11:04, 17/04/2013

Vĩnh biệt “cô du kích” trong bài thơ “Quê hương”

Từng nhiều lần đến gặp nhà thơ Giang Nam tại nhà riêng ở 46 Yersin, TP. Nha Trang để tác nghiệp hay gửi trả tài liệu…, tôi có dịp tiếp xúc với bà Phạm Thị Chiều, vợ ông, nhưng hầu hết chỉ là qua những câu chào hỏi xã giao.

Từng nhiều lần đến gặp nhà thơ Giang Nam tại nhà riêng ở 46 Yersin, TP. Nha Trang để tác nghiệp hay gửi trả tài liệu…, tôi có dịp tiếp xúc với bà Phạm Thị Chiều, vợ ông, nhưng hầu hết chỉ là qua những câu chào hỏi xã giao. Lần gần nhất, tôi gặp bà cách đây hơn 2 tuần, khi tôi đến nhà để trả cho nhà thơ Giang Nam tập tài liệu về Hội Ái mộ A.Yersin. Hôm đó, trông bà vẫn mạnh khỏe, còn nói chuyện rất vui với tôi như một người quen ở trước cổng nhà. Vẫn biết, tuổi già như ngọn đèn dầu trước gió, vậy nhưng khi nghe tin bà ra đi, trong lòng tôi bỗng dâng lên một nỗi niềm khó tả.


Mỗi lần đến gặp nhà thơ Giang Nam, tôi lại thấy ấn tượng với cách xưng hô “anh - em” của vợ chồng ông. Ở tuổi ngoài 80 nhưng họ vẫn dành cho nhau những lời yêu thương trìu mến nhất. Khách đến thăm nhà thơ Giang Nam thường thấy bà mải miết với công việc, khi thì kiểm tra chum nước mắm bà tự muối đã đậm đà chưa; khi lại cẩn thận tưới những giò phong lan treo trước sân; có lúc ân cần pha trà tiếp khách… Nhiều nhà văn, nhà thơ cho biết, bà muối nước mắm rất ngon. Bà vốn xuất thân từ một gia đình ở làng chài Vĩnh Trường (TP. Nha Trang), nơi nổi tiếng với nghề làm nước mắm truyền thống. Mỗi lần có khách hoặc bạn bè của nhà thơ Giang Nam trong Nam, ngoài Bắc ghé thăm, bà đều biếu họ ít nước mắm làm quà gọi là cây nhà lá vườn.

 Bà Phạm Thị Chiều (lúc còn sống) bên chồng - nhà thơ Giang Nam.
Bà Phạm Thị Chiều (lúc còn sống) bên chồng - nhà thơ Giang Nam.

 

Bà Phạm Thị Chiều sinh năm 1931 tại Vĩnh Trường, Nha Trang trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bà là đảng viên 63 năm tuổi đảng; nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trường; cựu tù chính trị từng 2 lần bị địch bắt tù đày.

Trong những lần trò chuyện cùng nhà thơ Giang Nam, tôi thấy ông luôn dành một tình yêu đặc biệt đối với người vợ thân thương của mình. Tình cảm đó được nhen nhóm trong những tháng ngày kháng chiến ác liệt và càng bền chắc qua thời gian. Tôi vẫn còn nhớ như in lần gặp nhà thơ Giang Nam để tìm hiểu viết bài về bài thơ “Quê hương”. Ông đã kể cho tôi bối cảnh sáng tác bài thơ này, cũng như nguyên mẫu “cô du kích” trong bài thơ đó chính là vợ ông: “Một buổi tối giữa năm 1960, trời mưa tầm tã, tôi được cấp trên gọi lên trấn an tư tưởng, thăm hỏi động viên rồi thông báo tin chẳng lành có thể vợ và con gái tôi đã bị địch giết hại trong nhà tù tại Phú Lợi (Sài Gòn). Đau đớn đến bàng hoàng, sự thương cảm xót xa cứ thế trào lên khi mình vừa mất đi điều thiêng liêng, to lớn nhất. Và thế là chỉ trong một giờ đồng hồ, tôi đã viết xong bài thơ “Quê hương”. Viết liền mạch, không tẩy xóa, không thay đổi”. Sau đó, bài thơ này được ông gửi cho Báo Thống Nhất (tiền thân của Báo Văn Nghệ), được trao giải nhì trong cuộc thi tác phẩm văn học trên tờ báo này, rồi được đưa vào sách giáo khoa. Việc bài thơ đã chiếm chỗ đứng trong lòng độc giả suốt nhiều thập niên qua là một niềm tự hào cho nghiệp văn chương của nhà thơ Giang Nam; nhưng lúc bấy giờ, niềm hạnh phúc vô bờ đối với ông chính là tin báo nhầm việc vợ con ông đã hy sinh. Đây có thể xem là một sự nhầm lẫn đầy thú vị và may mắn, vì nhờ đó, nền văn học kháng chiến nước nhà đã có thêm một tác phẩm xuất sắc.


Suốt chặng đường gần 60 năm trọn nghĩa vợ chồng với nhà thơ Giang Nam, “cô du kích” năm xưa đã thực sự trở thành hậu phương, chỗ dựa tinh thần to lớn đối với nhà thơ. Để giờ đây, tuy nguyên mẫu đã không còn “khúc khích cười”, nhưng hình ảnh năm xưa vẫn mãi sống cùng nhiều thế hệ độc giả yêu mến bài thơ “Quê hương” của nhà thơ Giang Nam.


G.Đ