07:04, 15/04/2013

Người đánh thức hồn cối đá

Ngày trước, các loại cối giã, cối xay bằng các chất liệu đá, gỗ… là một dụng cụ đặc trưng không thể thiếu trong đời sống của mỗi gia đình Việt. Nhiều năm qua, anh Huỳnh Hữu Lộc (thôn Ngọc Hội, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) .....

Ngày trước, các loại cối giã, cối xay bằng các chất liệu đá, gỗ… là một dụng cụ đặc trưng không thể thiếu trong đời sống của mỗi gia đình Việt. Nhiều năm qua, anh Huỳnh Hữu Lộc (thôn Ngọc Hội, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) đã lặn lội nhiều nơi, sưu tầm hàng nghìn chiếc cối các loại như để níu giữ một nét văn hóa xưa…


Đam mê sưu tầm cối đá


Chúng tôi đến nhà anh Lộc khi anh đang cặm cụi xịt nước làm sạch 2 hàng cối đá xếp cao bên lối vào. Nghe khách hỏi chuyện về những chiếc cối, anh Lộc cởi mở như vừa bắt gặp những tâm hồn đồng điệu. Bên chiếc bàn trà bằng đá, anh say sưa kể về sự khởi nguồn đam mê sưu tầm cối của mình: “Hồi còn nhỏ, vào độ nghỉ hè hay dịp Tết, tôi thường về thăm ngoại ở Huế. Lần nào về, ngoại cũng xay bột trong cối đá và làm bánh cho tôi ăn. Ngày nay, không còn ai dùng cối để giã gạo hay xay bột nữa, những chiếc cối vì thế cũng dần đi vào quên lãng. Nhưng hình ảnh của ngoại bên chiếc cối đá vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Có lẽ, sự vui thích sưu tầm cối của tôi xuất phát từ đây”.

Anh Lộc bên chiếc cối đá trên 150 tuổi.
Anh Lộc bên chiếc cối đá trên 150 tuổi.


Năm 2008, trong một chuyến đi mua cây cảnh ở vùng Tây Sơn, Bình Định, tình cờ anh thấy chiếc cối đá nhỏ bị vứt bỏ nơi góc vườn của một gia đình, anh đã mua nó đem về. Đó là chiếc cối đầu tiên và cũng là chiếc anh Lộc tâm đắc nhất trong bộ sưu tập 3.500 chiếc cối hiện nay của mình. Anh Lộc cho biết, để có được số cối này, 5 năm qua, anh phải lặn lội khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh… Tuy số tiền bỏ ra để mua mỗi chiếc cối không đáng là bao, nhưng công sức và chi phí cho những chuyến săn lùng cối không thể kể hết. “Do không sử dụng nữa nên những chiếc cối thường bị người dân vứt bỏ lăn lóc ở góc vườn, bờ sông thậm chí trong chuồng gà... Nhưng khi hỏi mua, nhiều người vẫn không muốn bán vì cho rằng nó là đồ cổ, được gia đình họ sử dụng qua nhiều đời. Có những chiếc cối tôi phải đi lại nhiều lần mới mua được”.


Nói về sự vất vả trong việc tìm mua cối, anh Lộc ví von mình như một nhà khảo cổ. Nhiều trường hợp, cối bị vùi lấp hay ở những nơi dơ bẩn, anh phải rất cẩn trọng vì chỉ cần một chút sơ suất sẽ làm cối bị sứt mẻ, mất đi giá trị nguyên vẹn của nó. Cối đá rất nặng, mỗi cái ít nhất cũng 40 - 50kg, cái lớn hơn 100kg; nhưng tất cả số cối mua được, anh Lộc đều đích thân chở về bằng xe máy. “Cối đá xưa đều được đục đẽo thủ công nên về chi tiết và kích cỡ không cái nào giống cái nào. Thậm chí, có cái mang những vết lõm sâu, có thể là do người thợ đục lỡ tay trong quá trình tạo ra nó. Nhưng với với tôi, tất cả sự khác biệt và những chi tiết đó lại là sự ngẫu hứng mang tính nghệ thuật. Nhưng có lẽ, nét đẹp nhất của những chiếc cối chính là dấu ấn thời gian, một loại dụng cụ truyền thống trong văn hóa sinh hoạt của mỗi gia đình người Việt suốt hàng trăm năm”, anh Lộc nói.


Tái hiện không gian văn hóa xưa

1
 Để cối không bị bám bụi, thể hiện được màu sắc chân thực, anh Lộc phải xịt nước hàng ngày.


Anh Lộc cho biết, bộ sưu tập cối của anh đã có rất nhiều người dân và khách du lịch biết đến, nhưng phần lớn là vì hiếu kỳ. Theo anh, dù có sưu tầm nhiều cối cỡ nào mà khi khách đến tham quan chỉ với sự hiếu kỳ thì cái cối đơn thuần cũng chỉ là khối đá. Trong khi đó, mong muốn của anh là thông qua các hiện vật, người ta sẽ có một thoáng hồi tưởng đến một phần của đời sống sinh hoạt xưa… Với ý tưởng đó, hiện nay, anh Lộc đang xây dựng “Làng cối xưa”, nhằm tái hiện một phần không gian văn hóa sinh hoạt xưa với chủ đạo là những sinh hoạt liên quan đến cối đá ngay tại nhà mình. Trong khuôn viên vườn nhà hơn 1ha, anh đang tái hiện một quần thể không gian, kiến trúc xưa với 18 căn nhà cổ (được mua từ nhiều nơi, hiện đã dựng xong 5 căn), ao sen và những cây thị, cây đa cổ thụ. Những chiếc cối xưa được xếp bên các lối đi trong khuôn viên. Anh Lộc cho biết, để gấp rút khai trương “Làng cối xưa” vào tháng 6 tới, đồng thời đảm bảo tính nguyên thủy trong việc phục dựng những căn nhà cổ, anh phải mời thợ thủ công từ Huế vào. Khi hoàn thành,  “Làng cối xưa” sẽ vừa là nơi trưng bày hiện vật (cối xưa, nhà cổ) vừa là khu nhà hàng sinh thái, từ không gian cho đến các món ăn đều theo phong cách hoài cổ. “Tôi sẽ mời những người thợ giỏi về một số nghề thủ công như: dệt chiếu, gốm, mộc chạm trỗ… ở địa phương đến làm nghề trong những căn nhà cổ để phục vụ du khách tham quan và có thể bán trực tiếp sản phẩm cho họ. Qua đó, cũng góp phần gìn giữ nghề truyền thống và tạo được việc làm cho một số người dân”, anh Lộc cho biết.


Số vốn bỏ ra xây dựng “Làng cối xưa” không phải ít, nhưng với anh Lộc, việc kinh doanh không phải là mục đích chính của mình. Bởi theo anh: “Riêng với số tiền bỏ ra để có được 3.500 chiếc cối xưa cũng đủ để xây dựng một nhà hàng sang trọng ở trung tâm thành phố; còn nhà hàng ở đây thì chỉ đặt được mười mấy cái bàn trong những căn nhà cổ. Nếu vì kinh doanh lợi nhuận, tôi sẽ không chọn cách này. Mục đích chính của tôi từ việc sưu tầm cối xưa cho đến xây dựng khu vườn này, trước hết vì lòng đam mê của bản thân. Tôi cũng rất mong sẽ có nhiều người đến đây tham quan và có thể sử dụng cối để xay bột, làm bánh tại chỗ. Cùng với những hoạt động khác trong không gian này, họ sẽ có những giây phút hồi tưởng lại một nét văn hóa xưa. Như vậy, họ đã cùng tôi đánh thức hồn của những chiếc cối đá”.

 

NAM ANH