Trong quá khứ, Đoàn Dân ca kịch Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa đã từng nhiều lần giành giải thưởng lớn ở các kỳ hội diễn sân khấu toàn quốc. Thế nhưng, hiện nay, đoàn đang thiếu hụt những diễn viên trẻ tài năng được khán giả nhớ mặt, biết tên.
Trong quá khứ, Đoàn Dân ca kịch (DCK) Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh Khánh Hòa đã từng nhiều lần giành giải thưởng lớn ở các kỳ hội diễn sân khấu toàn quốc. Thế nhưng, hiện nay, đoàn đang thiếu hụt những diễn viên trẻ tài năng được khán giả nhớ mặt, biết tên.
Những ngày này, các nghệ sĩ của Đoàn DCK Nhà hát NTTT tỉnh đang tập luyện vở diễn Chuyện lạ giữa trần gian (kịch bản Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn Cao Nguyên) để tham gia Hội diễn sân khấu toàn quốc tổ chức tại Quảng Nam. Câu chuyện về khoảng cách thế hệ, về lực lượng diễn viên lại “nóng” lên.
Hương xưa ngày cũ
Với truyền thống hơn 40 năm, Đoàn DCK Khánh Hòa (tiền thân là Đoàn ca kịch giải phóng khu Trung Trung bộ) có một bề dày thành tích. Cho đến bây giờ, người yêu mến nghệ thuật ca kịch bài chòi vẫn còn nhắc đến những vở diễn thời kỳ đầu như: Thoại Khanh - Châu Tuấn, Tiếng sấm Tây Nguyên… Nhắc đến thời kỳ vàng son ấy, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Trần Nhật Lệ - Phó Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh, Trưởng Đoàn DCK cho biết: “Ngày ấy, bên cạnh những nghệ sĩ gạo cội như: Thanh Cảnh, Bích Liên, Đoàn DCK có lứa diễn viên tài năng như: Hoàng Minh Tâm, Thanh Bình, Ngọc Châu, Thiều Hạnh Nguyên… nên các vở diễn rất ăn khách, lưu diễn đến nhiều tỉnh, thành trong khu vực”. Thập niên 1980 - 1990, đoàn liên tục giành được những giải thưởng lớn trong các kỳ hội diễn sân khấu toàn quốc. Năm 1983, đoàn mời đạo diễn Đoàn Anh Thắng dàn dựng vở Mối tình qua Tết Lirboong (kịch bản Phạm Kim Anh, chuyển thể: Thế Khoa - Sĩ Chức) lấy đề tài về chiến sĩ cách mạng người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Ngay khi ra đời, vở diễn đã được công chúng trong, ngoài tỉnh đón nhận nồng nhiệt. Tại Hội diễn nghệ thuật sân khấu toàn quốc đợt 1 tại TP. Vinh (Nghệ An) năm 1985, vở diễn này đã gây tiếng vang lớn và giành Huy chương Vàng, cùng với đó là 2 giải vàng cá nhân dành cho nghệ sĩ Hoàng Minh Tâm (vai K’ty) và tác giả chuyển thể. Sau thành công ấy, năm 1987, đoàn tiếp tục cho ra mắt vở diễn Đôi dòng sữa mẹ (kịch bản văn học Lưu Quang Vũ, chuyển thể: Nguyễn Sĩ Chức; đạo diễn Đoàn Anh Thắng). Tại liên hoan sân khấu ở Đà Nẵng, vở diễn này đã được trao giải đặc biệt, được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm để phát sóng. Cho đến nay, đây vẫn là vở diễn mẫu mực, thành công nhất trong suốt gần 40 năm qua của Đoàn DCK Khánh Hòa. Ngoài 2 vở diễn trên, những vở như: Vua hóa hổ, Tướng cướp Tín Mã Nàm… cũng đem lại nhiều thành công cho đoàn.
… quyết giữ lửa nghề
Vì không có diễn viên trẻ nên nghệ sĩ Bích Vương (bên trái) phải vào vai Thoại Khanh trong vở “Thoại Khanh - Châu Tuấn”. |
Sau giai đoạn 1980 - 1990, Đoàn DCK Khánh Hòa không còn sung sức như trước. Lớp nghệ sĩ tài năng ngày trước lần lượt nghỉ hưu, chuyển nghề đã để lại những khoảng trống khó lấp dù đoàn có thêm một số nghệ sĩ mới, khẳng định được mình như: Bích Vương, Bích Thủy, Nhật Lệ… Bây giờ, thế hệ nghệ sĩ thành danh sau năm 1990 cũng đã toan về già, không thể đảm nhận những vai diễn cần sự trẻ trung, tươi mới. NSƯT Trần Nhật Lệ cho biết. “Lớp diễn viên có nghề đã đứng tuổi, trong khi khả năng biểu diễn của lớp diễn viên trẻ còn hạn chế. Lãnh đạo Nhà hát và đoàn đã nhận thêm một số diễn viên mới, tuy nhiên, chưa có những nhân tố nổi bật”.
Những năm qua, Đoàn DCK đã có rất nhiều nỗ lực để vượt qua khó khăn, tổ chức hàng trăm buổi diễn phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, nỗ lực ấy không thể khỏa lấp được những khoảng trống về vở diễn đỉnh cao, sự thiếu hụt những tài năng trẻ. Cứ mỗi lần dựng vở, lãnh đạo đoàn lại đau đầu với việc tìm người đóng những vai chính đang độ thanh xuân; không ít lần những diễn viên gạo cội của đoàn phải “cưa sừng làm nghé”. “Trong nghề hát, diễn viên trẻ tài năng có thể đóng già nhưng người già rất khó đóng vai trẻ. Sự gắng gượng, “ăn gian” về tuổi tác cũng chỉ có mức độ. Hiện nay, đoàn đang gắng gượng được nhưng thêm vài năm nữa thì rất khó khăn” - NSƯT Nhật Lệ bày tỏ. Vì vậy, ở đợt hội diễn lần này, đoàn tạo điều kiện cho các diễn viên trẻ đảm nhận những vai chính, giúp họ có dịp rèn nghề, chứng tỏ được năng lực diễn xuất của mình, từ đó, thay vai cho lớp diễn viên có nghề đã lớn tuổi.
Những ngày này, dưới cái nóng hầm hập, các nghệ sĩ vắt kiệt mồ hôi trên sàn tập những mong có được vở diễn tròn trịa để “đem chuông đi đánh xứ người”, tìm lại chút hương xưa ngày cũ. “Nghệ thuật có lúc thăng lúc trầm, tài năng có lúc nở rộ, có lúc khan hiếm. Hiện tại, đoàn đang ở một khúc quanh gian khó, nhưng nếu vượt qua được giai đoạn này chắc chắn sẽ có những thành công mới. Cái quan trọng nhất là phải giữ lửa nghề…”, NSƯT Nhật Lệ bày tỏ.
XUÂN THÀNH