Cuối tháng 3 đầu tháng 4, giới văn nghệ Việt Nam phải ngậm ngùi tiễn biệt 3 văn nghệ sĩ đáng kính: Nhà văn đất Nam Trung bộ Võ Hồng (mất ngày 31-3), Nghệ sĩ Ưu tú Hồ Kiểng (mất ngày 3-4) và nghệ sĩ Văn Hiệp (mất ngày 9-4).
Cuối tháng 3 đầu tháng 4, giới văn nghệ Việt Nam phải ngậm ngùi tiễn biệt 3 văn nghệ sĩ đáng kính: Nhà văn đất Nam Trung bộ Võ Hồng (mất ngày 31-3), Nghệ sĩ Ưu tú Hồ Kiểng (mất ngày 3-4) và nghệ sĩ Văn Hiệp (mất ngày 9-4). Vẫn biết, đời người rồi cũng về với đất, nhưng ta vẫn thực sự thấy nhói lòng khi thắp nén hương cho các nghệ sĩ.
Võ Hồng - nhà văn của miền đất Nam Trung bộ
Tôi rất thích cách dùng từ của nhà báo Đỗ Hồng Ngọc trong một bài viết nói về nhà văn Võ Hồng là “nỗi cô đơn uy nghi”, bởi tôi đã đôi lần đến và bắt gặp hình ảnh một ông già đeo kính mổ lồi như kính lúp, miệng móm mém cười nhưng lại đầy trầm ngâm khi ngồi một mình dưới tán khế. Có lẽ, suốt bao năm cô đơn từ sau khi vợ ông mất, để lại cho ông giáo 3 đứa con thơ, Võ Hồng đều nhìn 1 quả khế chín vàng đong đưa trước gió thu. Tuyệt diệu làm sao phải tới 92 mùa lá vàng, “quả khế Võ Hồng” mới lìa cành về với đất.
Khi gặp ông, người ta sẽ hiểu rằng đây là mẫu người của ông thầy giáo làng rất hiền từ xen với sự lịch thiệp của một công chức thời Pháp, bởi ông rất hay dùng đại từ tiếng Pháp “toa, moa”. Nhiều người cứ mãi nhớ về những trang viết trong sáng, hồn nhiên như dòng nước sông Ngân Sơn (có thời ông lấy làm bút danh) miền đất Tuy An, Phú Yên và ngỡ ngàng khi đọc những trang viết mang màu sắc ngụ ngôn trong tập “Chúng tôi có mặt” mà cứ dịp cuối năm, báo Tuổi trẻ Chủ nhật dành đăng cho ông. Chỉ có mấy con beo, con cáo, con mèo dưới ngòi bút của Võ Hồng nhưng lại cực kỳ hấp dẫn và thâm hậu.
Không cần nhắc thêm về văn tài của ông, chỉ nói về phong cách đầy lịch lãm và ý nhị cũng thấy ông là người rất thâm thúy. Thâm thúy hơn cả một ông đồ Bắc Hà. Vốn là nhà giáo, sau ngày đất nước giải phóng, ông vẫn tiếp tục nghề “gõ đầu trẻ” ở trường Tân Lập, Nha Trang. Bởi thế, ông rất quý trẻ em và những người trẻ. Khi đón tiếp người trẻ tới đàm đạo văn chương hay phỏng vấn viết bài, ông luôn nhiệt tình và tôn trọng. Và đó là phong cách của ông, rất chân thành, lịch thiệp. Cho đến bây giờ, tôi vẫn tự nhận mình là học trò của ông, vì trong một lần tiếp tôi, ông cầm cành khế khô vẽ trên nền đất chữ “xe” của Hán tự với sự lý giải cực kỳ dễ hiểu: “Chữ xe có cái thùng, 2 bên có 2 bánh xe và cái càng kéo về phía trước”. Có lẽ trong cuộc đời ông đã có hàng nghìn học trò nhỏ như tôi đây.
Có thể nói, miền đất Phú Yên đã sinh ra Võ Hồng, đất Khánh Hòa dành cho ông nơi ở và làm việc với tình yêu thương nhất. Cùng với 2 nhà văn Quách Tấn, Giang Nam, Võ Hồng xứng đáng là “tam kiệt” văn hào của Khánh Hòa.
Hồ Kiểng - “ông già gân xứ dừa”
Hiếm có nghệ sĩ điện ảnh nào được đi gần hết theo đúng nghĩa từ đầu đến cuối của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam như Hồ Kiểng, bởi ngay bộ phim đầu tiên “Chung một dòng sông” ông đã góp mặt cho tới bộ phim chưa kịp ra mắt của đạo diễn trẻ tài năng Quang Hải “Mùa hè lạnh”. Ông còn là kỷ lục gia “Diễn viên đóng vai phụ nhiều nhất Việt Nam” với con số tương đối: 200 vai!
Với khán giả, trong phim, lúc nào, họ cũng gặp một lão già đầu hói lúc vào vai ác ôn “nuốt người miếng một” hay “lão già dê”… Nhưng thực ra, Hồ Kiểng vào vai bi của người nông dân Nam bộ thì hết chỗ chê. Bởi hơn ai hết, Hồ Kiểng là nông dân xứ dừa Bến Tre chính gốc, ông tham gia cách mạng, tập kết ra Bắc… Người ta vẫn nhớ tới ông già nghèo khổ trong phim “Đất phương nam” của đạo diễn Vinh Sơn, và chính đạo diễn này trong một bài điếu đã than rằng: “Tại sao các đạo diễn Việt Nam không phá cách để đất cho Hồ Kiểng đóng vai chính, và chắc chắn Hồ Kiểng sẽ không thua bất cứ diễn viên lừng danh nào!”. Nhưng đã muộn, cả đời ông chỉ là vai phụ.
Tôi hay gặp nghệ sĩ Hồ Kiểng bên vỉa hè dưới chung cư đường Cao Thắng, quận 3, TP. Hồ Chí Minh, nơi ông ở cô đơn những năm cuối đời mà có lần ông thốt lên: “Người ta - tức các đạo diễn bây giờ quên mất Hồ Kiểng rồi!”. Có lần, tôi nói với ông: “Sao, chú có gì vui không?” thì ông giương cặp kính lão, tư lự lắc đầu. Chẳng dè, một phụ nữ luống tuổi ngồi gần đó nói chen vào: “Ông ấy mà buồn gì, đến giờ này có tới… 4 vợ 7 bồ đó!”. Ông cười phe phé: “Đúng, đây là bồ thứ 8 đó!”. Người phụ nữ kia cười ngằn ngặt, nói với tôi: “Chị rất khoái cái cười dê của ổng trên phim!”. Khi ngồi lại nhâm nhi với ly cà phê cóc đầy đá bào, nghệ sĩ Hồ Kiểng tâm sự thật: “Phim với đời chú giống nhau, chẳng cần phải đóng”. Và suốt những năm cuối đời, dù có tới 4 người phụ nữ từng “nâng khăn sửa túi”, cuối cùng ông vẫn sống một mình trong một căn phòng nhỏ ở chung cư Cao Thắng.
Buổi chiều 3-4-2013, trời TP. Hồ Chí Minh nắng rực, Hồ Kiểng như một trái dừa khô tròn 87 tuổi rụng xuống nền đất, để lại một nụ cười bất hủ: Ông già Ba Tri xứ dừa.
Văn Hiệp - “chàng Ốc” bất tử!
Nhiều người cứ gọi nghệ sĩ Văn Hiệp với cái chức danh hão của những tiểu phẩm hài trên truyền hình - “bác Trưởng thôn”. Nhưng thực ra, ông chính là anh chàng Ốc đáng thương trong vở kịch lừng danh “Nghêu sò ốc hến”.
Trong một lần ngồi với tôi bên vỉa hè trước trụ sở Câu lạc bộ thử nghiệm trên đường Lý Thái Tổ (Hà Nội), nghe xong câu hỏi “Vì sao nổi tiếng đóng nhiều kịch thế mà chú chưa được phong danh hiệu?”, nghệ sĩ Văn Hiệp nhìn ra Hồ Gươm, rít điếu thuốc lào với một hơi dài, uống hết cốc nước chè nóng, lặng một hồi lâu mới trả lời với giọng khàn khàn: “Vì tớ bỏ Nhà hát Kịch về làm diễn viên ở Câu lạc bộ thử nghiệm này nên thủ tục rất khó!” (thời điểm năm 1997). Giờ đây, ông đột ngột ra đi với một sự nghiệp “trắng” - không huy chương hay danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nhân dân… Đau đớn nhận ra điều này, đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Khải Hưng đang kêu gọi các nghệ sĩ cùng đề xuất với cấp trên truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cho ông, bởi nói như vị đạo diễn này: “Văn Hiệp là nghệ sĩ mà tôi phải luôn học anh ấy!”.
Trở lại câu chuyện với nghệ sĩ Văn Hiệp, ông kể, sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo diễn viên của Nhà hát Kịch Trung ương, ông nhận ra việc không có ưu thế về hình thể, vóc dáng so với bạn bè như: Đoàn Dũng, Thế Anh, Mạnh Linh, Trọng Khôi nên ít khi được nhận vai chính. Nhưng rồi, ông vẫn có những vai diễn ghi dấu ấn trong lòng người xem. Đó là khi ông được đạo diễn tài ba Dương Ngọc Đức mời vào vai Ốc trong vở “Nghêu sò ốc hến”. Rồi đến vở “Bài ca Điện Biên”, khi đó, ông đã đứng tuổi nhưng lại vào vai một chú bé sống động làm ai cũng thán phục. Ngay chính ông vẫn luôn “sướng” với 2 vai đó cho tới tận bây giờ khi đã “chết” với “chức trưởng thôn” trên truyền hình!
Nhưng, dù có thiệt thòi tới đâu đi nữa thì ông cũng đã làm biết bao người phải ngưỡng mộ tới ngỡ ngàng. Ngay sau khi ông mất, giới trẻ có hẳn trang fanpage nhớ nghệ sĩ Văn Hiệp với hàng vạn người tưởng nhớ! Còn nói như ông lúc sinh thời: “Tớ là anh Ốc!”… Ôi anh Ốc bất tử của nền kịch Việt Nam đương đại”.
Ta có thể buồn vì cuộc chia tay với 3 con người đáng kính, nhưng lại rất hạnh phúc vì đã nhận của họ rất nhiều món quà tinh thần quý giá lâu nay.
DƯƠNG TRANG HƯƠNG