Cách đây khoảng ba trăm năm, cụ Trần Chấn từ một tỉnh khu Bắc Trung Bộ đến sinh cơ lập nghiệp ở làng cát Thủy Triều - Cam Ranh.
Cách đây khoảng ba trăm năm, cụ Trần Chấn từ một tỉnh khu Bắc Trung Bộ đến sinh cơ lập nghiệp ở làng cát Thủy Triều - Cam Ranh.
Ông trồng dừa, xoài, nhiều cây ăn quả khác. Thấy ông sống được tại vùng bán đảo nằm trên mỏ cát trắng, nhiều gia đình nông dân nghèo thiếu đất sản xuất ở các tỉnh cũng về đây nhờ ông hướng dẫn cách làm ăn. Dọc theo triền đất quanh bờ đầm Thủy Triều đã phủ xanh cây ăn quả nên ông dẫn bà con đi tìm khu đất mới. Không ngờ giữa mỏ cát mênh mông có trữ lượng 500 triệu tấn lại có một thung lũng đất thịt pha cát khá phì nhiêu. Ông Trần Chấn khuyên mọi người ra sức khai hoang để trồng lúa, mì, bắp, khoai lang, đậu phụng, rau xanh. Thung lũng này đã cung ứng nguồn lương thực nuôi sống cư dân từ xa đến ở. Còn đầm Thủy Triều lắm cua ghẹ, nhiều cá tôm mang lại cho người dân nguồn thực phẩm ngon, bổ dưỡng. Đây là loại đặc sản tuyệt vời, hấp dẫn khách tham quan. Nhờ vậy mà người dân đã an cư lạc nghiệp, xua đuổi khỏi đời mình cái nghèo đói đeo đẳng bấy lâu.
Lúc ấy, sự giao lưu giữa vùng bán đảo với đất liền thật khó khăn. Họ phải dùng thuyền thúng để vượt qua đầm Thủy Triều. Nếu đi hướng núi Cù Hin thì xa xôi hiểm trở, phải mất cả ngày bách bộ. Thời chúa Nguyễn đã lấy sức dân đào một con kênh dưới chân núi Cù Hin để mở một lối đi mới bằng thuyền, nhưng sự việc không thành. Bây giờ ai đến thăm làng Thủy Triều đều không phải chờ đò. Chiếc cầu ván xinh xắn bắc qua đầm nối liền với bán đảo thơ mộng này. Cầu dài hai trăm ba chục mét, gồm năm mươi nhịp, mỗi nhịp dài bốn mét sáu. Bề mặt cầu được thiết kế bởi hai bùng binh có chiều rộng sáu mét tám để tránh xe cộ qua lại khi đông người. Phần dưới chân cầu là hai con lệch dùng cho ghe thuyền đánh cá có thể lưu thông dễ dàng. Công trình này không phải của Nhà nước mà do ông Nguyễn Xuân Thạnh ở xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang đầu tư hơn bốn trăm hai mươi triệu đồng xây dựng nên. Thời gian ông có quyền thu lệ phí người qua lại là mười năm để thu hồi vốn và lãi.
Cùng với sự xuất hiện chiếc cầu quan trọng này, điện đã về làng cát, tạo điều kiện cho nhà máy tuyển lọc cát đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động nơi đây vốn từ ngư dân chuyển thành lớp công nhân mới.
Đằng đẵng ba thế kỷ, bàn tay con người đã làm thay da đổi thịt làng Thủy Triều. Họ đã biến vùng cát trắng thành làng cát “xanh” và nâng cái làng nhỏ này thành xã Cam Hải Đông.
Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây là nét văn hóa truyền thống in đậm bản sắc dân tộc ở địa phương này. Đình làng thờ tiền hiền Trần Chấn trải qua thời gian vẫn còn nguyên mái ngói cong với hàng chữ Hán nổi bật phía trước: “Tiền đại khai cơ dân lạc nghiệp”
Gần đình là nhà từ đường họ Trần. Con cháu thường xuyên tu bổ, nhưng vẫn giữ nét cổ kính, mang dấu vết của cụ tổ tạo dựng. Mái lợp ngói âm dương rêu phủ nhạt nhòa. Kèo cột chạm hoa văn, rồng quyện, nhả ngọc phun châu có sức gợi mãnh liệt về một nghệ nhân thiên tài nào đó với bàn tay vàng khéo léo thuở xa xưa.
Tại làng cát này còn truyền tụng một câu chuyện rất cảm động:
Trần Thời là cháu đích tôn của cụ Trần Chấn, được thừa kế ngôi nhà từ đường. Phương tiện nuôi sống gia đình Trần Thời vẫn là chiếc xuồng con, chồng chèo, vợ gõ cụp cụp đuổi cá vào lưới quanh quẩn trong đầm Thủy Triều. Kỹ thuật đánh bắt hải sản mang tính truyền thống từ thời ông cố tổ. Ngày ngày ông bảo con ra đầm quan sát tình hình nước thủy triều. Nếu thấy thủy triều xuống thì chưa đưa xuồng ra vì ngại lướt trôi, cá thoát hết ra ngoài. Khi nào thủy triều dâng cao, nước đứng lại ở trạng thái bão hòa, vợ chồng ông Trần Thời mới đi thả lưới. Có bao nhiêu lần thủy triều lên trong ngày là có bấy nhiêu lượt vợ chồng ông Thời đi đánh bắt cá. Số cá đánh bắt được chỉ để ăn, còn dư ký nào vợ ông mang sang đất liền bán, mua thịt về đổi món cho ngon miệng.
Chẳng may, bà Hai, mẹ Trần Thời bị bệnh nặng. Bà bị sốt liên miên trên ba mươi chín độ, ăn vào nôn ra ngay khiến thân thể vàng vọt như chiếc lá mùa thu sắp rụng. Giữa lúc ấy vợ ông sắp sinh đứa con gái thứ hai. Cậu con trai đầu lòng mới mười tuổi đang đi học, chẳng đỡ đần gì được cho gia đình. Ông là lao động chính mà phải ở nhà chăm sóc mẹ, rồi nuôi vợ đẻ nữa thì lấy gì mà sống. Thấy hoàn cảnh khó khăn ấy, Thu Hiền-con gái bà Hai đưa mẹ mình về cho chồng, vốn là thầy lang danh tiếng bên đất liền để tiện theo dõi điều trị. Thấy thuốc trong nhà vẫn không làm thuyên giảm bệnh cho mẹ vợ, ông Thời bực mình đưa mẹ trở lại làng cát vào một buổi chiều, giữa đường gặp mưa. Bà Hai nhiễm lạnh, bệnh càng nặng hơn.
Hoàng Trọng, chồng Thu Hiền đến thăm mẹ vợ, nói với ông Thời:
- Bệnh mẹ lạ lắm, phải tìm mua thang thuốc đắt tiền mới hy vọng chữa khỏi.
Ông Thời lo lắng hỏi:
- Khoảng bao nhiêu tiền? Còn nước, còn tát!
- Nhà anh còn gì đâu mà bảo tát? Người em rể hỏi mỉa mai.
- Sao lại không? Ông Thời có vẻ tự tin - Mẹ còn đèn đồng, lư đồng có để bán hay đưa tiệm cầm đồ.
Hoàng Trọng lắc đầu nói:
- Hai thứ của quý ấy chẳng bằng chỉ vàng mà tiền thuốc phải tốn vài lạng vàng ròng. Mẹ bán ngôi nhà từ đường này mới đủ tiền mua thuốc.
Bà Hai nằm trên giường bệnh nghe hết câu chuyện giữa con trai và chàng rể. Bà gắng gượng nói vọng ra phòng khách:
- Mẹ thà chịu chết chớ không bao giờ chịu bán đồ thờ và nhà từ đường do cụ tổ họ Trần để lại đâu.
Hoàng Trọng buồn bỏ về, quên vào chào mẹ vợ. Ông Thời ngồi lặng yên suy ngẫm như thể một danh y trước căn bệnh lạ. Chợt ông vỗ tay cười. Vợ ông ngạc nhiên mang cái bụng bầu từ nhà bếp lên hỏi:
- Ông điên sao mà vỗ tay cười trong lúc mẹ sắp chết?
Ông Thời nổi nóng vả miệng vợ một cái bép:
- Bà điên mới rủa mẹ chết! Bà biết không? Tôi vừa tìm ra căn bệnh của mẹ rồi.
Vợ ông mừng rõ hỏi:
- Bệnh gì thế hở ông thầy thuốc dỏm?
Ông Thời đấm vào vai vợ:
- Dỏm sao được, mẹ trót lỡ bán đất từ đường đưa con rể, con gái xây nhà ở đất liền, giờ ân hận tiếc của mà sinh “lao tổn”.
- Ông định chữa bệnh lao tổn bằng thuốc gì?
- Thuốc ở ngay trong vườn, ngoài đầm và trên ngực bà đó.
- Ông điên thực rồi!- Vợ ông Thời lẩm bẩm, vội bước xuống nhà bếp để tránh cú đấm bất ngờ của chồng, lỡ trúng cái bụng bầu thì khốn.
Ông Thời đuổi theo, nắm được tay vợ, siết mạnh như chiếc còng sắt bắt kẻ gian:
- Bà nghe tôi giảng bài thuốc quý: Mẹ vốn không muốn tiêu tiền cho bản thân nên phải chưa bệnh bằng thang thuốc miễn phí. Mấy tháng nay mẹ thiếu cá đầm, rau câu nên thèm các món này. Đêm nay, tôi ra đầm đánh cá. Tôi vội xuống nước mà đuổi cá vào lưới. Chờ bà sinh nở xong sẽ chuộc lại chiếc xuồng đã cầm lấy tiền mua gạo tháng trước. Bây giờ, bà nên đi ngủ sớm, khuya thức dậy, chờ tôi mang cá về nấu canh khế cho mẹ ăn. Mai tôi nhặt rau câu nấu đông sương cho mẹ tráng miệng.
Đúng là thần dược. Bà Hai ăn cơm với canh chua cá dầm không bị ói mửa nữa. Cơn sốt dần dần hạ thấp. Nhưng bà Hai còn gầy guộc như dòng sông quê trong cơn nắng hạn. Giữa lúc ấy, vợ ông Thời nở nhụy, khai hoa. Chú bé đỏ hỏn không đầy hai ký. Vậy mà ông Thời bảo vợ:
- Tôi đã chữa bệnh cho mẹ bằng các loại thuốc trong vườn, ngoài đầm. Nay đến lượt bà chữa bệnh gầy cho mẹ.
Vợ ông Thời trố mắt nhìn chồng không hiểu:
- Tôi có phải thầy thuốc đâu mà chữa bệnh?
- Sữa của bà là linh dược đó. Tôi hầm cháo, lọc thành hồ cho con thay sữa. Bà chịu khó nặn sữa của mình pha chút đường cho mẹ uống.
Vợ ông Thời nguýt chồng:
- Có thế mà cứ lòng vòng.
Bà Hai uống sữa của nàng dâu mới vài tuần đã tươi tỉnh. Bà hỏi con trai:
- Sữa gì mà nhàn nhạt, ngòn ngọt chẳng giống sữa bò hay sữa bột thế?
Ông Thời lúng túng vì còn phải lựa lời. Nếu nói ra sự thật e mẹ không chịu uống nữa nên đành nói dối:
- Thưa mẹ, đó là loại sữa dê nguyên chất có pha đường của bạn con tặng.
Bà Hai xúc động nói:
- Bạn con tốt bụng quá! Khi nào mẹ khỏe hẳn, con đưa mẹ đi cảm ơn người ấy nhé.
- Dạ, mẹ cứ yên tâm uống sữa. Ơn nghĩa để con lo.
Đến tháng Chạp, bà Hai bình phục sức khỏe. Bà bảo ông Thời đưa mình đi thăm người tặng sữa. Ông Thời dẫn mẹ đến buồng vợ:
- Người mà mẹ muốn gặp đây này.
Bà Hai nghẹn ngào, nói trong tiếng nấc:
- Trời ơi, mẹ đã uống sữa của nàng dâu, khiến thằng cháu nội còi cõm thế này!
Đây là tấm gương hiếm thấy trong thời đại phong kiến trước đây vì mẹ chồng, nàng dâu thường hay xung đột, mâu thuẫn. Bởi vậy, khi bà Hai già sắp lìa khỏi cõi đời có căn dặn với người con trai rằng:
- Sau này nàng dâu của bà già yếu, chẳng may không còn sống với con nữa thì mang thi hài chôn gần bên mộ mẹ.
Nguyễn Thị Huyền Trâm