04:04, 16/04/2013

Nghĩ về chuyện tranh luận trên Internet

Trong tuần qua, trên các diễn đàn, báo mạng tranh luận về chuyện một bộ phận nhỏ cộng đồng mạng đã hành xử hơi thái quá, mà ta quen gọi là “ném đá” cậu bé “thần đồng tiếng Anh” Đỗ Nhật Nam mới 11 tuổi.

Trong tuần qua, trên các diễn đàn, báo mạng tranh luận về chuyện một bộ phận nhỏ cộng đồng mạng đã hành xử hơi thái quá, mà ta quen gọi là “ném đá” cậu bé “thần đồng tiếng Anh” Đỗ Nhật Nam mới 11 tuổi.


Sự việc bắt đầu khi video clip phỏng vấn Đỗ Nhật Nam tại hội chợ sách TP. Hồ Chí Minh từ tháng 3-2012 được chia sẻ trên mạng xã hội. Trong hội chợ này, Đỗ Nhật Nam được mời tham dự với tư cách là tác giả một quyển sách tự truyện “Tớ đã học Tiếng Anh như thế nào?”. Trong đoạn clip, Nhật Nam hào hứng bày tỏ về sở thích đọc sách, bí quyết học tiếng Anh cùng một số “tuyệt chiêu” trong phương pháp học tập của em. Khi nói về sở thích đọc, Nam có một câu trả lời hơi bất ngờ: “Em không thích đọc truyện tranh vì mẹ em nói truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn”. Điều này đã khiến Nam trở thành đề tài tranh cãi, phản đối của một bộ phận cộng đồng mạng dù sự việc xảy ra đã hơn 1 năm. Có thể nói, Đỗ Nhật Nam là tài năng thực sự ở phương diện học tập ngoại ngữ và cách ăn nói, vì cậu đã và đang làm MC một số chương trình trên truyền hình. Do vậy, người xem có cảm tưởng phóng viên phỏng vấn cậu đều bị “khớp” trước tài ăn nói linh hoạt “hơn cả ông cụ” của em, nhưng đó là điều vui.

Đỗ Nhật Nam. (Ảnh Internet)
Đỗ Nhật Nam. (Ảnh Internet)


Trở lại chuyện của Nam, một số người bắt đầu “bực mình” cho rằng, Nam không khiêm tốn, không phải là đứa trẻ bình thường vì theo họ, đến thiên tài như Ngô Bảo Châu cũng tự nhận hồi bé dù học rất giỏi nhưng vẫn mê đọc sách báo, truyện tranh… thế mà cậu bé 11 tuổi này lại  coi truyện tranh là “sâu”… Trận “mưa đá” ném tới tấp đến cậu” làm mọi người sững sờ tới đau đớn; vì lâu nay, thông thường nạn nhân của các trận “ném đá” thường là người lớn làm những điều tai tiếng, còn đây chỉ là cậu bé hồn nhiên, vô tư và rất tài năng! Mức độ nghiêm trọng tới mức cha mẹ em vốn là giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng ở một trường đại học cũng  gần như “quỵ ngã” trước “cơn mưa đá” dữ  dội này, dù bên cạnh vẫn có rất nhiều nhà giáo, nhà báo, nghệ sỹ… hết lòng cảm thông và lên tiếng bảo vệ cho Nhật Nam.


Từ chuyện của Nhật Nam tôi chợt nghĩ, trước tiên phải trách phóng viên phỏng vấn, rồi tới bộ phận biên tập đã không lường hết sự việc, khi biên tập không chọn lọc lại để nội dung phù hợp.

 


Nhật Nam là gương mặt không xa lạ với khán giả truyền hình. Em từng làm MC cho chương trình Chúc bé ngủ ngon, Quả chuông nhỏ, Trò chuyện cùng bé, “ca sĩ nhí”, “giáo viên” dạy tiếng Anh cho các bạn nhỏ đang điều trị tại Khoa Ung bướu Bệnh viện Nhi Trung ương. Năm 7 tuổi, Nhật Nam là dịch giả nhí nhỏ tuổi nhất có sách xuất bản. Vào cuối tháng 3-2012, khi mới 11 tuổi, Đỗ Nhật Nam giành thêm một kỷ lục mới “Người viết tự truyện nhỏ nhất Việt Nam”. Dù nhỏ tuổi nhưng Nhật Nam đã có những thành tích đáng khâm phục trong việc học tiếng Anh. Năm 7 tuổi, trong thời gian ngắn, em đã có chứng chỉ của Starters, Movers của Đại học Cambridge với số điểm tuyệt đối.
 

Có 1 lần đến gặp, phỏng vấn một học sinh rất giỏi về học tập, công tác Đội trong nhà trường; khi trao đổi thấy em này có những suy nghĩ và lời nói rất “cụ non” tới cứng rắn quá mức, có chất cực đoan của một “lãnh đạo trẻ”, tôi đã  từ bỏ, không thực hiện nữa! Bởi tôi nghĩ, nếu đăng không có lợi cho em, chủ ý tôi không khuyến khích điều “lạ” đó. Từ chuyện em Nhật Nam, tôi chợt nhớ và thấy giật mình khi nghĩ tới 3 người, tất nhiên họ đều nổi tiếng, nhưng câu nói của họ đều thuộc dạng “khủng”. Trước tiên là nhà vật lý Hy Lạp cổ đại Ác-si-mét với định luật nổi tiếng mang tên ông và câu nói lừng lẫy: “Nếu cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng cả trái đất lên!” nói về sức mạnh của đòn bẩy. Sau này, nhiều nhà vật lý, toán học tính toán dù có “điểm tựa” như sao hỏa thì “cây gậy” của Ác-si-mét cũng phải có độ dài bằng… vài trăm năm ánh sáng… để thấy câu nói này không tưởng đến mức nào. Tiếp đến, câu nói của thiên tài vật lý Anbe Anhxtanh, khi ông tiên đoán rằng, ánh sáng sẽ bị cong khi có lực hấp dẫn… theo Thuyết tương đối của ông. Lời tiên đoán của ông đưa ra vào năm 1908, khi đó, giới vật lý đều không chấp nhận. Nhưng tới năm 1919, khi thực nghiệm qua hiện tượng nhật thực ở Braxin, các nhà vật lý đã xác định nhận định của Anhxtanh là đúng! Lúc đó, nhà vật lý nói đùa: “Nếu sai thì chỉ có thượng đế sai chứ tôi luôn đúng!” (khi đó Anhxtanh chưa nhận thưởng Nô-ben vật lý, mãi tới năm 1921 mới nhận).


Ở Việt Nam, vào năm 1997, trong lần nhận giải tài năng trẻ Việt Nam, chàng thanh niên 27 tuổi Trương Đình Anh khi đó đã làm sửng sốt mọi người: “Ước mơ của tôi 35 tuổi trở thành triệu phú, 40 tuổi làm thủ tướng!”. Lúc đó,  Đình Anh là ngôi sao về tin học, sáng lập viên của Công ty FPT… Câu nói đó thật “quá sức tưởng”. Và đúng khi 35 tuổi, Đình Anh đã là triệu phú đô la, có giai đoạn làm Tổng Giám đốc FPT!


Tôi đưa ra ba câu nói của 3 người nêu trên để thấy rằng, người tài thường có khí chất khác thường, kể cả phát biểu của họ có khi quá mức. Giả sử Ác-si-met, Anhxtanh nói câu này khi họ chưa nổi tiếng. Nếu thời nay, liệu họ có gặp cả “mưa đá” không? Chắc là có. Ngay cả Trương Đình Anh, nếu phát biểu câu nói ấy bây giờ thì “cư dân mạng” liệu có tha cho không?


Trên internet, mạng xã hội đã trở thành một “xã hội ảo” nhưng tồn tại thực. Điều đó đã làm thay đổi toàn bộ nhận thức cũng như việc làm và cả hành động của con người, trong đó có cả việc tự do “xỉ vả, chửi mắng” người khác mà… vô tội! Tới giờ này, luật pháp vẫn chưa có quy định rõ ràng…


Có điều an ủi, dù mọi người, trong đó có người thân của mình đang phiền lòng, đau đớn thì Đỗ Nhật Nam vẫn rất vững chãi, cậu nói: “Gặp cơn bão tố trên không trung, cánh đại bàng sẽ hạ thấp xuống lượn với rừng cây để tránh, mọi việc sẽ bình yên!”. Thật tuyệt vời! Nhưng mấy ai được bản lĩnh cao cường như Đỗ Nhật Nam!


Dương Trang Hương