Về lại chiến khu Tà Gộc (xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), những người làm công tác điện ảnh ở Khánh Hòa (KH) không khỏi xúc động. Nơi đây, cách đây 42 năm, đội chiếu bóng KH đã có buổi chiếu đầu tiên…
Về lại chiến khu Tà Gộc (xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), những người làm công tác điện ảnh ở Khánh Hòa (KH) không khỏi xúc động. Nơi đây, cách đây 42 năm, đội chiếu bóng KH đã có buổi chiếu đầu tiên…
Một ngày đầu tháng 3, tôi theo đoàn công tác của Trung tâm Điện ảnh (TTĐA) KH về lại Tà Gộc, nơi đội chiếu bóng KH đã ra đời. Cùng đi với đoàn có ông Đinh Xuân Thặng - nguyên Giám đốc Công ty Điện ảnh KH và một số thành viên đội chiếu bóng năm xưa. Về lại chốn xưa, những người làm điện ảnh rất xúc động, những kỷ niệm xưa lại ùa về, tươi nguyên.
Ký ức thời gian
Ông Đinh Xuân Thặng tặng quà cho người dân thôn Tà Gộc, Khánh Thượng. |
Năm 1970, ông Thặng cùng với ông Nguyễn Công Cẩn đang ở đội chiếu bóng của tỉnh Ninh Bình thì được điều đi B phục vụ ở chiến trường khu V. “Từ lâu tôi đã muốn đi vào chiến trường, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Nhận được quyết định, chúng tôi hăm hở lên đường...” - ông Thặng tâm sự. Sau hơn 3 tháng băng rừng lội suối, đội chiếu bóng có mặt tại Khu V. Đội vừa tự túc tăng gia sản xuất, vừa chiếu phim phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các vùng căn cứ của ta ở khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi. Sau đó ít lâu, Tỉnh ủy KH cử ông Phan Văn Kính - cán bộ tuyên giáo KH (sau này làm Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình KH) ra khu V xin người và máy móc về lập đội chiếu bóng phục vụ cho địa phương. Khi nghe KH cần người, ông Thặng và ông Cẩn xung phong đi. Hai anh em, cùng với 10 anh em ở KH được cử ra để mang vác máy móc nhanh chóng lên đường. Ròng rã 2 tháng trời, đội chiếu bóng đi từ Quảng Nam lên Tây Nguyên rồi mới về KH. Trên đường đi, không ít lần, các anh phải liều mình vượt sông trong mùa mưa lũ để kịp về phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh KH. “Khi vượt sông Krông Năng (Đăk Lăk), chúng tôi lấy ni-lông quấn chặt máy nổ, máy chiếu và phim thành gùi, rồi dùng dây dù cột vào gốc cây, giăng ngang dòng sông. Mọi người lần theo sợi dây, vật lộn với xoáy nước để chuyển từng gùi hàng sang sông an toàn”, ông Thặng nhớ lại.
Nhân viên Trung tâm Điện ảnh Khánh Hòa chuẩn bị máy chiếu để chiếu phim phục vụ đồng bào thôn Tà Gộc. |
Đầu tháng 10-1971, anh em về đến chiến khu Tà Gộc trước Đại hội Đảng bộ tỉnh KH 3 ngày. Buổi chiếu phim phục vụ đại hội rất thành công, được các đồng chí lãnh đạo khen ngợi. Những ngày sau đó, đội liên tục đi chiếu phim ở Khánh Sơn, Bắc Ái - Ninh Thuận, Ninh Hòa, Vạn Ninh để phục vụ đồng bào. Những bộ phim như: Nguyễn Văn Trỗi, Một ngày Hà Nội, Tiền tuyến gọi, Đường ra phía trước, Bác Hồ sống mãi, Chị Tư Hậu, Vợ chồng A Phủ... đã được cán bộ, chiến sĩ và người dân chiến khu đón nhận rất nồng nhiệt. “Hồi ấy, xăng rất khan hiếm. Mỗi lần chiếu phim, chúng tôi chỉ lấy một ít xăng để khởi động máy nổ, sau đó đổ dầu lửa vào mà chạy. Bà con rất mê phim, có những gia đình gùi cõng theo đồ ăn để ở lại chờ đêm sau xem tiếp. Chúng tôi phải chiếu hết phim đồng bào mới chịu ra về”, ông Cẩn kể. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất với những người chiếu bóng KH năm ấy là lần đi chiếu phim ở Bắc Ái (Ninh Thuận). Lần ấy, nghe nói đội chiếu bóng đến, mọi người chuẩn bị xăng đựng trong hòm đạn, ống lồ ô để phục vụ việc chiếu phim. Không ngờ, xăng bốc hơi gần hết chỉ chiếu được 1 đêm. Hôm sau, ông Huyện đội trưởng Bắc Ái đứng lên huy động đồng bào, chiến sĩ góp dầu từ những chiếc đèn hột vịt để kéo dài thêm một buổi chiếu phim nữa.
Trong quá trình đi chiếu phim, đoàn được đồng bào rất yêu mến. Mỗi khi săn được thú rừng, đồng bào vẫn thường đem biếu cho đội chiếu bóng, có khi chỉ là nải chuối, hoặc vài quả bắp nướng. Cuộc sống ở rừng rất vất vả, nhiều anh em bị bệnh sốt rét rừng, nhưng nhờ được sống trong tình yêu thương của đồng bào nên mọi người luôn nỗ lực phục vụ.
Đồng bào miền núi rất thích phim cách mạng (trong ảnh: Người dân thôn Tà Gộc xem phim Mùi cỏ cháy). |
Niềm vui ngày gặp mặt
Bao nhiêu năm đã qua, nhưng tình cảm của đồng bào dành cho những người làm công tác chiếu phim, cũng như của những người chiếu phim với đồng bào vẫn còn sâu đậm. Nghe tin đoàn công tác của TTĐA KH về lại chiến khu xưa, đội chiếu bóng lưu động sẽ phục vụ chiếu phim, người dân thôn Tà Gộc kéo đến khá đông. Ông Chiêu Đình Khánh (người dân tộc Raglai, hiện ở xã Khánh Phú) nhờ cháu chở lên Tà Gộc để gặp lại những người bạn trong đội chiếu bóng năm nào. Gặp lại người đội trưởng năm xưa, ông Khánh vui đến trào nước mắt. “Ngày đó, chính anh Thặng đã dạy tôi cách lắp phim, sử dụng máy chiếu...”, ông Khánh cho biết. Nhiều người già từng được xem phim từ trước giải phóng cũng đến. Ông Pi Năng Lang (80 tuổi, thôn Tà Gộc, Khánh Thượng) nhớ lại: “Hồi ấy, đồng bào mình có biết phim ảnh gì đâu, đến khi đội chiếu bóng về mình mới được xem phim. Nhờ xem phim mình mới biết được Bác Hồ, chứ trước đó chỉ thấy qua ảnh...”.
Ông Thặng cho biết, từ sau giải phóng đến nay, ông và các đồng nghiệp đã nhiều lần trở lại chiến khu Tà Gộc. Lần này trở lại, ông hỏi thăm một số người quen cũ nhưng được biết, hầu hết đều đã mất do tuổi cao. Điều khiến ông Thặng cũng như những người làm điện ảnh KH rất vui là mỗi lần về thấy đời sống của đồng bào đi lên. Trong chuyến đi này, TTĐA KH đã tặng 30 suất quà (mỗi suất trị giá 250 ngàn đồng) cho các hộ nghèo ở thôn Tà Gộc như một cách bày tỏ lòng biết ơn với những người đã một thời nuôi dưỡng, giúp đỡ đội chiếu bóng ngày trước.
Trong chuyến đi này, đội chiếu phim lưu động số 2 (phục vụ địa bàn Khánh Vĩnh) của TTĐA KH chiếu bộ phim Mùi cỏ cháy để phục vụ đồng bào. Từ chập choạng, người dân trong thôn kéo đến khá đông để chờ đợi xem phim. Dường như, với đồng bào miền núi, phim vẫn có một sức hút rất lớn.
Xuân Thành