhưng đó là điều chúng tôi đã xác định ngay từ đầu. Gần đến ngày tổng duyệt, Nghệ sĩ Ưu tú Kim Hùng lại bị ốm, phải thay vai nên có một số khó khăn...”. Ông Vũ Tiến Thêm - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cho biết: “Sau đêm diễn này, chúng tôi sẽ làm việc với êkíp dàn dựng để rút gọn thời lượng vở diễn, sẽ có một chút thay đổi nhỏ trong cảnh trí... để vở diễn có thể hấp dẫn hơn với người xem”.


XUÂN THÀNH